(KTSG) - Diễn biến các ngân hàng thương mại giảm lãi suất tiền gửi trước và ngay sau Tết Nguyên đán dù khá bất ngờ nhưng cũng có thể hiểu được...
- Doanh nghiệp vẫn e ngại thủ tục hậu kiểm của gói hỗ trợ lãi suất 2%
- Thị trường thoát một phiên giảm điểm sau thông tin Fed tăng lãi suất
Bất ngờ nhưng có thể hiểu được
Khung lãi suất tiền gửi của Techcombank có hiệu lực từ ngày 30-1-2023 đã có sự thay đổi mạnh mẽ, khi đồng loạt giảm 0,5 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 6-11 tháng xuống còn 8,5%/năm; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 8,7%/năm. Đây là lần giảm lãi suất tiền gửi đầu tiên của ngân hàng này kể từ tháng 2-2022 đến nay.
Từ giữa tháng 1-2023, Sacombank cũng giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng về còn 5,7%/năm, kỳ hạn 2 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm, 3 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm và 4 tháng giảm 0,05 điểm phần trăm, theo đó các kỳ hạn này tạm thời rời mốc trần 6%/năm theo quy định đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng.
Động thái nói riêng của Techcombank hay Sacombank có lẽ đang phác họa bức tranh chung của thị trường, cũng như phát đi tín hiệu những áp lực lên hoạt động huy động vốn của các ngân hàng đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, tạo điều kiện cho các ngân hàng bắt đầu xem xét giảm lãi suất tiền gửi sau khi đã tăng quá nhanh và quá mạnh trong những tháng cuối năm 2022, trong một cuộc đua lãi suất mà khá lâu rồi mới thấy xuất hiện trở lại giữa các ngân hàng.
Áp lực thanh khoản của hệ thống hiện nay đã giảm đi rất nhiều so với giai đoạn căng thẳng của quí 4-2022.
Diễn biến các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi trước và ngay sau Tết Nguyên đán dù khá bất ngờ nhưng cũng có thể hiểu được, khi đặt trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu đã chính thức làm chậm lại lộ trình nâng lãi suất khi nhận thấy lạm phát đã qua đỉnh cao, từ đó cũng giảm bớt áp lực điều hành chính sách lãi suất tại những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Mới đây trong cuộc họp chính sách vào đầu tháng 2, cũng là cuộc họp đầu tiên trong năm nay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cơ quan này chỉ tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ thêm 0,25 điểm phần trăm sau khi đã có 4 lần tăng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp trong năm 2022 và thêm 1 lần tăng 0,5 điểm phần trăm vào tháng cuối cùng của năm 2022.
Trong khi đó tại Việt Nam, một số ý kiến gần đây cũng cho rằng áp lực tiếp tục tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2023 đã giảm đi đáng kể.
Báo cáo của FiinGroup mới đây đánh giá khả năng NHNN tăng lãi suất trong quí 1 đã giảm bớt cùng với sự phục hồi của tiền đồng và mới đây Fed chỉ tăng lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản, dù tổ chức này hiện vẫn duy trì kịch bản cơ sở là nhà điều hành tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong năm nay.
Còn theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, áp lực tỷ giá là yếu tố chính khiến lãi suất điều hành tăng trong năm 2022, nay áp lực này hạ nhiệt là cơ sở để NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023, cũng như dựa trên cơ sở định hướng kìm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, mục tiêu lạm phát năm 2023 được nới lỏng lên 4,5% và chính sách tài khóa chia sẻ áp lực với chính sách tiền tệ, nên tỷ giá kỳ vọng cũng sẽ giảm.
Các yếu tố hỗ trợ
Bên cạnh đó, hiện cũng có những yếu tố hỗ trợ giúp lãi suất hiện nay hạ nhiệt đáng kể so với trước.
Đầu tiên là theo yếu tố mùa vụ, hoạt động tín dụng những tháng đầu năm thường tăng trưởng khá chậm chạp, ngược lại dòng tiền có xu hướng chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng gửi tiết kiệm đầu năm, đặc biệt là ngay trước và sau Tết Nguyên đán, do lương thưởng người lao động phát sinh cao trong giai đoạn này, cũng như nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh thời điểm này là rất thấp.
Chính vì vậy, áp lực thanh khoản của hệ thống hiện nay đã giảm đi rất nhiều so với giai đoạn căng thẳng của quí 4-2022.
Ngoài ra, với việc nhà điều hành đã nối lại kênh mua ngoại tệ từ giữa tháng 12-2022, khi bắt đầu niêm yết trở lại giá mua đô la Mỹ sau ba tháng để trống, không loại trừ khả năng thanh khoản tiền đồng đã, đang và sẽ được hỗ trợ nhiều hơn qua kênh mua ngoại tệ này.
Cần nhớ lại rằng những năm trước đây, lượng thanh khoản tiền đồng bơm qua kênh mua ngoại tệ là rất lớn và đã góp phần hỗ trợ thanh khoản đáng kể cho hệ thống. Tuy nhiên, trong năm 2022, trước xu hướng đô la Mỹ tăng mạnh trên thị trường quốc tế, cung cầu ngoại tệ trong nước có những thời điểm chịu áp lực khiến NHNN buộc phải đảo chiều chính sách bằng cách bán ra một lượng lớn ngoại tệ can thiệp để hỗ trợ thị trường ngoại hối.
Giờ đây, đô la Mỹ được cho là đã đạt đỉnh và đang dần hạ nhiệt, khi Fed sẽ không còn quá hăng hái với việc tiếp tục tăng lãi suất, NHNN có thể tận dụng cơ hội để làm giàu lại kho dự trữ ngoại hối, đặc biệt khi nguồn cung ngoại tệ đang tiếp tục được cải thiện từ dòng vốn đầu tư nước ngoài, thặng dư cán cân thương mại hàng hóa và dòng kiều hối cao điểm đầu năm.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1-2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỉ đô la Mỹ. Đây là con số rất lớn nếu so với tổng xuất siêu 11,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022. Bên cạnh đó, ở hoạt động du lịch, vốn cũng mang lại nguồn thu ngoại tệ, số liệu cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1 đạt 871.200 lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ năm trước.
Cuối cùng, việc NHNN mới đây sửa quy định về cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) cũng góp phần giảm áp lực huy động vốn cho nhiều ngân hàng. Cụ thể, trong ngày cuối năm 2022, NHNN đã ban hành Thông tư 26/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, các ngân hàng sẽ được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước (KBNN) khi tính tỷ lệ LDR và có lộ trình giảm dần.
Cụ thể, (i) Từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành đến 31-12-2023: trừ 50% số dư tiền gửi KBNN, (ii) Từ ngày 1-1-2024 đến 31-12-2024: trừ 60% số dư tiền gửi KBNN, (iii) Từ ngày 1-1-2025 đến 31-12-2025: trừ 80% số dư tiền gửi KBNN, (iv) Từ 1-1-2026: trừ 100% số dư tiền gửi KBNN.
Trước đó, vào cuối năm 2022, KBNN thông tin đang gửi gần 700.000 tỉ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại NHNN theo quy định của Bộ Tài chính. Khoảng 270.000 tỉ đồng gửi có kỳ hạn từ 1 - 2 - 3 tháng tại bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank).
Trong năm 2022, với tăng trưởng huy động vốn thấp hơn rất nhiều so với dư nợ tín dụng của toàn ngành nói chung cũng như tại từng ngân hàng nói riêng, tỷ lệ LDR tại nhiều ngân hàng thường xuyên chịu áp lực chạm ngưỡng 85% theo quy định, do đó cũng buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi để thu hút huy động vốn và giữ vững tỷ lệ này.
Giờ đây, nếu được cộng thêm lượng tiền gửi KBNN vào nguồn vốn khi tính tỷ lệ LDR, rõ ràng sẽ tác động tích cực lên chính sách huy động và lãi suất tiền gửi của các ngân hàng.