Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làm ăn thời khó

Quốc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Duy trì hoạt động sản xuất được đều đặn ở thời điểm được gọi là suy giảm kinh doanh bây giờ đã là khó, một số doanh nghiệp còn có mức tăng đơn hàng. Câu chuyện làm ăn thành công của họ cho thấy việc đeo bám chiến lược ban đầu là rất quan trọng nhưng linh hoạt điều chỉnh kế hoạch theo thời thế nhiều thay đổi và bền bỉ tìm kiếm cơ hội thị trường, khách hàng mới... giúp họ vươn lên trong khó khăn do suy giảm kinh tế toàn cầu.

Một dây chuyền xử lý chuối ở HTX Đạ K’Nàng. Ảnh: Quốc Hùng

Đơn hàng mới có lẽ là một chỉ dấu cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lúc này. Trong bức tranh kinh doanh nhiều gam màu xám bây giờ, rất nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hay đóng cửa nhưng vẫn có những doanh nghiệp có đơn hàng đều đặn, thậm chí là tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Mà đúng là thành công không tự nhiên đến.

Nhờ kịp thời “xanh hóa”

Lượng đơn hàng xuất khẩu chuối của Hợp tác xã (HTX) Chuối Laba Banana Đạ K’Nàng (Lâm Đồng) trong năm tháng đầu năm tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn chuối Laba của Đạ K’Nàng được xuất sang Nhật Bản, với 70% sản lượng. Và tình trạng chung của HTX này là không đủ chuối để cung ứng cho khách hàng.

Đạ K’Nàng ngay từ đầu đã đi theo hướng phát triển bền vững, chỉ trồng chuối hữu cơ và theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Bà Võ Thị Thu, Phó chủ nhiệm HTX, cho hay hơn sáu năm qua, chuối Laba ở Đạ K’Nàng đã tuân thủ quy trình khắt khe từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và xuất khẩu dưới sự giám sát chặt chẽ của phía đối tác Nhật Bản. Nhờ vậy, quả chuối thành phẩm không chỉ đẹp mà còn duy trì được sự tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng Nhật Bản. Ngoài ba nhà nhập khẩu trực tiếp chuối Laba Đạ K’Nàng, HTX còn có các đối tác nhập khẩu từ Hàn Quốc và Malaysia.

Bà Thu cho biết, các nhà nhập khẩu Mỹ cũng đã gõ cửa Đạ K’Nàng và HTX hiện đang thực hiện kế hoạch mở rộng việc canh tác từ 400 héc ta trồng chuối hiện nay lên 700 héc ta vào cuối năm nay. Đạ K’Nàng kỳ vọng có thể sớm đáp ứng nhu cầu nhập 30 tấn/ngày của các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Một số doanh nghiệp làm thực phẩm và đồ uống nhờ kịp thời “xanh hóa” sản phẩm mà níu được lượng đơn hàng không bị tuột dốc trong mấy tháng qua. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX và TM Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết công ty đã tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm bổ dưỡng và các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên cho các thị trường xuất khẩu. Ngoài duy trì thị phần tại Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á, Bidrico cũng đã lấy được các đơn hàng mới từ Mỹ và Trung Quốc.

Tương tự, Công ty TNHH Dệt may Trung Quy gần đây đã xuất hai container vải có nguồn gốc sợi hữu cơ cho đối tác Mỹ. Ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc công ty, cho biết một số đối tác lâu năm đã đặt đơn hàng mới cho loại vải có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu tái chế. “Đây cũng là khách hàng đầu tiên với sản phẩm vải có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu tái chế sau khi nhà máy sản xuất xanh, thân thiện môi trường đi vào hoạt động từ đầu năm nay”, ông Quy nói và cho biết hiện có khoảng 10 nhãn hàng lớn ở châu Âu và Mỹ đang tìm hiểu sản phẩm thân thiện môi trường của Trung Quy.

“Tín hiệu cho thấy, đối tác Mỹ đang tiếp tục cho đơn hàng nhập khẩu mới. Với tín hiệu này, chúng tôi kỳ vọng sản phẩm xanh và thân thiện môi trường sẽ có thể tăng lên và chiếm khoảng 30% sản lượng kinh doanh trong năm nay”, ông Quy nói.

Có thể thấy xu hướng phát triển xanh, bền vững đã và đang hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Các thị trường nhập khẩu chính áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn; các nền kinh tế phát triển lẫn nhãn hàng cũng đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp kịp thời thích ứng sẽ thuận lợi hơn trong kinh doanh, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Doanh nghiệp với 1.001 cách xoay xở

Đồ gỗ nội ngoại thất là một trong những nhóm hàng đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về việc cắt giảm chi tiêu. Chuyện doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu bị mất hơn 50% lượng đơn hàng trong mấy tháng nay là dễ hiểu. Tình trạng khan hiếm đơn hàng thê thảm đến nỗi có doanh nghiệp phải đóng nhà xưởng, giải tán lực lượng lao động.

Công ty TNHH Kettle Interiors Asia cũng không phải là ngoại lệ, nhưng họ đã chọn cách tìm sang thị trường mới xa nhưng nhiều tiềm năng như Trung Đông, Ấn Độ… đồng thời quay về thị trường nội địa. Ông Cao Văn Đồng, Tổng giám đốc công ty cho biết tham gia thị trường nội địa, công ty không mở cửa hàng mà chỉ kinh doanh qua thương mại điện tử và tận dụng cửa hàng trưng bày sản phẩm xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Bình Dương nên không tốn kém nhiều chi phí. Ngược lại nhờ tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân trong nước mà mỗi tháng công ty cũng tạo được doanh thu hơn 1 tỉ đồng, đồng thời duy trì được việc làm cho hơn 400 người lao động.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để tiếp cận khách hàng mới là hướng đi của Công ty Hiệp Long. Bà Huỳnh Thị Phương Vi, Phó tổng giám đốc Hiệp Long cho biết công ty đã dồn sức vào cuộc triển lãm đồ gỗ VIFA EXPO 2023 hồi tháng 3 vừa qua và đã có thêm 20% lượng khách mới hoàn toàn từ đây, phần lớn là đến từ châu Âu và Úc và hiện một số khách bắt đầu đặt hàng.

“Việc tham gia những hội chợ quốc tế để tìm kiếm khách hàng rất quan trọng đối với doanh nghiệp, giúp tiếp cận được với các khách hàng mới mà từ trước tới giờ chưa có, nhất là trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh do khó khăn kinh tế toàn cầu hiện nay”, bà Vi chia sẻ.

Ở mảng xuất khẩu thủy sản, ông Trương Hữu Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận, cho biết đơn hàng xuất khẩu bị giảm hơn 20% và các thị trường châu Âu, Nhật Bản và Mỹ chiếm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu của công ty. Để duy trì việc làm cho cán bộ, công nhân viên và dòng tiền, Thông Thuận đổi mới cách bán hàng, tiết kiệm và cắt giảm chi phí, tìm phương án nuôi tôm thích ứng với giá thành thấp hơn. Đồng thời công ty cũng tìm ra giải pháp thích ứng, chống chọi với khó khăn bằng cách chuyển sang làm hàng giá trị gia tăng như sushi, tôm tẩm bột, tempura…

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Colusa-Miliket, cho biết đã chọn cách nâng cấp trong từng sản phẩm và đa dạng mặt hàng xuất khẩu. Công ty xuất khẩu cả mì tôm và gạo sang thị trường châu Âu và 5 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu của công ty với mức tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ.

Chia sẻ bí quyết để có sự tin dùng của khách hàng ở 30 thị trường quốc tế, ông Tuấn cho hay, doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng và “nâng cấp” sản phẩm ngay cả với bao bì. Đơn cử như giấy bọc gói mì tôm Miliket là loại giấy chất lượng, được công ty nhập khẩu toàn bộ từ Nhật Bản. Tới đây, doanh nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ plasma trong y tế vào quy trình thanh trùng sản phẩm tốt hơn nữa.

Còn tại Việt Thắng Jeans (VitaJean), kế hoạch sáu tháng, một năm xưa nay của ngành may mặc công nghiệp đã được công ty linh hoạt chia thành các kế hoạch với mục tiêu ngắn hạn hơn với chỉ ba tháng và sẵn sàng cho mức điều chỉnh kế hoạch theo tháng.

Thực tế cho thấy áp lực từ suy giảm thị trường khiến các doanh nghiệp đang làm việc tích cực hơn lúc nào hết để có thể kiến tạo ra các giá trị mới và phát triển hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, điều quan trọng lúc này cần ở doanh nghiệp là kỹ năng quản trị tốt, nhanh nhạy thay đổi để thích ứng. Trên thực tế cũng cho thấy thị trường chứng kiến những công ty có nền tảng quản trị tốt đang lấy lại đà phục hồi.

Theo nhận định của các chuyên gia, các hiệp hội ngành nghề rằng khó khăn hiện nay là tình hình chung trên toàn cầu. Bên cạnh việc cần đa dạng hóa thị trường, điều doanh nghiệp cần làm lúc này là tiết giảm chi phí đến mức thấp nhất để bảo toàn nguồn lực, tái cấu trúc quy trình nội bộ, chuẩn bị tốt nhất về nội lực cho ngày trở lại đường đua ở tương lai. Tuy nhiên, tương lai vẫn phụ thuộc vào tình hình ở Mỹ, châu Âu… và các yếu tố nhiều biến động khác như nguyên phụ liệu, giá cước vận chuyển…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới