Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỷ luật và chính sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỷ luật và chính sách

(TBKTSG) – Tuần này, chuyên mục “Sự kiện & Vấn đề” của TBKTSG điểm lại tình hình kinh tế của Việt Nam trong quí 1-2010. Các số liệu cũng như phân tích, nhận định của các quan chức nhà nước và chuyên gia kinh tế đều đã chỉ ra những điểm yếu, điểm mạnh của nền kinh tế trong ba tháng đầu năm. Những khuyến nghị để khắc phục điểm yếu cũng đã rõ, phần lớn đều trùng hợp với định hướng điều hành của Chính phủ – như vậy vấn đề còn lại là kỷ luật trong thi hành chính sách, không để lợi ích cục bộ hay lợi ích ngắn hạn cản trở việc thực thi những chính sách đúng đắn.

Một trong những đặc điểm nổi bật của quí 1-2010 là nỗi lo lạm phát. Dù mức độ nhận định có khác, tất cả đều đồng ý, ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát vì giá cả tăng thì mọi nỗ lực nâng cao mức sống của người dân sẽ trở nên vô nghĩa. Vậy thì kỷ luật trong chính sách phải nhắm đến mục tiêu này, không dễ dãi nhượng bộ các yêu cầu tăng giá của các ngành trọng yếu như điện, xăng dầu, than…

Sự lúng túng của các cơ quan quản lý ở giữa quí 1 đã phải trả giá bằng chỉ số giá tiêu dùng cao và cả dấu hiệu của lạm phát tâm lý. Nếu sự dứt khoát của Chính phủ trong điều hành giá vào cuối quí đã được thực thi ngay từ đầu, có lẽ tình hình giá cả đã khả quan hơn.

Chuyện nhập siêu và tỷ giá cũng vậy. Giải quyết vấn đề nhập siêu không chỉ ở góc cạnh hạn chế các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ bởi tỷ trọng của nó rất nhỏ. Chuyện nhập siêu sẽ còn là vấn đề lâu dài khi các địa phương, các ngành cứ hào hứng với hàng loạt dự án tỉ đô la mà hiệu quả chưa tính được hết. Nó cũng chưa thể được giải quyết tận gốc rễ nếu không có những nghiên cứu sâu rộng về quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc, nơi chiếm tỷ trọng lớn nhất lượng nhập siêu hiện nay. Kỷ luật trong thực thi chính sách ở đây là sử dụng những công cụ đã có, như yêu cầu các dự án gọi thầu nước ngoài phải ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu trong nước, đi kèm là các biện pháp ưu đãi để khuyến khích họ tuân thủ.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước hiện đang đương đầu với vấn đề nợ công gia tăng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó khi đã phải tung ra những gói kích thích để ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế. Vậy kỷ luật trong chi tiêu ngân sách đã được nêu lên và nghiêm khắc áp dụng đến đâu? Tại sao hàng loạt lễ hội lãng phí vẫn được tiến hành? Việc rà soát và chấm dứt các dự án kém hiệu quả, nêu lên từ năm ngoái, đã thực hiện đến đâu? Các dự án đầu tư tràn lan của một số tập đoàn kinh tế nhà nước có còn được sự bảo lãnh về tài chính của ngân sách hay không?

Mục tiêu và biện pháp ổn định nền kinh tế hướng đến con đường phát triển bền vững, chúng ta đều đã có. Cái chúng ta cần hiện nay là một tầm nhìn nhất quán, không để việc thực thi bị chi phối bởi lợi ích nhóm mà bỏ qua lợi ích lâu dài của đất nước. Điều này có ý nghĩa cao hơn nhiều so với các con số chỉ tiêu kinh tế cụ thể của quí 1 hay của cả năm.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới