Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỷ nguyên của thanh toán di động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỷ nguyên của thanh toán di động

Hoàng Việt

Kỷ nguyên của thanh toán di động
Cuộc chạy đua giữa thanh toán di động và thanh toán thẻ đến hồi gay cấn.

(TBVTSG) – Bản báo cáo mới nhất của cơ quan UNCTAD thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết trong tương lai gần chúng ta sẽ trả tiền cho các hàng hóa và dịch vụ thông qua điện thoại di động nhiều hơn là qua các loại thẻ tín dụng. Các nền kinh tế phát triển đang đi đầu trong trào lưu này, và đến năm 2019 thì thanh toán di động sẽ qua mặt thanh toán thẻ phổ biến lâu nay.

Tại các trung tâm tài chính thế giới, các nền kinh tế mới nổi cũng như ở một vài nước đang phát triển đã hình thành những “cái nôi” thanh toán di động đồng thời với việc đẩy nhanh việc hình thành nền kinh tế không sử dụng tiền mặt.

Bên cạnh những phần mềm ứng dụng của các nhà sản xuất thiết bị di động Apple Pay, Android Pay, Samsung Pay người ta còn thấy nổi lên AliPay, WeChat Pay và hàng loạt “Pay” khác của các thương hiệu bán lẻ phổ thông hay các dịch vụ nổi tiếng, ví dụ như cà phê Starbucks. Sự nổi lên của hình thức thanh toán Pay hay thanh toán trực tiếp bằng điện thoại song hành với việc mở rộng việc lắp đặt thiết bị công nghệ thanh toán trường gần NFC tại các cửa hàng, cửa hiệu. Điều này cũng giúp các thương hiệu và nhà cung cấp dịch vụ thu được thứ tài nguyên quý giá là dữ liệu người tiêu dùng. Khác với thanh toán Card, thanh toán Pay để lại rất nhiều dữ liệu của khách hàng hay thân chủ, đó là những nhu cầu; đó là những món hàng, nơi chốn và thời điểm mua sắm; đó là những món hàng lỗi bị trả lại; đó là giới tính, tuổi tác cùng sở thích của từng người, và cuối cùng là các hành vi mua sắm của họ. Tất cả đều quy tụ về nền tảng bán hàng của mỗi thương hiệu.

Tìm một định nghĩa cho thanh toán di động

Với những chiếc điện thoại thông minh và với những thiết bị mang bên người như đồng hồ thông minh, thế hệ người tiêu dùng di động ngày nay không chỉ bao gồm thế hệ thiên niên kỷ mà còn bao gồm cả thế hệ trước đó 5x, 6x, 7x và thế hệ trẻ hơn iGen. Số lượng điện thoại thông minh đang được sử dụng tại nhiều nước nay đã vượt quá dân số của họ, và vì thế không lạ gì khi thế giới đang bước nhanh vào kỷ nguyên thanh toán di động.

Nhiều giải pháp thanh toán di động đã, đang và sẽ hình thành, đó thực sự là một môi trường màu mỡ, một hệ sinh thái được hình thành từ nhu cầu hưởng thụ của người tiêu dùng và từ những thành tựu sáng tạo không ngừng nghỉ của các nhà công nghệ.

Trong hoàn cảnh giải pháp công nghệ tài chính ra đời mỗi ngày một nhiều và sự chọn lọc cũng diễn ra mạnh mẽ không kém thì việc tìm kiếm định nghĩa đầy đủ về thanh toán di động là điều không dễ. Trước mắt người ta chấp nhận định nghĩa thanh toán di động là việc sử dụng trực tiếp điện thoại (hay thiết bị) thông minh hay các ứng dụng cài đặt trong đó để giữ tiền, trả tiền, nhận tiền và chuyển tiền. Điều này khác với việc thanh toán bằng các công cụ ngân hàng như tiền mặt, ngân phiếu hay các loại thẻ như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Nhưng trên thực tế, nhiều nơi mà người dân vẫn còn có thói quen sử dụng tiền mặt thì các trang web ngân hàng cũng như quy trình thanh toán di động chỉ thực hiện những chức năng ban đầu, người ta vẫn nộp tiền hay trả tiền mặt tại nơi nhận hàng, gọi là COD. Trái lại, ở nhiều nơi với trình độ công nghệ cao hơn, người ta đã nghĩ tới việc sử dụng những loại thẻ được tích hợp trong chiếc điện thoại thông minh để thanh toán một khi chúng được đưa gần đến thiết bị thanh toán tiếp cận NFC.

Trang Securityintelligence.com cho biết MasterCard và Visa đang chuẩn bị quá trình kết nối tiếp cận “Card” với NFC vào năm 2020, và Barclays, Well Fargo cũng như Chase, Citi nhắm đến việc phát triển ví tiền di động. Giới chuyên gia tài chính cho rằng 2017 này là năm thầm lặng của những ví tiền di động ở Mỹ. Các ngân hàng Barclays và Wells Fargo cho ra đời thêm loại ví tiền di động cho các dòng điện thoại chạy trên hệ điều hành Android, và các công ty thanh toán thẻ như MasterCard và Visa công bố họ sẽ tạo sự ảnh hưởng lên thanh toán di động trong tương lai. Nhìn chung, những sáng kiến ngân hàng cũng như những giải pháp công nghệ tài chính đang trong thời gian sàng lọc, bao gồm cả những ví tiền điện tử và những biến thể ví tiền di động. Nhưng trong khi thanh toán Card vẫn còn ở trong giai đoạn phát triển mạnh thì thanh toán Pay cũng đang nổi lên, đặc biệt là ở hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.

Sự nổi lên của thanh toán di động tại châu Á

Trang Bankinnovation.net dẫn tin của liên minh Better Than Cash thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết trong năm 2016 giá trị thanh toán di động qua ứng dụng AliPay và WeChat Pay ở Trung Quốc đã lên gần 3.000 tỉ đô la Mỹ, chiếm 63% thị trường thanh toán số của nước này. Trong đó, AliPay thuộc tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đạt mức 1.700 tỉ đô la từ khởi điểm 70 tỉ đô la trong năm 2012, và WeChat Pay thuộc tập đoàn công nghệ Tencent – chủ sở hữu mạng xã hội WeChat – đạt mức 1.200 tỉ đô la từ khởi điểm 11,6 tỉ đô la cũng trong năm 2012.

Sự phổ biến của thanh toán di động tại Trung Quốc kể từ khi hai tập đoàn công nghệ cho ra đời mô hình Pay riêng của mình, và trên thực tế cả hai đang cạnh tranh ráo riết trong môi trường dữ liệu. Một nguồn tin khác cho biết công ty công nghệ chống gian lận Stripe cũng đã bắt đầu hỗ trợ cho hai nền tảng thanh toán Trung Quốc này.

Ở các nền kinh tế đã phát triển, nơi mà thanh toán thẻ đã trở nên bão hòa thì thanh toán di động, ban đầu, chỉ được xem là phương thức mới lạ. Nhiều người không an tâm với ví tiền di động vì nó phức tạp hơn so với những tấm thẻ thanh toán, và lo ngại vì không biết những gì đang diễn ra bên trong phần mềm của những chiếc điện thoại. Các chuyên gia của Securityintelligence.com đã phân tích tâm trạng này và cho rằng đã đến lúc phải thay đổi, vì thanh toán di động an toàn hơn so với thanh toán thẻ, và trên thực tế các thông tin thẻ nay rất dễ bị đánh cắp và các nhà phát hành thẻ không có cơ chế cùng chịu trách nhiệm.

Cả Android Pay lẫn Apple Pay hoạt động trên hai hệ điều hành di động lớn hiện nay là Android và iOS đều sử dụng công nghệ tiếp cận NFC (near-field communication) để chuyển dữ liệu thanh toán từ chiếc điện thoại đến máy đọc dữ liệu đặt tại quầy thu ngân. Công nghệ không dây tầm ngắn này bắt đầu được đưa vào thế hệ iPhone 6 cũng như hầu hết các thế hệ điện thoại Android hàng đầu kể từ đời KitKat. Cả Android Pay và Apple Pay đều sử dụng hệ thống nhận dạng cá nhân (PIN) để kích hoạt và kết nối vào NFC. Samsung Pay cũng sử dụng công nghệ NFC nhưng kèm theo việc truyền tín hiệu từ MST nhằm bảo đảm an toàn như những thẻ tín dụng thông thường. Cả ba công cụ thanh toán di động Pay này không sử dụng dữ liệu là những con số như thẻ tín dụng mà lại mã hóa những con số đó làm cho thông tin về tài khoản thanh toán không bị lộ ra bên ngoài.

Thanh toán di động cần những sáng kiến

Hệ sinh thái thanh toán di động, cho đến nay, chịu lệ thuộc vào những thiết bị kết nối, và vì thế trong nhiều trường hợp người ta quên tính ưu việt của chúng so với những hệ thống thanh toán thẻ. Lắp đặt thiết bị NFC hay không là quyền của những nhà bán hàng, trong khi phần mềm Pay lại thuộc về những nhà phát triển công nghệ, chỉ khi hai thành phần này đi chung với nhau thì hệ thống thanh toán mới hoạt động. Sự nổi lên của AliPay hay WeChat Pay ở Trung Quốc đều nhờ vào hệ sinh thái thương mại tại đó, nơi cả ba thành phần gồm nhà bán hàng, nhà công nghệ và người mua hàng đều cảm thấy bị hấp dẫn bởi các ứng dụng Pay. Điều này tạo thành một trào lưu thời thượng khiến nhiều thành phố, nhiều cửa hàng tranh nhau trang bị NFC như một phương tiện cạnh tranh. Điều này giải thích tại sao tốc độ tăng trưởng của thanh toán Pay chiếm đến 63% tổng giá trị thanh toán số, và tỷ lệ thanh toán số của Trung Quốc  đã tăng từ 3,5% tổng giá trị bán lẻ trong năm 2010 lên 17% trong năm 2015, chủ yếu là thanh toán di động.

Năm 2017 này có nhiều diễn biến đối với thanh toán di động, nhưng lại âm thầm như những cơn sóng ngầm.

Làn sóng ngầm thứ nhất được ghi nhận qua việc các ngân hàng Barclays và Wells Fargo cho ra đời ví tiền di động phiên bản Android, cả Citi và Chase cũng đã mở ra những ví tiền di động vào cuối năm ngoái. Cơn sóng ngầm thứ hai là các công ty thẻ kỳ cựu MasterCard và Visa, và có thể sau này cả PayPal đang nhích lại gần chế độ thanh toán phối hợp giữa Card và NFC, một phương thức để các công ty phát hành thẻ cũng có được bộ dữ liệu khách hàng quý giá như những công ty công nghệ tài chính đang được tạo ra bởi Pay. Cuộc cạnh tranh ví tiền di động có thể xảy ra trong nay mai, khi mà với một chút phức tạp hơn thẻ, người ta có thể dùng ví tiền làm nơi cất trữ quà tặng, chương trình khuyến mãi, các thẻ thanh toán, những chiếc vé, thẻ bảo hiễm và tất cả những gì có thể số hóa từ chứng từ gốc. Một số người còn dùng ví tiền để giữ lại các hóa đơn thanh toán, những bảng so giá, những dịch vụ khu vực, hay dùng ví tiền để thanh toán cho nhau cũng như kết nối vào mạng xã hội.

Trong khi đó cuộc cạnh tranh giữa những ông chủ Pay sẽ diễn ra dưới dạng hệ sinh thái. Trong khi Apple Pay, Android Pay cũng như Samsung Pay vây quanh ứng dụng thanh toán di động của mình bằng hệ điều hành iOS hoặc Android thì AliPay và WeChat Pay được bao bọc bởi những môi trường dịch vụ. Với AliPay thì việc phát triển dựa trên sự phát triển của hệ thống thương mại điện tử khổng lồ của Alibaba mà đến nay hơn 450 triệu trong số những người mua hàng trên Tmall hay Taobao đã có thói quen sử dụng công cụ này để thanh toán.

Với WeChat Pay, tập đoàn Tencent đã đặt công cụ thanh toán di động này vào giữa mạng xã hội WeChat phổ biến ở Trung Quốc, và nay số người đăng ký sử dụng WeChat Pay đã vượt quá con số 800 triệu, và trong tương lai có thể có đông đảo những người mua hàng trên JD.com cùng tham gia. Sự thành công của WeChat cũng thúc đẩy Facebook triển khai thanh toán di động ra bên ngoài nước Mỹ, qua Messenger. Với thanh toán di động chúng ta sẽ còn thấy nhiều sáng kiến, nhiều sự cạnh tranh và nhiều cuộc sàng lọc trong tương lai gần.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới