(KTSG Online) - Lạm phát năm 2023 của Việt Nam được dự báo khoảng 5-5,5% do độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo các chuyên gia kinh tế.
Tại diễn đàn dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023 ngày 12-5, TS Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - dự báo lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn. Theo đó, có 3 yêu tố chính gây áp lực lạm phát với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, gồm lạm phát chuỗi cung ứng, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Với lạm phát chuỗi cung ứng, ông Lâm cho biết đây là yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến chỉ số lạm phát của Việt Nam do nền kinh tế có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài khi chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm tới 37% trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế.
Thậm chí, tỷ lệ này chiếm tới 50,98% trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế.
Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây với Nga đã làm trầm trọng hơn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung của nền kinh tế khiến giá hàng hoá trên thị trường thế giới tăng cao.
Với giá nhiên liệu, chuyên gia này cho biết xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng khi chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế và chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực nên biến động giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng.
“Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%”, ông Lâm nói.
Với giá nguyên liệu, ông Lâm cho biết giá nguyên vật liệu tăng 1% sẽ khiến giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%. Điều này sẽ làm gia tăng rủi ro nhập khẩu lạm phát của nền kinh tế trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại.
Bên cạnh những yếu tố trên, chuyên gia này lo ngại tình trạng thiếu hụt lao động, chính sách tăng lương tối thiểu vùng, giá thực phẩm dự báo tăng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng sẽ gây áp lực lên chỉ số lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, lạm phát của Việt Nam năm 2022 trong khoảng 4-4,5%. Với năm 2023, lạm phát dự kiến trong khoảng 5-5,5% do độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và lạm phát của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023.
Còn Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể ở mức 4,5% với kịch bản giá dầu bình quân cả năm ở mức 80 đô-la Mỹ một thùng.
Với kịch bản giá dầu bình quân duy trì trên ngưỡng 100 đô-la, lạm phát có thể tăng lên mức 5,1%.
Chỉ có thể… lạc quan mếu, thôi. Mọi thứ đã tăng nhanh và tăng cao lắm rồi. Giá xăng 95 so với cách đây một năm đã tăng 30%. Nhiều loại vật liệu xây dựng tăng từ 35-50%. Tương tự, những thứ hàng thiết yếu khác cũng vậy. CPI hiện nay và thời gian đến có thể gọi là Control Power Index (Chỉ số năng lực chịu đựng).