(KTSG) - Theo báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2022, 83% các quỹ đầu tư kỳ vọng số lượng dự án đầu tư tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn 2025-2030. Việt Nam, Indonesia và Philippines được đánh giá là ba thị trường có cơ hội phát triển tốt đối với kinh tế số.
- Đừng xem phát triển kinh tế số như thành tích!
- TPHCM đẩy mạnh chuyển đổi số để kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025
Kỷ nguyên kinh tế số của Đông Nam Á chỉ mới bắt đầu
Tăng trưởng với tốc độ hai con số trong suốt giai đoạn 2019-2022, nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt mức gần 200 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022, theo Báo cáo nền kinh tế số 2022 được phát hành bởi Google, Temasek, Bain & Company.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của số lượng người dùng Internet, tỷ lệ người tiêu dùng kỹ thuật số cao, và cú hích từ giai đoạn đại dịch Covid-19 đang khiến nền kinh tế số Đông Nam Á tăng trưởng đột biến, vượt xa dự báo của chính các đơn vị trên trong quá khứ. Báo cáo này cũng dự báo thập kỷ kinh tế số của khu vực “mới chỉ vừa bắt đầu”, dự kiến sẽ đạt mức giá trị hàng hóa giao dịch (GMV - Gross Merchandise Volume) hơn 300 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 và có khả năng đạt mức 600-1.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030.
Thị trường kinh tế số Đông Nam Á vẫn sẽ được dẫn dắt bởi Indonesia, tuy nhiên Việt Nam đang có sự bứt tốc và tiệm cận vị trí thứ 2 cùng với Thái Lan.
Sự tăng trưởng nổi bật của khu vực Đông Nam Á đang được hỗ trợ bởi nguồn vốn từ các quỹ đầu tư. Tính riêng trong năm 2021, khoảng gần 2.700 dự án nhận được đầu tư với tổng vốn 26,7 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất từ trước đến nay. Chia theo thị trường, Singapore chiếm tỷ trọng cao nhất (46%), tiếp đến là Indonesia (34%) và Việt Nam (10%).
Bên cạnh nguồn vốn vào các sản phẩm có định hướng tương đối rõ ràng như thương mại điện tử, dịch vụ giao nhận.... thì các khoản đầu tư vào thị trường Đông Nam Á cũng bao gồm cả các lĩnh vực công nghệ mới như blockchain (công nghệ chuỗi khối), AI (trí tuệ nhân tạo). Trong đó nổi bật là các lĩnh vực về HealthTech (công nghệ trong lĩnh vực sức khỏe), Edtech (công nghệ trong lĩnh vực giáo dục), SaaS (software as a service - sản phẩm phần mềm được sử dụng dưới dạng dịch vụ qua công nghệ đám mây), Web3 (Internet thế hệ thứ 3 - phát triển dựa trên công nghệ blockchain)...
Thị trường hấp dẫn hàng đầu
Với tốc độ tăng trưởng 28% trong năm 2022 và dự báo tốc độ tăng trưởng kép CAGR 31% trong giai đoạn 2022-2025, Việt Nam đang là nền kinh tế số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với GMV đạt 23 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 và dự báo đạt 49 tỉ đô la Mỹ vào 2025.
Các dự án liên quan đến Web3 đang nhận được sự quan tâm khá lớn từ cộng đồng công nghệ Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn trong ngành như FPT, VNG.
Động lực tăng trưởng chính của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đến từ thị trường thương mại điện tử. Với sự tăng trưởng đột biến trong suốt thời gian đại dịch, ngành thương mại điện tử tại Việt Nam đang chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 65% giá trị GMV năm 2022) và dự kiến sẽ tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong những năm tiếp theo mặc dù tốc độ tăng sẽ giảm đáng kể so với giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, các ngành khác trong nền kinh tế số như dịch vụ giao nhận hàng hóa và thực phẩm, du lịch và giải trí cũng sẽ ghi nhận mức độ tăng trưởng tốt.
Bên cạnh các ngành nghề truyền thống trong nền kinh tế số, một số mảng khác cũng đang ghi nhận sự tăng trưởng đáng chú ý ở thị trường Việt Nam như các sản phẩm SaaS hay các dự án Web3. Trong đó các dự án liên quan đến Web3 đang nhận được sự quan tâm khá lớn từ cộng đồng công nghệ Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn trong ngành như FPT, VNG.
Cũng theo chia sẻ của các quỹ đầu tư, Việt Nam đang được xem là thị trường tiềm năng với 83% các quỹ đều có kế hoạch tăng số lượng dự án đầu tư trong giai đoạn 2025-2030, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi chung của khu vực liên quan đến quy mô dân số, đặc điểm nhân khẩu học..., Việt Nam cũng được đánh giá cao về chất lượng và chi phí nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Tiềm năng phát triển của kinh tế số đang đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư, nhất là với các lĩnh vực công nghệ mới như blockchain hoặc các lĩnh vực vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng như các sản phẩm công nghệ cho giáo dục và sức khỏe.