(KTSG Online) - Một báo cáo do Google, Temasek và Bain công bố hồi tháng 11-2021 dự báo nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á sẽ vượt 1.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, và Việt Nam sẽ đứng thứ hai (chỉ sau Indonesia) với tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên không gian số dự báo đạt 220 tỉ đô la.
Trong bài viết tựa đề Thế giới số và nghề nghiệp số trên KTSG bản in phát hành sáng mai (24-2), tác giả Hồ Quốc Tuấn cho rằng sự phát triển của số hóa dữ liệu và chuyển đổi số tất yếu tạo ra nhiều việc làm cho những người làm việc với dữ liệu, sử dụng dữ liệu. Cơ hội nghề nghiệp cũng mở ra cho những người có nhiều kỹ năng cũ nhưng chuyển đổi lên không gian số.
Trên số báo này còn có cụm bài viết về thị trường tài sản số:
Thị trường tài sản số: để không bị lỡ cơ hội (TS. Võ Đình Trí): Quá trình phát triển của thị trường tài sản số phụ thuộc các yếu tố như sự chấp nhận của xã hội, sự phát triển của công nghệ, của blockchain, các nền tảng, hạ tầng thiết bị. Có rủi ro cho những ai tham gia sớm, nhưng nếu thành công thì thành quả cũng sẽ rất lớn.
Quản lý để ngăn chặn “lùa gà” đầu tư vào tài sản ảo như thế nào? (Châu Phan): Vẫn cứ tiếp diễn chuyện mời chào nhà đầu tư cá nhân mua tài sản ảo hoặc góp vốn vào quỹ đầu tư kinh doanh tài sản ảo để đến một lúc, người mời chào thì biến mất; quỹ đầu tư thì tuyên bố thua lỗ hết tiền.
Vụ lừa đảo tiền tỉ ở Singapore (Nguyễn Vũ): Những người bị Ng Yu Zhi lừa đều thuộc giới thành đạt ở Singapore. Họ bị một kiểu lừa sơ đẳng qua mặt do lòng tham lãi suất cao. Vụ này làm Singapore “mất mặt”.
Những đề tài kinh tế - xã hội khác:
Legaltech - cuộc cách mạng trong lĩnh vực pháp lý! (Lê Thiên Hương): Cuộc cách mạng legaltech (công nghệ pháp lý) được đánh dấu bằng sự xuất hiện của những công ty tư vấn pháp lý “số hóa” đầu tiên như RocketLawyer và Legalzoom của Mỹ.
Phát triển chọn lọc và chuyện biến mất của một tiệm băng đĩa nhạc (Trương Trọng Hiểu): Người yêu âm nhạc nào mà bây giờ còn dùng băng cassette, băng video hay cả đĩa CD là thuộc dạng... hàng hiếm. Đa phần đều đang sử dụng các thiết bị số. Nền kinh tế luôn chọn lọc và đón nhận những gì mới mẻ, tích cực và mang lại nhiều giá trị hơn.
Hài hòa lợi ích thì phải giảm thuế, phí xăng dầu (mục Ý kiến): Để hỗ trợ “hồi sức” sau đại dịch Covid-19, Quốc hội đã quyết định giảm 2% thuế VAT cho một số nhóm mặt hàng và dịch vụ. Nhưng việc duy trì tỷ lệ thuế xăng dầu (thực chất là tăng thu nếu tính theo số tuyệt đối) có thể triệt tiêu hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT.
Nhìn lại quy định về hủy niêm yết cổ phiếu: sơ sài và lỏng lẻo! (Lưu Minh Sang): Những lùm xùm thông tin về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu HAG vẫn chưa có hồi kết. Thực trạng này bắt nguồn từ những thiếu sót, lỏng lẻo của khung pháp lý về hủy niêm yết tại Việt Nam, cũng như cách thức vận hành thị trường thiếu chuyên nghiệp.
“Mặt mộc” của xuất khẩu nông sản (Nguyễn Duy Nghĩa): Người tiêu dùng mù mờ về nguồn gốc xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh nghiệp tiêu thụ mù mờ về sản lượng, thời điểm thu hoạch. Cơ quan quản lý chuyên ngành mù mờ về thông tin mùa vụ, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Nếu vẫn cứ “mù mờ” thì còn lâu Việt Nam mới thành cường quốc nông nghiệp.
Nông sản Việt tìm cơ hội tại thị trường Nhật Bản (Lê Hoàng): Ngày càng có nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được bán tại thị trường khó tính Nhật Bản. Đây là nguồn động lực giúp doanh nghiệp Việt đầu tư công nghệ, hướng đến nông nghiệp xanh nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Dòng tiền dịch chuyển nhanh, hạn chế lướt sóng T+ (Thanh Thủy): Thanh khoản của thị trường chứng khoán duy trì ở mức thấp và dòng tiền dịch chuyển nhanh giữa các nhóm cổ phiếu trong tuần qua là một rủi ro khi nhà đầu tư mải mê lướt sóng T+.
Cổ phiếu thép: hồi phục ngắn hay đã lấy lại “uptrend”? (Linh Trang): Nhiều mã cổ phiếu như HPG, HSG hay NKG đang lấy lại phần nào mức giá đã mất trong quí 4-2021 nhờ ảnh hưởng từ giá thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc tăng mạnh khi các khách hàng chuỗi công nghiệp trở lại sản xuất.
Sự trở lại của nhóm cổ phiếu du lịch, khách sạn và hàng không (Triêu Dương): Nhóm ngành tăng trưởng vượt trội trên thị trường tuần qua phải kể đến nhóm hàng không, du lịch và khách sạn.
2022, chờ các thương vụ M&A mới của ngành ngân hàng (Thụy Lê): Năm 2022 có thể sẽ chứng kiến những pha đổi chủ tại một số ngân hàng, cũng như các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A), và bán vốn cho nước ngoài.
TPHCM cần định vị lại động lực tăng trưởng (Lê Hoài Ân): Kinh tế hậu đại dịch là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh TPHCM cần định vị động lực tăng trưởng mới cho giai đoạn sắp tới.
“Hot” nhân lực công nghệ (Quốc Hùng): Những dự án mở rộng và đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài được cho là sẽ làm bùng nổ nhu cầu tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin.
Nặng gánh lo toan trước giờ mở cửa (Đào Loan): Nếu được Chính phủ chấp thuận thì chưa đến ba tuần nữa mảng du lịch quốc tế sẽ được mở hoàn toàn, nhưng việc kết nối lại thị trường thì vẫn đang đóng băng.
Đầu tư vào công nghệ nông nghiệp bình lặng nhưng không tẻ nhạt (Hồ Nguyên Thảo): Hiện nay, ngoài các lĩnh vực như xe công nghệ, thương mại điện tử hay công nghệ tài chính, “sân chơi khởi nghiệp” đã có thêm những gương mặt chuyên về nông nghiệp.
Những điểm mới đáng lưu ý về kinh doanh bất động sản (Phan Thị Ngọc Thắng): Với quy định tại Nghị định 02, hợp đồng trong các giao dịch bất động sản có một ý nghĩa rất quan trọng. Nó trở thành một trong những điều kiện để thực hiện quyền chuyển nhượng của các bên.
Quyền lợi của doanh nghiệp vay nặng lãi đã được bảo vệ (Nguyễn Tuấn Anh - LS. Ngô Thị Kim Trinh): Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điều 201 Bộ luật Hình sự và xét xử vụ án hình sự về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đã giúp giải quyết các vướng mắc do quy định chưa cụ thể trước đây, xác định tội cho vay nặng lãi và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp vay nặng lãi.
Chuyện trong thang máy Bệnh viện Chợ Rẫy (Sơn Tùng): Sắp đến kỷ niệm ngày thầy thuốc trong “năm Covid-19” thứ ba, ngoài vinh danh khen thưởng, thiết tưởng nên kiên trì nghĩ cách và làm những chuyện giúp người trong ngành y có thể hết lòng và gắn bó với công việc mình đang làm.
“Chuộng IELTS” trong tuyển sinh - đừng như là phong trào! (Nguyễn Hoàng Chương): Chỉ tiêu tuyển sinh đại học dành cho phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ngày càng tăng. Nhưng nếu chỉ đơn lẻ với việc tuyển sinh dựa trên các chứng chỉ có giá trị hữu hạn thì liệu có tạo hiệu ứng tích cực cho mục đích nâng cao trình độ ngoại ngữ hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Nhìn cao nguyên bằng đôi mắt sơn nhân (Nguyễn Vĩnh Nguyên): Cỏ khô lầm lỡ muốt mùa (NXB Đà Nẵng, 2021) cùng với Giã biệt hoang vu (Giải Sách hay 2013) và Sương gió bơ vơ (2016) kết thành bộ ba bút ký Tây Nguyên độc đáo của một cây bút đầy cá tính - Nguyễn Hàng Tình.
Những “đại lão nông tri điền” (Thanh Thảo): Với những “lão nông tri điền” ở Nam bộ, sự tích lũy kinh nghiệm làm nông luôn sóng đôi với sự nhạy cảm nắm bắt những cái mới trong kỹ thuật nông nghiệp và những đòi hỏi của thị trường.
Tản văn Mùa xuân chạy bộ ven sông của Lê Phú Cường và Nghĩ về những đứa con tỉnh lẻ của Vũ Thị Huyền Trang.
Các đề tài kinh tế thế giới:
Gió và thuyền (Nguyễn Phán): Khi thế giới bắt đầu sống chung với Covid-19, lạm phát tăng có khả năng tạo hiệu ứng domino đẩy giá khiến các nền kinh tế chưa kịp hồi phục bị kẹt lại trong vòng xoay tăng giá dọc theo chuỗi cung ứng.
Dân Mỹ sẵn sàng cho các chuyến “du lịch phục thù” (Lạc Diệp): Dịch Covid-19 lắng dịu và sự nới lỏng các biện pháp hạn chế đang tạo điều kiện để người Mỹ mạnh tay chi tiêu cho các chuyến du lịch.
Các doanh nghiệp loay hoay giữa căng thẳng Mỹ - Trung Quốc (Song Thanh): Các công ty đa quốc gia buộc phải tìm cách thích ứng nếu không muốn bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu chính trị đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mời bạn đọc đón xem!