(KTSG Online) - Trước những tác động tiêu cực đối với môi trường do sản xuất và tiêu dùng gây ra, con người buộc phải ý thức tự cứu mình và kinh tế xanh đang dần trở thành xu hướng không thể đảo ngược. Điều này cũng buộc các doanh nghiệp phải “chuyển đổi xanh” trong quá trình phát triển.
Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến từ "Diễn đàn Kinh tế xanh" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức tuần qua, quá trình chuyển đổi xanh là cực kỳ khó khăn và doanh nghiệp không thể tự làm một mình mà cần sự ủng hộ cao của Nhà nước, đặc biệt là hỗ trợ về thể chế. Bài ghi nhận ý kiến do nhóm phóng viên Hùng Lê - Song Dũng thực hiện có tựa đề Kinh tế xanh không phải chuyện riêng của doanh nghiệp sẽ xuất hiện trên KTSG bản in số phát hành vào sáng mai (28-4).
Cũng trong tuần vừa qua, sự kiện “Ấn tượng Việt Nam trên ruộng đồng miền di sản”, là sáng kiến của Sài Gòn Tiếp Thị (sgtiepthi.vn) (một ấn phẩm của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn) phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đã diễn ra tại thành phố du lịch Hội An. Cuộc tọa đàm trong khuôn khổ sự kiện này đã chia sẻ những cơ hội và thách thức làm du lịch xanh, bền vững. (Bài tựa đề Du lịch “xanh” theo từng bước chân do Nhân Tâm thực hiện).
Một cụm nội dung chủ đề “Đấu giá đất và Luật Đất đai” sẽ được chuyển tải trên cùng số báo, gồm các bài viết:
Từ “phân lô bán nền”, “đấu giá đất, bỏ cọc” đi tìm hướng sửa Luật Đất đai (LS. Nguyễn Tiến Lập): Luật Đất đai hiện hành vẫn phản ánh tư duy kế hoạch hóa trong khi đất nước đã thực sự chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Kiểm soát đấu giá bất minh (TS. Châu Thị Khánh Vân): Tuy không phải là trường hợp bỏ cọc và dừng mua tài sản trúng đấu giá đầu tiên, nhưng giá trúng đấu giá cao từ cuộc đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm (TPHCM) thời gian qua đã ảnh hưởng tới giá của thị trường bất động sản nói chung.
Đấu giá, đặt trước và bỏ… cọc: luật đã có! (Trương Trọng Hiểu): Để đảm bảo độ an toàn cho một cuộc đấu giá, đặc biệt là để bù đắp những khoản chi phí cần thiết để tổ chức cuộc đấu giá, một trong số các điều kiện mà pháp luật đặt ra là nghĩa vụ đặt tiền trước của người tham gia đấu giá.
Các đề tài kinh tế - xã hội khác theo dòng thời sự:
Lành mạnh hóa thị trường tài chính một cách... lành mạnh! (Phan Minh Ngọc): Sau các vụ phạm luật dẫn đến việc truy tố, các thông điệp quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp liên tục được đưa ra, từ cấp cao nhất trong hệ thống chính quyền đến các bộ, ngành và cơ quan chủ quản.
Trái phiếu doanh nghiệp: “Nắn”, “buông” rồi lại “nắn” (Lưu Minh Sang): Các cơ quan quản lý đã xác định đúng điểm huyệt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng vấn đề quan trọng hơn là kế hoạch hành động đối với việc sửa đổi và hoàn thiện khung pháp lý.
Không thể bỏ qua yếu tố đạo đức nghề nghiệp (Lê Hoài Ân): Một thị trường chứng khoán mà chỉ trong thời gian ngắn, nhà đầu tư có thể nhân đôi, nhân ba tài khoản, hay ngược lại, mất hết cả vốn gốc khi dùng margin, thì thị trường đó đang trở thành sòng bạc chứ không phải thị trường chứng khoán.
Giờ mới biết ai đang bơi mà không mặc quần áo! (Thanh Thủy): Sự suy giảm lần này của thị trường chứng khoán được coi là đợt sàng lọc lớn đối với lớp nhà đầu tư F0 đã bùng nổ mạnh trong thời gian vừa qua.
Chứng khoán - muốn “tham lam” hãy chờ lửa được dập (Triêu Dương): Tình hình thị trường hiện nay rất khó nói khi nào mới xác lập “đáy”. Chiến lược đầu tư hợp lý nhất có lẽ là kiên nhẫn đợi thị trường cân bằng trở lại.
Kỳ vọng vào lực đỡ của dòng tiền ngoại! (Đăng Linh): Hiện tại, trong khi tâm lý nhà đầu tư trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiều tin đồn thì dòng tiền ngoại lại có dấu hiệu “bắt đáy” khá mạnh.
Yếu tố nào hóa giải áp lực lãi suất? (Thụy Lê): Mặt bằng lãi suất tiền gửi có dấu hiệu đi lên từ đầu tháng 4. Liệu có yếu tố nào có thể giúp kìm chân lãi suất?
Tiền đồng trước thách thức giảm giá so với đô la Mỹ (Tuệ Nhiên): Trước “sức ép” tăng giá của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế, một số dự báo cho rằng các đồng tiền trong khu vực và cả tiền đồng sẽ chịu áp lực giảm giá lớn hơn trong năm nay.
Đóng dấu thử nghiệm để sàng lọc (mục Ý kiến): Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát một số hoạt động công nghệ tài chính vẫn còn ở giai đoạn dự thảo và góp ý. Cần tránh tình huống các đơn vị tham gia thử nghiệm thì chịu nhiều ràng buộc, còn nơi không tham gia hay không đủ điều kiện tham gia thì chưa chịu những chế tài nào ngoài “quy định pháp luật” chung chung.
Mây đen vẫn phủ trên thị trường khách sạn TPHCM (Đào Loan): Trái ngược với hình ảnh nhộn nhịp tại nhiều khách sạn ở một số điểm du lịch, hệ thống khách sạn tại TPHCM vẫn vắng vẻ sau nửa năm thành phố mở cửa trở lại kể từ đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư.
Đi tìm thương hiệu gạo của Việt Nam (Hồ Nguyên Thảo): Đã có hàng loạt tên gạo quen thuộc như Nàng Thơm Chợ Đào, Hương Lài, Tài Nguyên…, nhưng để tìm một cái tên được mọi người chọn và phổ biến ở mọi nơi thì e rằng chưa có.
Xuất khẩu càng tăng, mức lan tỏa lại càng giảm (Bùi Trinh): Điều rất đáng quan ngại là độ lan tỏa từ xuất khẩu hàng hóa đến giá trị tăng thêm ngày càng nhỏ.
Đất nông nghiệp tại Tây Nguyên đang teo dần? (Nguyễn Quang Bình): Giá đất ở Tây Nguyên lên từng ngày. Nguy cơ nông nghiệp vỡ thế trận có thể đoán trước.
Những thách thức thị trường nước sạch (Nguyễn Lan Phương - Nguyễn Quang Đồng): Quyền được tiếp cận nước sạch từ lâu đã được mặc định là một quyền cơ bản của người dân.
Mực nước sông Mêkông thất thường: lo nhiều hơn mừng (Lê Anh Tuấn): ĐBSCL không nhận được lợi ích từ sự vận hành thủy điện phía thượng nguồn mà phải đối phó với nhiều mất mát về nông nghiệp, thủy sản, hệ sinh thái tự nhiên và tính ổn định về đất đai, địa chất.
Vì đâu nên nỗi? (Nguyễn Hoàng Chương): Chính căn bệnh thành tích khó chữa đi kèm với sự vô cảm trong giáo dục dẫn đến sự vụ ép học sinh học lực yếu không thi vào lớp 10 trường công lập.
Phải chăng là từ bỏ sứ mệnh của giáo dục? (Đoàn Khắc Xuyên): Thành tích của nhà trường hay của nền giáo dục của một đất nước không thể đạt được bằng cách hy sinh, loại bỏ, đẩy đi chỗ khác những học sinh bị cho là yếu kém, thay vì giúp học sinh nhận diện và khai thác tất cả khả năng của các em.
Quyền tiếp cận thông tin: đã có luật nhưng vẫn phải “đi đòi” (Song Nghi): Cần tạo điều kiện để người dân sử dụng quyền tiếp cận thông tin đã được pháp luật quy định.
Lẩu Sài Gòn có còn hấp dẫn? (Trần Thanh Tâm): Trong số thị dân làm nên đại đô thị Sài Gòn, một phần đáng kể là những người đến từ phương xa. Những “công dân Sài Gòn” đều chia sẻ một điểm chung: xem Sài Gòn là một “cái lẩu” đa văn hóa mà trong đó, ai cũng có thể thưởng thức món mình ưng ý nhất.
Thủ tục khởi sự kinh doanh vẫn nhiều “khóa” (Hoàng Minh): Nhiều người không thể tự phân loại hoạt động kinh doanh của mình nằm trong nhóm ngành nghề gì. Trong khi đó, nếu liệt kê ít quá thì sợ vi phạm pháp luật, còn liệt kê nhiều quá lại sợ phải tìm hiểu các thủ tục, giấy phép.
Lao động bán thời gian được hưởng phúc lợi thế nào? (Lê Kiều Trinh): Thực tế, doanh nghiệp thường bỏ qua việc áp dụng các chính sách phúc lợi dành cho người lao động làm việc bán thời gian. Việc này liệu có vi phạm pháp luật?
Doanh nghiệp Nhật Bản tìm sức bật mới ở nhân viên tuổi trung niên (Ricky Hồ): Thị trường việc làm cho người từ 40 tuổi đang trở nên sôi động khi các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm sự tăng trưởng hay sức bật mới thời hậu dịch.
Phố Wall lo ngại những động thái cứng rắn từ Fed (Song Thanh): Nhiều nhà đầu tư ở Phố Wall lo ngại kế hoạch kiểm soát lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể dẫn tới những thiệt hại lớn cho thị trường tài chính.
Khi doanh nghiệp bị cuốn vào chính trị (Thư Kỳ): Mối quan hệ nhiều thăng trầm giữa hãng Disney và chính quyền tiểu bang Florida cho thấy doanh nghiệp ở Mỹ không thể đứng ngoài xung đột văn hóa giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến hiện đang bao trùm không khí chính trị của nước này.
Xây cao ốc bằng gỗ (Nguyễn Vũ): Một xu hướng mới trong ngành xây dựng có thể làm nhiều người ngạc nhiên: xây cao ốc hoàn toàn bằng gỗ. Thụy Điển vừa khai trương tòa nhà văn hóa kiêm khách sạn Sara cao 20 tầng, từ sàn nhà, trần nhà đến các cột chống đều bằng gỗ.
Các tạp bút Trong vườn đêm (Huỳnh Văn Mỹ) và Những tay cua rơ trên cung đường hoa giấy (Lê Phú Cường).
Mời bạn đọc đón xem!