(KTSG Online) - Ngay từ giai đoạn đầu ứng phó với đại dịch Covid-19, công nghệ đã được nhận diện là một “lực lượng” quan trọng. Và ở vào thời điểm hiện nay, khi có sự chuyển hướng tiếp cận chống dịch, từ “zero Covid” sang “sống chung” với virus, việc nhìn lại những thành công cũng như những điều chưa làm tốt của việc ứng dụng công nghệ là cần thiết.
KTSG bản in phát hành sáng mai (16-9) có các bài viết liên quan chủ đề “công nghệ, dữ liệu và chống dịch”:
Đại dịch Covid-19 đã làm lộ điểm yếu cốt tử của ta về dữ liệu (PGS. Trương Quang Thông): Những điểm yếu đó như là: thiếu dữ liệu (mà phần lớn do thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp, thiếu tính tích hợp), những dữ liệu công từ những dịch vụ công riêng lẻ đáng lý phải được tích hợp thì lại được lưu giữ theo kiểu “cát cứ”.
App Covid: Sao không tận dụng kho dữ liệu có sẵn? (Song Nghi): Các thiết kế ứng dụng trong phòng chống dịch Covid-19 đòi hỏi việc nhập dữ liệu đầu vào trong khi kho dữ liệu có sẵn thì không được tận dụng.
Công nghệ và chống dịch - Học được gì cho tương lai? (Nguyễn Quang Đồng): Việt Nam có gần một năm rưỡi để chuẩn bị chống dịch nhưng tiếp cận về công nghệ là rời rạc và không có tính hệ thống.
Trông chờ một hộ chiếu không sai sót (Nguyễn Vũ): Mọi người đang kỳ vọng một dạng “thẻ xanh vaccine” cho những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Nhưng để “thẻ xanh vaccine” phát huy tác dụng thì còn cần giải quyết khá nhiều vướng mắc.
Giấc mơ hộ chiếu vaccine (Hiệu Minh): Hộ chiếu vaccine không chỉ cần cho chợ cóc quê nhà mà mang tầm toàn cầu.
Các đề tài kinh tế - xã hội khác trên cùng số báo:
Không thể một mình sống chung với dịch (Tấn Đức): Việc thiết kế các tiêu chí để sống chung với dịch cần tránh tạo thêm gánh nặng về chi phí cũng như thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Mở cửa trường học để sống chung với dịch - nên không? (Trương Minh Thành): Liệu có nên mở cửa trường học khi trẻ em dưới 12 tuổi chưa có vaccine phòng ngừa dịch bệnh?
Câu chuyện Ivermectin (Nguyễn Vũ): Chừng như để có một nghiên cứu quy mô lớn, khách quan và khoa học nhằm giải đáp dứt khoát về hiệu quả của Ivermectin đối với Covid-19 là quá khó. Có thể đó là do các hãng dược không mặn mà rót kinh phí cho những nghiên cứu về các loại thuốc đã hết bản quyền, giá rẻ.
Không phải lúc này họ mới là anh hùng (Nam Thụ): Những người làm y tế là anh hùng vì bi kịch về sinh mạng của bệnh nhân luôn tồn tại và họ đối diện bi kịch ấy mỗi ngày. Sự tôn trọng và đãi ngộ đúng mức dành cho chuyên môn, thiên chức và tấm lòng của họ sẽ đem đến một nền y tế tốt hơn và bền vững hơn.
Nhiều quỹ ngoại tiếp tục bị rút ròng (Thanh Thủy): Việc các cổ phiếu trong rổ Diamond tăng mạnh trong hơn một năm qua có thể là nguyên nhân khiến quỹ ngoại bán chứng chỉ quỹ Diamond ETF.
Tăng trưởng tín dụng - liệu có đột phá về cuối năm? (Thụy Lê): Tín dụng có sự tăng trưởng nhất định trong tám tháng đầu năm, song liệu có thể đột phá trong những tháng còn lại khi nền kinh tế nói chung, hoạt động của doanh nghiệp nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn?
Dòng tiền thông minh đón đầu chính sách mở cửa du lịch (Triêu Dương): Hoạt động du lịch bắt đầu nhận được nhiều chính sách hỗ trợ và được kỳ vọng sẽ bật lại nhanh hơn so với các nhóm ngành khác trong giai đoạn tới.
Bảo vệ cổ đông nhỏ nhìn từ vụ GTNfoods sáp nhập vào Vilico (LS. Trương Hữu Ngữ): Quyền lợi của cổ đông nhỏ sẽ ra sao trong việc GTNfoods sáp nhập vào Vilico (Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam)?
Coi chừng lỡ hẹn với tháng 10 (Đào Loan): Việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc từ tháng 10 tới đây đang nhận được nhiều phản hồi tích cực lẫn sự hoài nghi về hiệu quả. Có những ý kiến hướng đến cách tiếp cận khác để dần phục hồi du lịch.
Doanh nghiệp Việt làm thiện nguyện mùa dịch (Kim Hạnh): Một xu hướng được quan tâm hiện nay là thông qua hoạt động thiện nguyện để mở rộng vị trí xã hội của công ty.
Công văn hướng dẫn có giá trị pháp lý tới đâu? (Nguyễn Thị Thu Thủy): Công văn 2844 ngày 25-8-2021 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhằm tháo gỡ vướng mắc và hướng dẫn sản xuất “3 tại chỗ” có những nội dung cần được xem xét, không chỉ về khía cạnh pháp lý mà còn ở tính thực thi của một văn bản hành chính.
Mã QR riêng và bảo mật dữ liệu cá nhân (Lê Thị Minh Thư): Việc áp dụng mã QR cá nhân khi chưa có sự phát triển tương thích về khoa học công nghệ đang đặt ra những thách thức về tính bảo mật và tính pháp lý cần được xem xét kỹ lưỡng.
Thương mại điện tử: Xu hướng niêm yết trên sàn ngoại (LS. Đỗ Đình Lâm - Nguyễn Ngọc Phương Linh): Việt Nam cần tạo cơ chế tốt hơn và thông thoáng hơn cho hoạt động IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, để qua đó thu hút vốn đầu tư.
HVN và câu chuyện giải cứu ngành hàng không (Lê Hoài Ân-Nguyễn Duy Khánh): Hãng hàng không quốc gia Philippines vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản, trong khi dư luận ở Việt Nam đặt câu hỏi về khả năng trụ vững của hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Chuyện của các hãng hàng không quốc gia ở Đông Nam Á một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước.
Thử lý giải về đề xuất áp mức sàn giá vé máy bay (Trương Trọng Hiểu): Nếu Nhà nước muốn chuyển sự hỗ trợ ngành hàng không từ phía mình sang cho người tiêu dùng bằng việc áp giá vé tối thiểu thì cũng cần phải có những lý giải phù hợp và thuyết phục nhất có thể.
Doanh nghiệp Mỹ bối rối trước quy định mới về tiêm vaccine ngừa Covid-19 (Lạc Diệp): Nhiều doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ bày tỏ quan điểm phản đối quy định bắt buộc tiêm vaccine hoặc xét nghiệm thường xuyên cho toàn thể nhân viên của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Shipper với nền tảng công nghệ: Gió đang đổi chiều (Song Thanh): Sự bùng nổ của ngành công nghiệp chuyển phát hàng hóa trong đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia quan tâm hơn việc bảo vệ quyền lợi của nhân viên giao hàng - đối tượng vốn chịu nhiều thiệt thòi trong mối quan hệ với các nền tảng công nghệ.
Cước vận tải biển đã sắp chạm đỉnh? (Đặng Dương): Ngày 9-9 vừa qua, hãng tàu CMA CGM (Pháp) thông báo sẽ ngừng tăng cước giao ngay trên mọi thị trường vận tải biển cho đến ngày 1-2-2022. Ngay sau đó, hãng tàu Hapag-Lloyd (Đức) cũng nhấn mạnh là họ đã tạm ngừng tăng cước giao ngay trong những tuần qua.
Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế: còn là thách thức pháp lý! (Lê Thiên Hương): Để hạn chế nguy cơ và tối đa hóa lợi ích của AI, WHO khuyến nghị các quốc gia tuân thủ sáu nguyên tắc: bảo vệ sự tự chủ của con người; thúc đẩy hạnh phúc, an toàn của con người cũng như lợi ích công cộng; đảm bảo minh bạch, rõ ràng và dễ hiểu; khuyến khích nghĩa vụ và trách nhiệm giải trình; đảm bảo công bằng; thúc đẩy AI đáp ứng nhanh và có tính bền vững.
Hai tiểu thuyết cho thời gian giãn cách - Đọc lại, nghiền ngẫm về thân phận con người (Ngọc Trân): Thời giãn cách, lần giở sách cũ nhưng với những cảm xúc chưa từng có trước đó.
Suy nghĩ về sự chết (Lê Hữu Huy): Xem xét hành trình đau khổ ở giai đoạn cuối đời của các bệnh nhân để lưu ý việc hỗ trợ, chăm sóc họ được chết một cách đàng hoàng.
Hướng tới một thành phố cảm xúc (Thanh Thảo): Đã có những thành phố trên thế giới đầy hạnh phúc dù không giàu. Hạnh phúc không được đo bằng GDP.
Mời bạn đọc đón xem!