Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

KTSG số 22-2022: Ách tắc vì… sợ!

Tòa soạn KTSG

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mức độ thiệt hại cho nền kinh tế và xã hội từ sự “đóng băng nhiệm vụ” do sợ hãi của hàng ngũ cán bộ có khi còn nặng nề hơn so với nạn tham nhũng! Đó là nhận định được nêu trong bài xã luận có tựa đề “Ách tắc vì sợ - không thể không lo!" (chuyên mục Ý kiến) mở đầu số báo KTSG bản in tuần này, phát hành vào sáng mai, 2-6.

Cũng trong bài xã luận này, điều đáng nói hơn nữa là dường như chưa từng có ai bị xử lý vì gây thiệt hại do sợ mà không làm! Sự trì trệ của bộ máy nhà nước ở các cấp đang là vấn đề nhức nhối. Tình trạng luật lệ chồng chéo, thiếu rõ ràng dẫn đến cùng một vấn đề nhưng có thể vận dụng nhiều quy định có khi trái ngược nhau để giải quyết có thể tạo ra những cái “bẫy” luật pháp khiến cán bộ nhà nước lo sợ khi đứng trước việc phải ra quyết định, nhất là những quyết định liên quan đến đất đai, đầu tư và chi tiêu công.

Các vấn đề kinh tế - xã hội theo dòng thời sự trên cùng số báo:

Muốn kinh tế thành công thì hãy làm như bóng đá (Lê Hoài Ân - Trần Thị Xuân Tiên): Thành công của bóng đá cho chúng ta những góc nhìn, suy ngẫm về bài toán phát triển kinh tế lâu dài, giúp thấy được tầm quan trọng của tầm nhìn, quá trình đầu tư cho việc phát triển, chuẩn hóa cũng như xây dựng một phong cách chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế.

Kinh tế trên đà phục hồi với lạm phát dần “tăng nhiệt”! (Linh Trang): Bên cạnh những tín hiệu hồi phục, bức tranh kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm còn cho thấy lạm phát đang tăng nhiệt. Giá xăng dầu có mức tăng bình quân lên tới 50% so với cùng kỳ.

Dòng tiền nào cho trái phiếu doanh nghiệp? (Hải Lý): Số dư của trái phiếu doanh nghiệp đã lên đến 1,4-1,5 triệu tỉ đồng và nhu cầu huy động vẫn tiếp tục tăng. Sẽ không có gì đáng nói nếu dòng tiền này chảy vào sản xuất kinh doanh, nhưng thay vào đó, chúng đang chủ yếu đổ vào bất động sản.

Tăng trưởng tín dụng cao trước thời điểm hỗ trợ lãi suất (Thụy Lê): Xu hướng tăng trưởng tín dụng ngay khi chương trình hỗ trợ lãi suất còn chưa được triển khai buộc các ngân hàng phải đề xuất nới room tín dụng.

Vì sao đô la Mỹ tăng giá? (N.V.P trao đổi với ông Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên viên kinh tế cao cấp của Liên hiệp quốc): Đô la Mỹ lên giá so với đồng euro vì thị trường kỳ vọng nó tăng do chiến tranh ở Ukraine và ảnh hưởng dài lâu của giá năng lượng.

Chiến tranh tiền tệ ngược (Nguyễn Vũ): Đô la Mỹ mạnh lên cũng làm các nước đang phát triển gia tăng lo ngại đối với nợ nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ e sợ rủi ro ở những nơi mà đồng nội tệ bị định giá thấp.

VN-Index đang trong “sóng hồi” (Thanh Thủy): Tuần trước, VN-Index có tuần hồi phục thứ hai liên tiếp sau chuỗi sáu tuần giảm liên tiếp trước đó.

Chứng khoán tháng 6 và nỗi lo vẫn từ Fed (Triêu Dương): Gói hỗ trợ lãi suất dường như là một trong những động lực giúp VN-Index phục hồi khá tích cực từ giữa tháng 5. Bước sang tháng 6, áp lực nào đang chờ đón thị trường?

Cổ phiếu cảng biển - nơi “trú ẩn” khi thị trường lao dốc! (Đăng Linh): Nhóm cảng biển đang được đánh giá là một trong những cơ hội tốt của dòng tiền “thông minh”.

Thị trường chứng khoán và công ty kiểm toán (TS. Võ Đình Trí): Để nâng cao chất lượng các báo cáo tài chính cũng như các công ty kiểm toán thì phải gắn chặt hoạt động của những công ty này với trách nhiệm pháp lý.

Để hoạt động kiểm toán, định giá, xếp hạng tín nhiệm chuyên nghiệp (Châu Phan): Nếu cứ độc lập, làm đúng theo chức trách, nhiệm vụ và đạo đức nghề nghiệp mà không “chịu” bị khách hàng chi phối hay điều khiển thì dịch vụ kiểm toán, định giá, xếp hạng tín nhiệm có thể không được khách thuê. Lời giải cho vấn đề này phải đến từ nhiều phía…

Gỡ nốt những rào cản cho du lịch quốc tế (Đào Loan): Lượng khách quốc tế đang tăng đều nhưng vẫn cần tiếp tục gỡ những nút thắt về thị thực, về tiếp thị điểm đến và giá cả, thì mới có thể giúp mùa làm ăn cuối năm nhộn nhịp hơn.

Kỳ vọng nào cho giá cà phê trong thời gian còn lại năm 2022? (Nguyễn Quang Bình): Sau những tháng rời bỏ mức “đỉnh” được lập hồi tháng 12-2021, liệu còn có hy vọng nào cho giá cà phê trên các sàn phái sinh?

Thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ “ấm dần” (Quốc Hùng): Sau hai năm bị đóng băng vì đại dịch Covid-19, thị trường mặt bằng thương mại cho thuê đang “ấm” lên và được cho là sẽ sôi động hơn vào cuối năm nay.

Cửa hàng flagship: chỉ lớn thôi chưa đủ! (Hồ Nguyên Thảo): Với diện tích lớn và được chăm chút kỹ lưỡng, các cửa hàng hàng đầu (flagship) đang là làn sóng mới lướt qua các đô thị Việt Nam. Nhưng flagship không đơn giản là to, đẹp…

Điện mặt trời: nhà đầu tư bị đẩy vào thế “leo lưng cọp” (Song Nghi): Từ tháng 3, ngành điện không thanh toán tiền mua điện cho nhà đầu tư điện mặt trời theo hợp đồng đã ký kết. Các nhà đầu tư đang đồng loạt kêu cứu lên Chính phủ.

Một góc nhìn khác về phát triển nhà ở xã hội (Nguyễn Minh Hiếu - Nguyễn Minh Đăng Khoa - Nguyễn Thanh Lan - Vũ Ngọc Mai): Cần có quy hoạch tổng thể về đất đai và nhà ở một cách đồng bộ mới đáp ứng nhu cầu của đối tượng thụ hưởng và hiện thực hóa các mục tiêu về chiến lược phát triển nhà ở xã hội.

Không làm giàu trên tương lai con trẻ (Nguyễn Minh Hòa): Không thể biến sách giáo khoa thành ngành kinh doanh để làm giàu.

Đường dây “tốc độ ánh sáng” (Quỳnh Đan): Phản ánh của TS. Lê Đăng Doanh về giá cước quá cao của xe (taxi) hợp đồng trong nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất đã được phản hồi với “tốc độ ánh sáng”. Nhưng đó phải chăng là vì từ phản ánh của “VIP”? Liệu có giải pháp nào cho những đường dây nóng đang trở thành “đường dây nguội”?

Luận về hưu (Trần Thanh Tâm): Tuổi hưu ở Việt Nam khác thế nào so với các nước trên thế giới? Tiếp tục làm việc hay không là lựa chọn cá nhân của người cao tuổi và cần được tôn trọng.

Sức khỏe: Đau lưng mà không phải đau lưng (BS. Tăng Hà Nam Anh): Nhiều bệnh nhân cảm thấy đau lưng lan xuống chân và được chẩn đoán là thoát vị đĩa đệm chèn ép thần kinh tọa, nhưng nhiều khi đó lại là tình trạng đau khớp cùng chậu.

Những ghi chép tản mạn Mùa lá bàng non của Nhật Mai và Vườn của Trâm của Lê Phú Cường.

Các đề tài kinh tế thế giới:

Kiếm hiệp và ngôn tình trực tuyến có đủ sức cứu Tencent? (Ricky Hồ): Doanh thu và lợi nhuận của Tencent giảm trong quí 1-2022 do chính sách chống dịch khắc nghiệt và hệ quả của các đợt chấn chỉnh. Những nhân vật hư cấu là sáng tác của người dùng Internet trên nền tảng văn học trực tuyến China Literature đang trở thành động lực tăng trưởng mới của hãng công nghệ này.

Chuỗi cung ứng đang thay đổi (Phạm Minh Tâm): UPS - doanh nghiệp logistics 115 năm tuổi - chia sẻ những quan sát về sự thay đổi của chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu trước các biến động địa chính trị và từ đại dịch Covid-19.

Các cảng biển Mỹ trước mối lo ùn ứ trở lại (Ngọc Thanh): Các cửa ngõ Mỹ, vốn đang căng mình trước lượng hàng hóa kỷ lục và tình trạng tắc nghẽn, cho biết áp lực năm nay đến sớm vài tuần khi các nhà nhập khẩu tìm cách đảm bảo nguồn hàng trước mùa mua sắm vào mùa thu.

Người dân Mỹ rồi cũng phải siết hầu bao lại (Song Thanh): Bất chấp áp lực lạm phát, người dân Mỹ vẫn đang tiếp tục mở rộng hầu bao chi tiêu, tiếp sức cho sự phục hồi của nền kinh tế. Nhưng xu hướng này được dự báo sẽ không kéo dài.

Châu Á sôi động với không gian “chia sẻ” vừa ở vừa làm việc (Ricky Hồ): Các không gian “co-living” (chia sẻ hay sống chung) cho phép cư dân sống và làm việc chung trong một tòa nhà đang xuất hiện trên khắp châu Á, đáp ứng nhu cầu của những nhân tài trẻ tuổi phải làm việc và di chuyển liên tục.

Bảo hộ lương thực - kết quả chỉ từ tệ đến tệ hơn! (Lạc Diệp): Hàng chục quốc gia đã hạn chế xuất khẩu lương thực. Xu hướng này có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu, và ngay cả với quốc gia áp dụng chính sách bảo hộ.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới