Thứ Hai, 20/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Trung Quốc trả giá khi gần 1/3 dân số bị đặt dưới lệnh phong tỏa

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nền kinh tế Trung Quốc đang phải trả giá khi lệnh phong tỏa kiểm soát đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến gần 400 triệu người, gần 1/3 dân số của nước này.

Chính sách “zero Covid” và những tác động lớn của nó lên các hoạt động kinh doanh và sản xuất khiến giới phân tích hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. Thậm chí, một số nhà phân tích cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng và có thể rơi vào suy thoái trong những tháng tới.

Một chốt kiểm soát ở lối vào một con đường hầm dẫn đến khu vực Phố Đông của TP Thượng Hải, nơi đang bị đặt dưới lệnh phong tỏa. Hoạt động vận chuyển hàng hóa đến và đi từ cảng Thượng Hải trở nên khó khăn do các biện pháp phòng chống dịch gắt gao. Ảnh: Reuters

45 thành phố, chiếm 40% GDP của Trung Quốc bị phong tỏa

Ngân hàng Nomura của Nhật Bản ước tính khoảng 373 triệu người dân ở 45 thành phố lớn nhỏ, đóng góp 40% GDP hàng năm của Trung Quốc, đang bị đặt dưới các lệnh phong tỏa với các mức độ khác nhau. Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang chạy đua truy vết tiếp xúc ca nhiễm Covid-19 để khống chế đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch. Hàng trăm ngàn người đã bị đưa đến các khu cách ly tập trung và hàng chục triệu người khác được yêu cầu ở nhà.

Đây là một phần của chiến lược quét sạch Covid-19 vốn đang ngày càng kìm hãm triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc. Các chuyên gia bắt đầu cảnh báo mục tiêu tăng trưởng 5,5% của Trung Quốc giờ đây trở nên phi thực tế vì có quá nhiều hoạt động kinh tế thường ngày bị đình trệ.

Hồi đầu tuần này, Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường cảnh báo các quan chức địa phương về mức độ tổn thất kinh tế ngày càng lớn của mỗi đợt bùng phát dịch mới, đồng thời hối thúc họ cân bằng các biện pháp kiểm soát dịch với nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng. Ông nói: “Điều cần thiết là phải điều phối hiệu quả hoạt động kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh và nỗ lực phát triển kinh tế và xã hội”.

Trung Quốc ghi nhận hơn 350.000 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng kể từ khi dịch bệnh này tái bùng phát vào tháng trước. Trong khi con số này không phải là quá lớn nếu như so sánh với bất kỳ nước nào khác đang chống chọi với biến thể Omircon, Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược “zero-Covid” một phần là vì lo ngại hệ thống y tế sẽ quá tải nếu dịch bệnh lan rộng, đe dọa nhóm dân số lớn tuổi có tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.

Cho đến nay, vẫn còn khoảng 40 triệu người trên 60 tuổi ở Trung Quốc chưa tiêm mũi vaccine nào.

Chiến lược này đang bắt đầu tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu với các nhà máy lắp ráp iPhone, xe điện và sản xuất chip bán dẫn ở Trung Quốc phải dừng hoạt động. Một số linh kiện quan trọng không thể vận chuyển từ các cảng đến các nhà máy vì đường sá bị phong tỏa cũng như các yêu cầu xét nghiệm nghiêm ngặt đối với tài xế xe tải.

Trong tuần này, Pegatron, công ty Đài Loan đang lắp ráp 20-30% iPhone cho Apple, thông báo dừng hoạt động 2 trong số các nhà máy của công ty ở Trung Quốc để tuân thủ các yêu cầu chống dịch Covid-19 của các chính quyền địa phương. Bosch, nhà cung cấp linh kiện ô tô hàng đầu của Đức và hãng xe điện Tesla (Mỹ) nằm trong số những công ty toàn cầu phải dừng hoạt động ở Trung Quốc vì các tài xế xe tải bị yêu cầu trình giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính có hiệu lực trong vòng 48 tiếng đồng hồ để được đi vào các thành phố như Thượng Hải.

Ở một số nơi không có ca nhiễm Covid-19, giới chức trách cũng đặt ra các quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt, khiến Quốc vụ viện Trung Quốc yêu cầu chính quyền địa phương không phong tỏa các con đường chính, bến cảng và sân bay.

Đối mặt rủi ro suy thoái

Những nỗ lực kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh đang gây tác động ngày càng lớn lên hoạt động kinh doanh và sản xuất đến nỗi các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay về mức 5%. Thậm chí, một nhà kinh tế cảnh báo Trung Quốc có thể rơi vào suy thoái trong những tháng tới.

Trong báo cáo nghiên cứu công bố hôm 13-4, các nhà kinh tế của Ngân hàng Nomura đứng đầu là Lu Ting, nhận định: “Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhà sản xuất lớn nhất toàn cầu, đã đối mặt với rủi ro suy thoái ngày càng gia tăng kể từ giữa tháng 3. Chúng tôi tin rằng các thị trường trên toàn cầu tiếp tục đánh giá thấp tác động của đợt bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc, có thể là do quá tập trung chú ý đến cuộc xung đột Nga-Ukraine và kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ”. Họ định nghĩa suy thoái là tăng trưởng GDP tính theo quí hàng năm ở mức âm.

Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, cho biết Bắc Kinh đã ưu tiên chính sách không khoan nhượng đối với Covid-19. Ông nói: “Vấn đề là khi bạn đặt ra kiểu mục tiêu chính sách này, các chính quyền địa phương sẽ cạnh tranh với nhau. Ví dụ, các quan chức ở TP. Quảng Châu, một thành phố có 15 triệu dân, đã bắt đầu xét nghiệm Covid-19 trên toàn thành phố sau khi phát hiện ra 20 ca lây nhiễm trong cộng đồng vào tuần trước. “Nếu tất cả các chính quyền địa phương đều làm theo cách này thì toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp khó khăn”, ông nói.

Cơn bùng phát dịch ở Thượng Hải khiến số ca nhiễm không triệu chứng tăng lên mức khoảng 25.000 ca mỗi ngày bất chấp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Điều này đã thôi thúc các địa phương khác phải triển khai các biện pháp nghiêm ngặt để chủ động phòng chống dịch.

Một số dữ liệu kinh tế bắt đầu phản ánh cú sốc từ lệnh phong tỏa. Doanh số bán xe của Trung Quốc giảm 10% trong tháng 3 và một chỉ số theo dõi hoạt động vận tải ở nước này giảm 25% trong tuần đầu tiên của tháng 4.

Hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để vực dậy tăng trưởng

Trung Quốc đã nhanh chóng khống chế thành công Covid-19 vào đầu năm 2020, cho phép nước này nối lại hoạt động sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu và phục hồi kinh tế. Trong đợt bùng phát dịch hiện tại, biến thể Omicron lây lan mạnh hơn nhưng Bắc Kinh vẫn quyết tâm tái lập thành tích đó.

Với chiến sự ở Ukraine đang đẩy tăng giá cả hàng hóa và nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Trug Quốc hạ nhiệt do lạm phát tăng mạnh ở các thị trường nước ngoài quan trọng, trong tuần này, Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo các thay đổi bất ngờ ở môi trường trong nước và ngoài nước đòi hỏi phải triển khai các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng quyết liệt hơn và khẩn cấp hơn.

Tuy nhiên, nỗ lực kích thích tài khóa và tăng chi tiêu phát triển hạ tầng sẽ khó thực hiện trong thời kỳ phong tỏa. Do vậy, Trung Quốc chỉ còn có thể dựa vào chính sách tiền tệ.

Hôm 15-4, trong một động thái hỗ trợ nền kinh tế chống chọi tác động của Covid-19, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 25 điểm phần trăm ở tất cả các ngân hàng để bơm thanh khoản dài hạn trị giá 530 tỉ nhân dân tệ (83,2 tỉ đô la Mỹ) vào hệ thống liên ngân hàng. PBoC cho rằng nguồn thanh khoản này giúp các ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ cho vay đối với các ngành kinh doanh và công ty bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát dịch bệnh.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng biện pháp này chưa đủ để đảo ngược đà tăng trưởng đang chậm lại của Trung Quốc.

“Tôi không nghĩ rằng động thái hạ RRR có ý nghĩa nhiều với nền kinh tế vào giai đoạn này. Thách thức chính mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với các đợt bùng phát Omicron và chính sách phong tỏa hạn chế di chuyển. Thanh khoản tăng lên có thể hỗ trợ chút ít nhưng không giúp giải quyết gốc rễ của vấn đề”, Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng ở Công ty Pinpoint Asset Management, nhận định.

Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Nếu nhu cầu mạnh mẽ, việc nới lỏng tiền tệ sẽ cho phép các công ty vay và mở rộng sản xuất một cách hiệu quả, nhưng đó không phải là vấn đề ở Trung Quốc. Có rất ít bằng chứng về nhu cầu mạnh mẽ. Ngay cả trước khi đợt bùng phát Covid-19 mới nhất, sức tiêu dùng trong nước của Trung Quốc vẫn đang suy yếu”.

Theo NY Times, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới