Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ký ghi nhớ khung chương trình về việc làm thỏa đáng

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, việc ký kết bản ghi nhớ khung chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng trong giai đoạn 2022-2026 hướng đến mục tiêu tạo nhiều việc làm thỏa đáng và bền vững cho tất cả người lao động.

Việc ký bản ghi nhớ khung chương trình quốc gia về việc làm sẽ là cơ hội cho tất cả người lao động có việc làm bền vững. Ảnh: molisa.gov.vn

Theo trang tin của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ngày 28-3, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các đối tác đã ký bản ghi nhớ về thực hiện khung chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026.

Khung chương trình mới lần này hướng đến mục tiêu giải quyết việc làm một cách thỏa đáng và bền vững cho tất cả người lao động. Đến năm 2026, người dân cả nước, đặc biệt là người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau sẽ có cơ hội làm những việc phù hợp và thụ hưởng từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế như thụ hưởng dịch vụ xã hội, hệ thống an sinh xã hội.

Tại lễ ký kết, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị các đối tác xã hội đề ra kế hoạch cụ thể để thực hiện khung chương trình về việc làm. Trong đó, một số hoạt động cần ưu tiên như hỗ trợ trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động; hoàn thiện chính sách xã hội cho giai đoạn 2023-2030, hỗ trợ quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp ở Việt Nam…

Theo TTXVN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kỳ vọng khung chương trình này sẽ được thiết kế và thực hiện theo hướng phát triển hệ sinh thái việc làm bền vững; tạo việc làm xanh và đạt năng suất; đồng thời, đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội cho người lao động; đào tạo, trang bị kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tiễn.

Chương trình về việc làm thỏa đáng được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phát động từ năm 1999 với 4 trụ cột chính là tạo việc làm, an sinh xã hội, thúc đẩy quyền của người lao động và đối thoại xã hội.

Đây là khung chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng lần thứ tư của Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập trở lại Tổ chức Lao động Quốc tế vào năm 1992. Các chu kỳ hợp tác trước đó gồm giai đoạn 2006 – 2010, 2012 – 2016 và 2017 – 2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới