Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm hệ thống online nhưng bỏ quên UI, UX!

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – UI (user interface – giao diện người dùng), UX (user experience – trải nghiệm người dùng) là hạng mục rất quan trọng trong các hệ thống tương tác trực tuyến, đáng tiếc là có khá nhiều hệ thống dịch vụ công ở Việt Nam dù được đầu tư rất nhiều nhưng vẫn mắc phải những lỗi sơ đẳng lẽ ra không được có về UI, UX.

Hồi đầu tháng này, khi cần đặt lịch đăng kiểm xe hơi, người viết bài này đã tải app TTDK của Cục Đăng kiểm cài vào điện thoại để đăng ký tài khoản. Loay hoay suốt mấy ngày vẫn không kích hoạt được tài khoản theo hướng dẫn cả trên app lẫn trên trang web www.ttdk.com.vn, tôi phải liên hệ qua Zalo với bộ phận phụ trách app thì được cho biết, hướng dẫn trên app lẫn trang web đã được thay đổi khác. Theo đó, cập nhật mới là tính năng kích hoạt qua tin nhắn SMS không còn được sử dụng, khi nhập thông tin thì không được nhập e-mail mà phải chờ sau khi tạo xong tài khoản, đăng nhập vào rồi cập nhật e-mail thì tài khoản mới được kích hoạt.

Giá mà bộ phận kỹ thuật của app TTDK cho hiện ra thông báo về sự thay đổi này ngay trên app thì người dân đã đỡ tốn biết bao thời gian và cả tiền để gởi SMS kích hoạt, đặt lại mật khẩu theo hướng dẫn cũ.

Tuần qua, khá nhiều bạn đồng nghiệp loay hoay khi không đăng nhập được vào hệ thống bảo hiểm xã hội online VssID vì quên mật khẩu. Khi tạo tài khoản thì không có chỗ khai báo e-mail, thế nhưng khi cần đặt lại (reset) mật khẩu thì hệ thống yêu cầu nhập địa chỉ e-mail đã đăng ký để gởi mã reset về. Thế nhưng muốn khai báo thêm e-mail vào thông tin tài khoản VssID thì phải đăng nhập vào tài khoản.

Thế là một cái vòng luẩn quẩn như chuyện con gà – quả trứng hiện ra đánh đố người dùng VssID: không đăng nhập được thì không cập nhật được địa chỉ e-mail, mà không có địa chỉ e-mail thì không thể nhận mã để reset lại mật khẩu. Hotline của VssID lại không gọi được, thật chẳng khác nào đánh đố người dùng.

Mới đây, Bộ Xây dựng đưa Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng thống nhất từ trung ương tới địa phương vào hoạt động. Chỉ ít lâu sau khi dùng, từ đầu tháng 4-2023 đến nay, đồng loạt gần 30 sở xây dựng các tỉnh, thành phố đã liên tiếp gửi báo cáo lên Bộ Xây dựng, cho rằng cách cập nhật giá xây dựng hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, khiến các địa phương tốn thời gian nên cần sớm có sự điều chỉnh phù hợp. Theo các sở xây dựng, việc cập nhật thông tin dữ liệu chưa có sự thống nhất về biểu mẫu, quá trình cập nhật rất khó khăn, tốn rất nhiều thời gian và dễ nhầm lẫn(*).

Các sở xây dựng cho biết, thông tin về giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá máy và thiết bị thi công theo biểu mẫu của Thông tư số số 11/2021/TT-BXD; thông tin về chỉ số giá xây dựng theo biểu mẫu của Thông tư số 13/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, các biểu mẫu file Excel dùng để cập nhật dữ liệu lên hệ thống này lại chưa thống nhất về bố cục với các biểu mẫu trong hai thông tư 11 và 13 nói trên. Việc không đồng bộ này khiến cho nhân viên sở xây dựng các tỉnh phải ngồi xử lý lại các file Excel dữ liệu vốn đã có sẵn thay vì chỉ cần nhập (import) file đã có lên hệ thống là xong. Chỉ một chi tiết nhỏ trong UI, UX khiến một công việc lẽ ra có thể làm vừa nhanh vừa chính xác bỗng biến thành công việc khó khăn, tốn thời gian và dễ sai sót, nhầm lẫn.

Đại diện sở xây dựng các tỉnh, thành phố đã kiến nghị Bộ Xây dựng cần sớm điều chỉnh thống nhất biểu mẫu công bố theo quy định tại Thông tư số 11 và Thông tư số 13, vì đây là văn bản quy phạm pháp luật đã triển khai cho các đơn vị thực hiện.

Ngoài ra, các sở xây dựng cũng đề xuất Bộ Xây dựng cần điều chỉnh theo hướng phải cho phép đăng tải file Excel đã công bố của các tỉnh để hệ thông tự động lấy lại dữ liệu; không yêu cầu nhập lại từng trường dữ liệu, từng ô, từng dòng gây lãng phí thời gian không cần thiết.

Một hệ thống cấp bộ được đầu tư công phu nhưng vừa đưa vào vận hành đã bộc lộ những sai sót dù không quá lớn về tính năng nhưng lại gây mất quá nhiều thời gian, công sức của người sử dụng.

Để tránh những lỗi tương tự, các hệ thống công nghệ trong khu vực công nên được đầu tư bài bản theo quy trình như các doanh nghiệp đã làm lâu nay, trong đó không thể thiếu các chuyên viên về UI, UX và kiểm thử (tester) chuyên nghiệp để tránh những lỗi sai không đáng có như các trường hợp nêu trên.

(*) https://www.vietnamplus.vn/cap-nhat-du-lieu-quan-ly-gia-dau-tu-xay-dung-cac-dia-phuong-than-kh%c3%b3/857700.vnp

2 BÌNH LUẬN

  1. Đúng vậy. Khi enter vào các giao diện website của các bộ ngành TƯ cho đến địa phương, nhiều khi rất chán. Từ hình thức cho đến công năng, hệ thống dữ liệu…Không rõ ai sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc này, nếu không phải là Bộ Thông tin Truyền thông ? Chuẩn mực (tiêu chí/ tiêu chuẩn thống nhất) và chuẩn hóa (sự phổ cập các chuẩn mực) là một trong những nội dung quan trọng nhất của chiến lược chuyển đổi số đối với các cấp hành chánh, từ trung ương đến cơ sở. Có như vậy mới thay đổi được căn bản cách tư duy và làm việc trong lĩnh vực công vụ trong bối cảnh công nghệ 4.0.

  2. Mỗi trang web, giống như “người phát ngôn thầm lặng” cho mọi tổ chức/ cá nhân. Giao diện trực quan, dễ nhìn, dễ dùng, dễ tương tác đáng tin cậy là những tiêu chí hàng đầu, khích lệ nhiều người truy cập và sử dụng. Tất nhiên, một số lĩnh vực quan trọng, như tài chính ngân hàng, thì tiêu chí an toàn bảo mật phải là vấn đề quan tâm hàng đầu trong bối cảnh hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới