(KTSG Online) – Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) mở rộng giúp cho công việc tiếp thị liên kết trở thành nguồn thu hấp dẫn. Tuy nhiên trong lĩnh vực này, không ít cá nhân chưa hiểu đúng về quá trình nộp thuế, kê khai thuế dẫn đến nhiều trường hợp bị truy thu thuế lên đến hàng trăm triệu đồng.
- Bộ Tài chính yêu cầu rà soát việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh
- Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 36 khoản phí, lệ phí
Theo báo cáo “Vietnam Affiliate Report 2022”, năm 2022 đánh dấu sự thăng hoa của Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết) ở Việt Nam khi ước tính quy mô thị trường đạt khoảng 800 tỉ đồng, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 45%. Trên thế giới, dự kiến quy mô thị trường toàn cầu được định giá đạt gần 27,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027.
Báo cáo cũng chỉ ra, hình thức tiếp thị liên kết đã đóng góp 10-50% tổng ngân sách và lượng hàng hóa kênh online (GMV) cho các doanh nghiệp. Sự gớp mặt của hình thức này tạo ra khoảng 30 triệu đơn hàng/tháng trong tổng số lượng giao dịch.
Ghi nhận tại Accesstrade Việt Nam, tính đến tháng 2-2024, hệ thống đã có đến hơn 100.000 người tham gia làm tiếp thị liên kết, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng online, mỗi tháng đơn vị sẽ đón thêm và đào tạo được 3.000-5.000 người.
Bất ngờ phát hiện nợ thuế
Được biết, người kiếm tiền từ tiếp thị liên kết thường có những đặc điểm như người làm có webiste hoặc blog cá nhân để chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ và đường dẫn giới thiệu. Các cá nhân thường xuyên hoạt động trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok để quảng bá sản phẩm, dịch vụ…
Theo phản ánh của nhiều người gần đây khi cộng tác với các sàn thương mại điện tử trong mảng tiếp thị liên kết, họ đang bị truy thu thuế cao lên đến 35% đối với tổng số hoa hồng nhận được, thay vì mức thuế tạm tính 10%. Có người đang chịu truy thu thuế với số tiền thuế phải trả có thể lên tới trăm triệu đồng vì nhiều lý do như đã không thực hiện kê khai, nộp thuế của các năm trước, dẫn đến bên cạnh số thuế bị truy thu lớn còn có khoản phạt và chậm nộp.
Chia sẻ với KTSG Online, một cá nhân tham gia làm tiếp thị liên kết nhiều năm nay cũng bất ngờ với số tiền nợ thuế vài chục triệu đồng của mình khi đọc thông tin trên mạng và tự kiểm tra. Chị cho biết mình đang làm tiếp thị liên kết tự do nhưng cũng có những hợp đồng kí kết với nhãn hàng hoặc sàn thương mại điện tử và có những đơn hàng thành công. Vì nguồn thu thụ động, rải rác nên khó kiểm soát số tiền vào tài khoản hàng tháng.
“Tôi phải lên kiểm tra tại các cơ quan thuế và liên hệ với bên kí kết hợp đồng để xác định phần thuế doanh nghiệp đã nộp đủ, phần nào tôi bị thiếu để hoàn thành đúng nghĩa vụ thuế với nhà nước. Gần đây tôi thấy nhiều bạn làm công việc này khó kiểm soát chuyện thuế vì chưa tìm hiểu kỹ về các quy định chung, dẫn đến trường hợp bị phạt hay nợ thuế lâu ngày nhưng không hề hay biết”, chị nói.
Lý giải vấn đề này, chuyên gia về mảng thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Phạm Hoàng Quân, giám đốc công ty Tư vấn Tài chính Khởi nghiệp cho rằng, các cá nhân bất ngờ với số tiền nợ thuế khi làm tiếp thị là bởi chưa hiểu rõ về luật thuế. Nhiều người tham gia tiếp thị liên kết cũng không tìm hiểu kỹ về luật thuế áp dụng cho hoạt động này.
“Họ không ý thức được mình có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế đối với thu nhập từ tiếp thị liên kết. Việc thiếu hiểu biết này dẫn đến tình trạng sơ hở, vi phạm luật thuế và bị truy thu thuế sau này”, ông nói.
Về khía cạnh hệ thống quản lý thuế cũng chưa hoàn thiện nên quá trình nộp thuế với đặc thù công việc này còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các nền tảng cho phép tiếp thị liên kết cần phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc quản lý thuế đối với các cá nhân tham gia, cung cấp thông tin về thu nhập của các cá nhân tham gia tiếp thị liên kết cho cơ quan thuế đầy đủ để tránh việc theo dõi, truy thu thuế gặp cản trở, chuyên gia chỉ ra.
Làm gì khi phát hiện nợ thuế?
Tại Việt Nam, dựa trên các thông tư số 40/2021/TT-BTC, 88/2021/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC quy định về thuế cho cá nhân làm tiếp thị liên kết có chỉ ra đối tượng chịu thuế là cá nhân nhận hoa hồng từ hoạt động tiếp thị liên kết, bất kể có đăng ký kinh doanh hay không.
Mức thuế áp dụng cho cá nhân không đăng ký kinh doanh cao hơn so với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh. Cơ sở tính thuế dựa trên doanh thu bao gồm hoa hồng, thưởng, khuyến mãi, chiết khấu, nhận được từ hoạt động tiếp thị liên kết. Mức thuế áp dụng cũng có sự thay đổi theo với từng đối tượng. Cụ thể với cá nhân không đăng ký kinh doanh thì thuế thu nhập cá nhân áp dụng theo lũy tiến với mức thuế suất từ 5% đến 35%. Còn cá nhân kinh doanh hoặc hộ kinh doanh sẽ có mức thuế thu nhập cá nhân áp dụng mức thuế suất 7% (bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân).
Đối với những trường hợp cá nhân làm tiếp thị liên kết nợ thuế, việc tuân thủ quy định về thuế và chủ động liên hệ với cơ quan thuế địa phương (Phòng tuyên truyền Chi cục thuế quận/huyện) là vô cùng quan trọng. Cụ thể, cá nhân có thể tham khảo các giải pháp như thanh toán toàn bộ số tiền nợ thuế, nộp đầy đủ số tiền nợ thuế cùng với tiền phạt theo quy định. Đây là giải pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề nợ thuế.
Hai là nộp thuế theo đợt, chia nhỏ số tiền nợ thuế thành nhiều đợt để thanh toán theo thời gian, giải pháp này phù hợp với những cá nhân đang gặp khó khăn về tài chính và không thể thanh toán toàn bộ số tiền nợ thuế cùng một lúc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cá nhân cần có thỏa thuận cụ thể với cơ quan thuế về thời gian và cách thức thanh toán.
Ba là xin miễn giảm tiền phạt, trong một số trường hợp, cá nhân có thể được miễn giảm tiền phạt nếu có lý do chính đáng và chứng cứ đầy đủ. Việc giải quyết vấn đề nợ thuế đối với hoạt động tiếp thị liên kết là trách nhiệm chung của cả cá nhân tham gia và các cơ quan chức năng.
Về phía cá nhân cần nâng cao ý thức tuân thủ thuế, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế của mình theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện ra mình có nợ thuế, cần chủ động liên hệ với cơ quan thuế để được hỗ trợ và tư vấn. Về phía cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về luật thuế đối với hoạt động tiếp thị liên kết.
Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp cá nhân giải quyết vấn đề nợ thuế. "Hy vọng với sự chung tay của tất cả, vấn đề nợ thuế đối với hoạt động tiếp thị liên kết sẽ được giải quyết hiệu quả, góp phần đảm bảo công bằng trong hệ thống thuế và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của hoạt động tiếp thị liên kết tại Việt Nam", ông Hoàng Quân nhấn mạnh.
Chuyên gia lưu ý thêm các cá nhân làm tiếp thị liên kết cần lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ liên quan đến hoạt động kinh doanh để làm căn cứ kê khai, nộp thuế; có trách nhiệm kê khai thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định của pháp luật thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.