Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng từ Đề án 30

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ vọng từ Đề án 30

Thành Trung

Đề án 30 được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong quan hệ giữa người dân và các cơ quan hành chính công. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) - Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30) đang tiến tới mục tiêu đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính ở các cấp để không còn tình trạng mỗi xã, huyện có một bộ thủ tục hành chính riêng biệt.

Tại hội nghị khu vực trao đổi kinh nghiệm về phương pháp cải cách thể chế diễn ra ở Hà Nội gần đây, TS. Ngô Hải Phan, Tổ phó thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho biết tính đến ngày 31-5-2009, kết quả thống kê cấp bộ cho thấy ở Việt Nam có trên 5.000 thủ tục hành chính được thống kê, trong đó có khoảng 2.300 thủ tục hành chính thực hiện tại cấp bộ, sở và tại các cấp chính quyền địa phương.

Trong tháng 9 tới, Tổ công tác sẽ công bố bộ cơ sở dữ liệu quốc gia đầu tiên về thủ tục hành chính tại Việt Nam.

Mục tiêu của Đề án là tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp ở bốn cấp chính quyền đều được công khai minh bạch. Khi Đề án kết thúc vào ngày 31-12-2010, toàn bộ thủ tục hành chính có trong cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ được đơn giản hóa theo ba tiêu chí lớn: tính hợp pháp, sự cần thiết và tính hợp lý.

Lâu nay Việt Nam vẫn bị xếp hạng thấp về tính minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin, lĩnh vực được xem là rào cản lớn cho nhiều hoạt động trong xã hội.

Theo TS. Phan, Đề án 30 sẽ thúc đẩy tính sẵn sàng của hệ thống chính phủ điện tử của Việt Nam, đồng thời tăng cường khả năng giám sát của cá nhân, tổ chức đối với việc thực hiện thủ tục hành chính, qua đó nâng cao trình độ quản lý và tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính công.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một đề án trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính với sự tham gia của toàn bộ hệ thống các cấp chính quyền (bộ, tỉnh, huyện, xã).

Hiện nay cả nước có 10.000 xã, 700 huyện tại 63 tỉnh, thành. Vấn đề là mỗi huyện, xã cùng có thẩm quyền ban hành thêm các thủ tục hành chính mới và “rừng” thủ tục này thực sự là một mớ bòng bong gây ra vô số trở ngại cho người dân và doanh nghiệp.

Theo bà Đỗ Hoàng Anh, Phó giám đốc Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh (VNCI) - dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ nhằm hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh và Đề án 30, hiện nay cả nước có 10.000 xã, 700 huyện trên 63 tỉnh, thành.

Vấn đề là mỗi huyện, xã cùng có thẩm quyền ban hành thêm các thủ tục hành chính mới và “rừng” thủ tục này thực sự là một mớ bòng bong gây ra vô số trở ngại cho người dân và doanh nghiệp. Đề án 30 sẽ rà soát và đơn giản hóa tất cả các thủ tục này nhằm quy định thống nhất mỗi tỉnh sẽ công bố một bộ thủ tục hành chính cấp xã, cấp huyện. Nghĩa là tổng số thủ tục sẽ giảm xuống rất nhiều, chỉ còn 63 bộ so với hàng ngàn thủ tục hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là việc cắt giảm này sẽ giúp tiết kiệm được bao nhiêu chi phí? Bà Hoàng Anh nói, các nước OECD, Hàn Quốc tính toán rằng, nếu cắt giảm được 40% thủ tục hành chính thì lợi ích mang lại vô cùng lớn. “40% số thủ tục bị cắt giảm này sẽ giúp đất nước tiết kiệm được từ 800 triệu đến 1,9 tỉ đô la Mỹ, chưa kể các công ăn việc làm mới được tạo ra”, bà Hoàng Anh nói với TBKTSG.

Những lợi ích Đề án 30 hứa hẹn đem lại thực sự sẽ trở thành một đòn bẩy đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Với môi trường kinh doanh, Đề án nhiều tham vọng này cũng sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư. Các nút thắt cổ chai tồn tại dai dẳng trong thời gian qua sẽ được tháo gỡ.

Theo ông Fred Burke, Công ty Luật Baker & McKenzie, hiện có quá nhiều đòi hỏi về thủ tục giấy tờ đối với việc thành lập doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi quy trình phê duyệt lại mang tính chủ quan ở các lĩnh vực đầu tư “có điều kiện”.

Chi phí cho việc công chứng và hợp pháp hóa tất cả các giấy tờ hành chính, chi phí dịch thuật rồi công chứng tốn đến hàng trăm đô la Mỹ và kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

Hoặc, một “sáng kiến” về thủ tục trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng làm nản lòng doanh nghiệp. Theo ông Burke, cơ chế cấp phép nhập khẩu “tự động” theo Thông tư 17/2008 của Bộ Công Thương, dựa trên Quyết định 24/2008 cũng của bộ này không mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp, ngoài việc kéo dài quy trình nhập khẩu, làm tăng chi phí, đặc biệt đối với người tiêu dùng. Quy định này (đã được dỡ bỏ) cũng không thống nhất với các cam kết WTO của Việt Nam.

Vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam không thể đứng ngoài thông lệ quốc tế và cam kết WTO về cải cách hành chính lâu hơn, Đề án 30 được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong quan hệ giữa người dân và các cơ quan hành chính công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới