Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kỷ nguyên hàng hóa rẻ và dồi dào có thể đã kết thúc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)  - Đại dịch Covid-19 và chiến tranh ở Ukraine tiếp tục gây sức ép lên các mối quan hệ thương mại và kinh doanh, thời kỳ hàng hóa dồi dào đó dường như đang bị đảo ngược một phần.

Cảng Los Angeles, cảng container bận rộn nhất ở Mỹ, luôn trong tình trạng tắc nghẽn trong suốt năm qua do cơn hỗn loạn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: AP

Trong 3 thập niên qua, giới doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu được hưởng lợi khi các kết nối thương mại xuyên biên giới bảo đảm nguồn cung hàng điện tử, thời trang, đồ chơi và các hàng hóa khác luôn ổn định và dồi dào đến mức giúp giá bán của chúng duy trì mức rẻ.

Các doanh nghiệp đa quốc gia đang tính toán lại địa điểm gia công sản phẩm, ngay cả khi điều đó sẽ khiến chi phí cao hơn. Nếu xu hướng này kéo dài, sự chuyển hướng khỏi toàn cầu hóa có thể gây ra những hệ lụy đối với lạm phát và nền kinh tế thế giới.

Chưa rõ toàn cầu hóa bị đảo ngược hay chỉ chậm lại

Các nhà kinh tế đang tranh luận liệu tình trạng hỗn loạn chuỗi cung ứng và xung đột địa chính trị gần đây có dẫn đến sự đảo ngược hoặc định hình lại hoạt động sản xuất toàn cầu hay không.

Nếu điều đó xảy ra, đà giảm giá kéo dài hàng thập niên của nhiều loại hàng hóa có thể kết thúc hoặc thậm chí bắt đầu đi theo hướng ngược lại và thúc đẩy lạm phát nói chung. Kể từ năm 1995, các mặt hàng bền như ô tô và thiết bị đi vào quỹ đạo giảm giá. Và giá của các mặt hàng không bền như quần áo và đồ chơi thường chỉ tăng chậm.

Những xu hướng đó bắt đầu thay đổi vào cuối năm 2020 khi chi phí vận chuyển cao, tình trạng thiếu hụt nguồn cung cộng với với nhu cầu mạnh mẽ đẩy giá xe hơi, đồ nội thất và thiết bị lên cao hơn. Câu đặt ra là liệu xu hướng tăng giá này có kéo dài hay không.

Câu trả lời có thể phụ thuộc vào việc liệu sự chuyển hướng khỏi toàn cầu hóa có tiếp diễn hay không.

“Đó chắc chắn sẽ là một thế giới khác. Đó có thể là một thế giới lạm phát cao hơn, năng suất thấp hơn, nhưng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, mạnh mẽ hơn”, Jerome H. Powell, chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cho biết tại một sự kiện vào tháng trước khi được hỏi về việc liệu có phải đang có một chuyển động thoát khỏi toàn cầu hóa hay không. Ông Powell cho biết ông không thấy rõ sự đảo ngược của toàn cầu hóa nhưng rõ ràng toàn cầu hóa đang chậm lại.

Thời kỳ hội nhập toàn cầu thịnh hành trước đại dịch, giúp hàng hóa luôn ở mức rẻ. Máy tính và các công nghệ khác cũng giúp các nhà máy hoạt động hiệu quả hơn và chúng đã sản xuất giày thể thao, bàn ghế, thiết bị điện tử với tốc độ chưa từng có trong lịch sử.

Các công ty cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách chuyển nhà máy ra nước ngoài, nơi có mức lương thấp hơn. Việc sử dụng các container vận chuyển bằng thép và các tàu chở hàng lớn hơn bao giờ hết, cho phép các sản phẩm được vận chuyển từ Bangladesh và Trung Quốc đến Mỹ với mức giá bán thấp đáng kinh ngạc.

Đại dịch Covid-19 cho thấy hiệu ứng tuyết lăn của các chuỗi cung ứng được tối ưu hóa cao: Việc đóng cửa nhà máy và sự chậm trễ trong hoạt động vận chuyển đã gây ra tình trạng thiếu hụt một số hàng hóa và linh kiện quan trọng. Chi phí vận tải biển đã tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng hai năm, thổi bay hoàn toàn chi phí tiết kiệm được khi sản xuất một số sản phẩm ở nước ngoài.

Chuỗi cung ứng đang chuyển dịch

Bắt đầu từ cuối năm 2020, giá máy giặt và các sản phẩm kích thước lớn khác ở Mỹ đã tăng mạnh do các hạn chế sản xuất cộng với nhu cầu tăng mạnh. Lạm phát tăng nhanh kể từ đó. Cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng tác động đến các chuỗi cung ứng, làm tăng giá khí đốt và các mặt hàng khác trong những tháng gần đây, khiến lạm phát nhiều nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh và cả khu vực sử dụng đồng euro chạm mức cao nhất trong nhiều thập niên.

Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng đà tăng giá đối với hàng hóa lâu bền sẽ hạ nhiệt đáng kể trong những tháng tới, giúp làm dịu mức lạm phát tổng thể. Động thái tăng lãi suất của Fed có thể giúp kiềm chế nhu cầu vì chi phí vay để mua ô tô, máy móc hoặc đồ nội thất sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Dữ liệu của Công ty tư vấn quản lý  Kearney cho thất trong năm 2020 và 2021, Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hóa sản xuất hơn từ các nước có chi phí thấp. Nhưng nhiều công ty đa quốc gia cho biết đã chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đến các quốc gia khác. Và các giám đốc điều hành của Mỹ đang tích cực hơn trong các kế hoạch đưa hoạt động sản xuất từ Trung Quốc trở về quê hương hoặc các nước lân cận, có ít rủi ro chính trị hơn.

Tuy nhiên, Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết hầu hết các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro bằng cách mở rộng hàng tồn kho và tìm các nhà cung cấp mới ở các nước có chi phí thấp. Bà cho rằng quá trình này có thể dẫn đến kết cục nhiều nước nghèo ở châu Phi và ở những nơi khác trên thế giới hội nhập sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet L. Yellen, Bộ trưởng Tài chính, nói rằng các chuỗi cung ứng đã tỏ ra quá dễ bị tổn thương do đại dịch Covid-19 và chiến tranh ở Ukraine. Bà thúc giục các doanh nghiệp Mỹ định hướng lại các mối quan hệ thương mại để hướng tới một nhóm các đối tác đáng tin cậy. Theo bà, cách tiếp cận này có thể dẫn đến một số chi phí cao hơn, nhưng sẽ giúp tăng sự linh hoạt cho chuỗi cung ứng và một nhóm đối tác đủ lớn sẽ cho phép các nước như Mỹ duy trì tính hiệu quả trong sự phân công lao động toàn cầu.

Hàng hóa có thể đắt hơn vì chi phí lao động tăng

Các doanh nghiệp Mỹ đang bắt đầu phải đối mặt với áp lực chi phí phát thải khí carbon từ các khâu vận chuyển. Điều này có thể khiến họ chuyển nhà máy đến những nơi gần hơn với người tiêu dùng Mỹ.

Scott N. Paul, Chủ tịch Liên minh sản xuất Mỹ, cho biết rủi ro kinh tế và chính trị cùng với các tính toán chi phí carbon đang khuyến khích các doanh nghiệp chuyển dần hoạt động sản xuất của họ đến các nước gần Mỹ.

Những thay đổi về cấu trúc dân số trong dài hạn cũng có thể làm nghiêm trọng thêm các tác động khiến toàn cầu chậm lại hoặc thoái trào. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, vào năm 2050, cứ sáu người trên toàn thế giới thì có một người trên 65 tuổi, tăng so với tỷ lệ 11:1 vào năm 2019.

Sự già hóa của dân số có nghĩa là tình trạng thiếu lao động trên toàn thế giới gần đây có thể kéo dài. Điều đó sẽ đẩy tăng lương và các doanh nghiệp có thể chuyển chi phí nhân công tăng thêm cho khách hàng bằng cách tăng giá bán hàng hóa.

Charles Goodhart, giáo sư danh dự tại Trường Kinh tế London, cho rằng sự thay đổi nhân khẩu học và sự đảo ngược của toàn cầu hóa có thể khiến vấn đề giá cả tăng và thiếu lao động tồn tại dai dẳng.

Một số chuyên gia khác không đồng ý với nhận định này. Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson, chỉ ra rằng có rất nhiều công nhân có sẵn ở các khu vực Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Và tại Nhật Bản, lạm phát suy yếu trong nhiều thập kỷ dù dân số nước này ngày càng già.

Ông cũng lập luận rằng sự suy giảm trong toàn cầu hóa không nhất thiết làm tăng lạm phát trong dài hạn vì khi tăng trưởng chậm lại, nhu cầu sẽ giảm và hàng hóa cũng sẽ ít tăng giá hơn.

Carlos Viana de Carvalho, cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực New York, hiện là giám đốc bộ phận nghiên cứu của Công ty quản lý tài sản Brazil Kapitalo Investimentos, cho biết có thể thế giới đang chuyển sang một kỷ nguyên kinh tế mới được đánh dấu bởi lạm phát cao hơn trong bối cảnh có những thay đổi đang diễn ra trong hội nhập toàn cầu và mối quan tâm về khí hậu ngày càng gia tăng.

Theo New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới