Thứ Tư, 23/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kỳ cuối: Bago

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ cuối: Bago

Nguyễn Đức Quỳnh Dung

Bốn pho tượng Phật dựa lưng vào nhau ở chùa Kyaik Pun. Ảnh: Quỳnh Dung

(TBKTSG Online) - Xe đến Bago khoảng 4 giờ chiều, tôi đi bộ về khu vực khách sạn ở Main road. Lạ là ở đây các khách sạn đều nằm trên đưòng quốc lộ nối liền Yangon và Mandalay. Vì thế cũng khá ồn ào. Vừa đến nơi, tôi gặp một anh chàng Myanmar chào mời, giới thiệu và đưa tôi vào một khách sạn cứ như anh ta là nhân viên khách sạn ấy.

Kỳ 9: Đường lên hòn Đá Thiêng.

Kỳ 8: Một ngày trên hồ Inlay.

Kỳ 7: Trekking đến vùng hồ Inlay.

Kỳ 6: Bagan - Xứ sở chùa chiền.

Kỳ 5: Chuyến phà dọc trên sông Ayeyarwady.

Kỳ 4: Một ngày ở ngoại ô Mandalay.

Kỳ 3: Cố đô Mandalay.

Kỳ 2: Thoát một cú lừa ở Yangon.

Kỳ 1: Đi bụi sang Myanmar.

Sau khi nhận phòng xong tôi mới biết là anh ta chạy xe ôm và muốn đưa tôi đi tham quan Bago nửa ngày vào sáng hôm sau và nếu muốn thì buổi trưa tôi có thể đi xe lửa về lại Yangon. Thấy anh ta có vẻ hiền, nói tiếng Anh khá và giá tiền nửa ngày tham quan cũng khá mềm, chỉ có 5.000 kyat nên tôi đồng ý và hẹn anh ta 7 giờ sáng sẽ khởi hành.

Nhưng nói thật là điều khiến tôi thích đi với anh chàng này là anh ta sẽ chỉ cho tôi cách trốn vé vào cửa các ngôi chùa. Ở Myanmar có một điều rất khác các quốc gia tôi đã từng đến là người dân ở đây luôn sẵn sàng bày cách cho du khách trốn vé vào cửa các điểm du lịch, chùa chiền do chính phủ tổ chức thu tiền.

Tối đó, tôi đi ra chỗ mà ở đây người ta gọi là chợ đêm nhưng chỉ thấy lèo tèo vài gian hàng bán đồ ăn chiên xào thôi. Ở Bago hầu như chẳng có những sinh hoạt vui nhộn hằng đêm và có lẽ vì thế ít có du khách nào ở đến hai đêm. Buồn, tôi quay về nhà trọ ngủ để giữ sức cho ngày hôm sau.

Pho tượng Phật nằm được coi là thiêng liêng nhất Myanmar. Ảnh: Quỳnh Dung

Pho tượng Phật thiêng liêng nhất Myanmar

Sáng hôm sau, đúng hẹn 7 giờ chúng tôi lên đường. Nơi dừng chân đầu tiên là chùa Kyaik Pun. Ngôi chùa này có bốn pho tượng Phật khá lớn tựa lưng vào nhau nhìn ra bốn hướng. Có một truyền thuyết về sự ra đời của ngôi chùa này liên quan đến bốn chị em người Mon; theo đó, bất kỳ ai trong số bốn chị em đó lấy chồng thì một trong bốn pho tượng sẽ gãy đổ. Khi tôi đến thì các bức tượng vẫn còn nguyên vẹn; vậy là đến lúc này cả bốn phụ nữ đó vẫn không lấy chồng chăng?!

Tiếp theo chúng tôi đến chùa Shwe Tha Lyaung, nơi có pho tượng Phật nằm dài 55 mét và cao 16 mét; được xem là bức tượng Phật thiêng liêng nhất ở Myanmar. Câu chuyện về nguồn gốc ngôi chùa được khắc vào bức tường ngay sau lưng bức tượng Phật khổng lồ bằng tiếng Miến và tiếng Anh. Ngoài ra, trên đường dọc lối vào, một bên tường cũng có những bức tranh kể về sự tích này; bên kia nói về những lần ngôi chùa được tu sửa.

Một anh bạn nhiếp ảnh người Canada kể rằng, trước đây có một nữ du khách Mỹ leo lên bức tượng này để chụp ảnh, cô ta bị bắt và lĩnh án tù 20 năm (?!). Tòa án Myanmar buộc tội nữ du khách này vì đã leo lên nơi thiêng liêng nhất của Myanmar, chẳng khác nào đã bước lên cả dân tộc này! Không biết câu chuyện này thực hư thế nào, nhưng nếu có dịp đến Myanmar, bạn nhớ đừng leo lên tượng Phật để chụp ảnh nếu không muốn gặp rắc rối với pháp luật bản xứ.

Ngôi chùa có kiến trúc như tháp Chàm. Ảnh: Quỳnh Dung
Tượng Phật nằm ngoài trời. Ảnh: Quỳnh Dung

Sau Shwe Tha Lyaung, chúng tôi đến một ngôi chùa khác, ngoài cổng viết bằng tiếng Miến nên tôi không đọc được. Bên trong ngôi chùa này có một toà tháp giống như tháp Chàm ở Việt Nam. Trong toà tháp này là các pho tượng Phật.

Ở ngôi chùa này cũng có pho tượng Phật nằm, mô phỏng theo pho tượng khổng lồ ở chùa Shwe Tha Lyaung nhưng được xây ngoài trời và hoàn thành vào năm 2001. Lòng bàn chân của pho tượng này có khắc hình vẽ các câu chuyện về Đức Phật.

Lần tiên sau ba tuần ở tại Myanmar tôi mới được thấy cảnh những bức tượng các đệ tử đức Phật ngồi nghe thuyết pháp được đặt ngoài vườn ở chùa Maha Kalyani Sima.

Lòng bàn chân tượng Phật. Ảnh: Quỳnh Dung

Ở Shwemawdaw Paya - ngôi chùa nổi tiếng nhất Bago, toàn bộ toà tháp được dát vàng ròng. Đáng tiếc là vào thời điểm chúng tôi viếng thăm, toà tháp đang được lau chùi (định kỳ là 4 năm một lần), vì thế tôi không thể chụp ảnh toàn bộ toà tháp bằng vàng ròng được. Dù vậy, toà tháp nửa dưới màu vàng, nửa trên màu đen (do người ta dán giấy đen và gắn cọc tre vào để thợ có thể làm việc) trông cũng khá ấn tượng.

Trước khi kết thúc buổi sáng, chúng tôi đến thăm hai thiền viện. Một nơi được gọi là thiền viện Rắn (Snake Monestary) vì ở đây có một con trăn thật to mà mọi người ở đây tin rằng đó là hoá thân của vị sư trụ trì trước đây.

Vì thế người dân rất tin tưởng và hay đến để cầu nguyện. Trên đường đến một thiền viện khác để xem cảnh các nhà sư thọ trai bữa chính Ngọ, tôi ghé vào một ngôi chùa trên đồi, chịu khó leo bộ lên chùa để có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Bago.

Thế là hết nửa ngày viếng thăm thành phố Bago với giá 5.000 kyat trả cho tài xế xe ôm mà tôi thấy rất đáng đồng tiền! Khi nào đến Bago, bạn hãy thử tour này nhé.

Tháo chùa Shwemawdaw Paya - ngôi chùa nổi tiếng nhất Bago, toàn bộ toà tháp được dát vàng ròng. Ảnh: Quỳnh Dung
Công nhân đang làm việc bên trong giàn tre bảo vệ. Ảnh: Quỳnh Dung

Món ăn yêu thích của tôi tại Myanmar

Đa số món ăn của Myanmar đều sử dụng rất nhiều dầu mỡ; vì thế sau hai tuần chỉ ăn toàn những món béo ngậy như thế, bao tử của tôi "biểu tình", không tiêu hoá thức ăn nữa. Tôi gặp món này lần đầu tiên là ở Yangon, sau đó ăn thử ở InLay và nhận ra đây là một món ăn khá ngon và dễ tiêu. Đây là món ăn duy nhất tôi biết ở Myanmar không dùng nhiều dầu mỡ.

Người Myanmar gọi món này là "Mê Ung Mi Xê". Món ăn này giống như lẩu của Việt Nam, nhưng được nấu trong một cái thố nhỏ vừa đủ cho một người ăn. Món ăn cũng gồm có thịt, rau (rau muống, cà rốt, bắp cải, giá…), bún, gia vị; ngoài ra còn có nấm, đậu hũ, sả và nhiều thành phần khác nữa mà tôi không biết tên. Tất cả hợp lại thành một món ăn khá ngon và hợp khẩu vị với tôi.

Giá của món ăn này khoảng 1 đô la Mỹ, cũng khá bình dân so với một bữa ăn truyền thống Myanmar. Tôi đã giới thiệu món này cho anh chàng Stefan người Bỉ và cô nàng Aude người Pháp. Cả hai cũng rất thích món này và đều tròn mắt ngạc nhiên khi biết giá của món này chỉ có một đô la Mỹ.

Tùy từng địa phương mà cách nêm nếm khác nhau. Ví dụ, ở hồ Inlay, người nấu cho nhiều đậu phộng vào nên món ăn có vị béo và thơm (dĩ nhiên vị béo của đậu phộng dễ chịu hơn nhiều so với vị béo của dầu mỡ chiên xào). Ở Yangon, người bán lại cho vào mè và nhiều sả nên món ăn có vị cay nồng; cái này mà ăn vào mùa mưa là hết sảy!

Tên gọi của món này trong tiếng Myanmar là Mê Ung Mi Xê. Ảnh: Quỳnh Dung

Quán bán món ăn ở hồ Inlay nằm ở khu chợ đêm. Chợ đêm ở đây cũng là chợ ngày. Ban ngày người ta họp chợ bên trong. Đến khoảng 5 giờ chiều, chợ đóng cửa, những người bán chợ đêm dọn hàng ngay trước cửa chợ để bán về đêm. Ở Yangon, quán này nằm ngay trên đường Mahabooni, nằm ngay trung tâm thành phố, cạnh Sule Paya (chùa Sule). Con đường Mahabooni ngày đêm lúc nào cũng tấp nập, nhộn nhịp hàng quán lề đường. Quán mà tôi hay ghé ăn món yêu thích nằm sau cầu vượt (từ cầu vượt đi khoảng 300 mét là đến).

Bạn sẽ nhận ra quán ăn đường phố bởi những cái thố được dùng để nấu món này nằm ngay trên bàn, phía sau của những cái thau đựng thành phần thức ăn (xem hình). Món này có thể được ăn cùng với ớt tươi giã hay kim chi. Nhớ ăn từ từ kẻo phỏng lưỡi nhé. Vừa ăn vừa hít hà vị thơm và cay của xả và ớt, vị béo của mè và đậu phộng nghen bạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới