Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất cao khiến thị trường dầu dễ tổn thương

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Một lý do quan trọng khiến giá dầu ảm đạm trong năm nay là lãi suất cao buộc các công ty kinh doanh dầu và lọc dầu giảm dự trữ để tránh gánh nặng chi phí tài chính. Tuy nhiên, khi lượng dầu dự trữ trên toàn cầu xuống thấp, thị trường sẽ dễ tổn thương hơn trước các cú sốc nguồn cung và những động thái bất chính sách bất ngờ của liên minh OPEC+, do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu.

Các kho dự trữ dầu ở các nền kinh tế phát triển thuộc tổ chức Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã giảm xuống mức thấp hơn trước đại dịch Covid-19. Ảnh: Oil Price

Đó là nhận định của Armita Sen, đồng sáng lập kiêm Giám đốc nghiên cứu của hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects (Anh), trong bài viết đăng trên tờ Financial Times hôm 5-7.

Theo Amrita Sen, năm nay được xem là cơ hội vàng cho những người đầu cơ giá lên đối với dầu thô. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy đây là là một năm giao dịch khó khăn hơn bất kỳ năm nào.

Sự phục hồi nhu cầu dầu của Trung Quốc sau các đợt đóng phong tỏa kiểm soát đại dịch Covid-19 và việc các chính phủ phương Tây dừng trích xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược dường như mở ra triển vọng tăng giá cho dầu thô. Thế nhưng, các dự báo lạc quan đã không thành hiện thực, thay vào đó, giá dầu Brent giảm hơn 10 đô la mỗi thùng trong 6 tháng đầu năm.

Giới phân tích thường đổ lỗi nhu cầu yếu là nguyên nhân khiến giá dầu giảm. Tâm lý bi quan bao trùm thị trường dầu khi hoạt động sản xuất ở thế giới phương Tây suy yếu cũng như khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc kéo dài dai dẳng.

Tuy nhiên, nhu cầu dầu không hề yếu. Dữ liệu chính thức từ các cơ quan chính phủ và hãng phân tích thị trường dầu OilX (Anh) cho thấy, trong nửa đầu năm, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 2,5 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cũng vượt xa dự báo tăng 0,3 triệu/thùng của Energy Aspects.

Những người đầu cơ giá lên càng thất vọng hơn vì giá dầu vẫn không bật dậy dù các nhà sản xuất dầu của liên minh OPEC+ liên tục can thiệp bằng quyết định giảm sản lượng.

Với nhu cầu dầu tăng, nguồn cung siết chặt, vì sao giá dầu không cao hơn? Armita Sen cho rằng, “thủ phạm” bị đánh giá thấp là lãi suất cao làm tăng chi phí vốn cũng như lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh dầu và lọc dầu giảm hàng tồn kho.

Đối với các nhà máy lọc dầu và các công ty thương mại, chi phí trữ dầu đã trở nên đắt đỏ hơn nhiều. Chí phí tài chính tăng lên cũng có nghĩa là tổn thất đối với sản phẩm không bán được tăng cao hơn, nếu suy thoái kinh tế diễn ra, khiến nhu cầu chậm lại. Phản ứng giảm dự trữ dầu của các công ty kinh doanh dầu và lọc dầu trước lãi suất cao hơn là điều dễ hiểu nhưng lại khiến thị trường dễ bị sốc, đặc biệt là khi nhu cầu dầu vẫn duy trì mạnh mẽ cho đến nay.

Trong hai thập niên trước cuộc khủng hoảng tài chính tài chính toàn cầu 2008, có một mối quan hệ rõ ràng giữa lãi suất và cấu trúc của thị trường dầu mỏ. Cứ mỗi 1 điểm phần trăm tăng lên ở lãi suất, dự trữ dầu thô ở các nước phát triển giảm trung bình 10 triệu thùng mỗi năm, vào thời điểm mức tiêu thụ toàn cầu thấp hơn rất nhiều so với hiện nay.

Trong những thời kỳ mà các hợp đồng dầu rơi vào tình trạng bù hoãn bán (backwardation), tức giá giao ngay cao hơn giá tương lai, việc giảm dự trữ dầu sẽ tăng tốc rõ rệt khi lãi suất tăng.

Bối cảnh thị trường hiện nay khá giống với thời kỳ chuyển giao thiên niên kỷ. Từ tháng 1 -2000, Mỹ bắt đầu tăng lãi suất, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cắt giảm sản lượng vào cuối năm đó. Ngay cả thị trường chứng khoán Mỹ cũng rất nóng trong năm đó, đặc biệt là đà tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu công nghệ nhưng chỉ một năm sau, nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Trong thời kỳ đó, dự trữ dầu của các nền kinh tế phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) giảm 6% trong vòng một năm. OECD thường chú trọng vùng đệm dữ trữ dầu Vì vậy, đây là mức giảm đáng kể.

Hiện tại, lãi suất của Mỹ tăng thêm 5 điểm phần trăm kể từ tháng 3 năm ngoái, sau khi duy trì mức gần bằng zero trong 12 năm. Các kho dự trữ dầu của OECD bắt đầu giảm xuống mức thấp hơn so với trước đại dịch Covid-19.

Energy Aspects ước tính, dự trữ dầu thô của OECD thực tế có sẵn trên thị trường hiện chỉ tương đương với khoảng 22 ngày nhu cầu, thấp hơn 3 ngày so với mức trung bình trung bình trong giai đoạn 2010-2019.

Thị trường dầu như đang trên lớp băng mỏng. Ở châu Á, có những dấu hiệu cho thấy các công ty lọc dầu bắt đầu lo lắng rằng việc cắt giảm lượng hàng tồn kho đã đi quá xa. Doanh nghiệp đang tìm cách bổ sung dầu dự trữ và đang tiếp tục mua dầu thô của Saudi Arabia ngay cả sau khi vương quốc này tăng giá bán chính thức trong tháng 7, cũng như Nga và Iran đang bán dầu với giá chiết khấu sâu.

Armita Sen dự đoán, cuối năm nay, dự trữ dầu thương mại toàn cầu sẽ giảm xuống các mức thấp trong thập niên qua. Đồng thời, chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu mua lại 180 triệu thùng dầu thô để bổ sung cho kho dự trữ chiến lược đã cạn kiệt hồi năm ngoái.

“Tất cả những điều này sẽ khiến thị trường dễ bị tổn thương trước những cú sốc nguồn cung và những động thái chính sách bất ngờ của OPEC+ vào cuối năm nay. Hãy thắt dây an toàn!”, Armita Sen viết.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới