(KTSG Online) - Làm việc từ xa có nguy cơ gây mất mát tổng cộng 800 tỉ đô la giá trị của các cao ốc văn phòng ở 9 thành phố lớn trên toàn cầu, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI), phát hành hôm 13-7. Nghiên cứu mới nhất làm nổi bật những tổn thất tiềm ẩn mà chủ cao ốc văn phòng đang đối mặt do những thay đổi trong xu hướng việc làm sau đại dịch Covid-19.
- Cao ốc văn phòng bỏ trống, ‘bom nợ’ hẹn giờ của nền kinh tế toàn cầu
- Thị trường văn phòng London rung chuyển vì xu hướng làm việc từ xa
Báo cáo của MGI cho biết, xu hướng làm việc hybrid (làm ở văn phòng kết hợp với từ xa), trỗi dậy từ đại dịch Covid-19, khiến nhu cầu về không gian văn phòng giảm xuống với tỷ lệ trống tăng mạnh.
Báo cáo ước tính, tác động của xu hướng này sẽ khiến tổng mức định giá vào năm 2030 của các cao ốc văn phòng 9 thành phố lớn trên toàn cầu gồm London, Paris, Munich San Francisco, New York, Houston,Tokyo, Bắc Kinh và Thượng Hải có thể suy giảm 800 tỉ đô la so với năm 2019, tương đương mức giảm 26%. Trong kịch bản bi quan, MGI cảnh báo mức suy giảm có thể lên đến 42% so với năm 2019.
“Tác động lên giá trị của cao ốc văn phòng có thể còn lớn hơn nếu lãi suất tăng làm trầm trọng thêm tình hình”, báo cáo của MGI nhận định.
MGI cho rằng tổn thương “có thể tăng lên nếu các tổ chức tài chính gặp khó khăn quyết định bán tháo các cao ốc văn phòng mà họ tài trợ hoặc sở hữu”.
Báo cáo của MGI cho thấy các chủ sở hữu cao ốc văn phòng và các bên cho vay đối với những tài sản này đang vật lộn với các khó khăn do những thay đổi về nơi mọi người làm việc sau đại dịch.
Sự thay đổi này cũng đang ảnh hưởng đến giá trị của bất động sản bán lẻ và nhà ở khi thói quen làm việc mới của mọi người tác động đến nơi họ mua sắm và sinh sống.
MGI cho biết, trong một kịch bản dự báo trung dung, nhu cầu về diện tích văn phòng ở các thành phố lớn sẽ thấp hơn 13% vào cuối thập niên này. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy văn phòng ở 9 thành phố nói trên vẫn thấp hơn 30% so với trước đại dịch và chỉ có 37% nhân viên quay lại văn phòng để làm việc hàng ngày.
Cuộc khảo sát của MGI cho thấy, các nhân viên tiếp tục dành ít thời gian hơn để làm việc tại văn phòng so với thời điểm trước đại dịch. Làm việc từ xa dường như đã góp phần thúc đẩy làn sóng di cư ra khỏi các thành phố lớn để đến các khu vực ngoại ô, nơi có nguồn cung nhà ở giá rẻ hơn.
Sau đại dịch COVID-19, các khách thuê thuê đã giảm diện tích văn phòng của họ và một số tập đoàn công nghệ quyết định chuyển sang mô hình làm việc hybrid lâu dài.
Theo báo cáo của MGI, sự sụt giảm nhu cầu khiến khách thuê thương lượng các hợp đồng thuê ngắn hạn hơn, có thể khiến chủ sở hữu bất động sản gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo tài chính.
Tỷ lệ trở lại văn phòng thấp khiến giá thuê mặt bằng văn phòng giảm. Nhìn chung, các thành phố của Mỹ ghi nhận mức giảm giá cho thuê văn phòng mạnh hơn, với San Francisco và New York chứng kiến mức giảm lần lượt là 28% và 18%, trong khi các trung tâm văn phòng ở châu Âu như Paris, London và Munich có khả năng phục hồi tốt hơn.
Xu hướng giảm giá thuê dự kiến sẽ tiếp tục khi nhiều nhà tuyển dụng thu hẹp quy mô không gian để giảm chi phí ngay sau khi các hợp đồng thuê dài hạn kết thúc.
Theo báo cáo, một số khách thuê đã không đợi ngày gia hạn, thay vào đó, chọn cách kết thúc sớm các hợp đồng thuê dài hạn.
McKinsey cho rằng các nhà phát triển bất động sản văn phòng có thể thích ứng với nhu cầu ngày càng giảm về văn phòng và không gian bán lẻ thông qua các dự án cao ốc lai, với thiết kế và cơ sở hạ tầng có thể điều chỉnh để phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau.
McKinsey nhận định những thiết kế như vậy “sẽ bảo vệ chủ sở hữu cao ốc những thay đổi về nhu cầu của thị trường mà hiện nay không thể dự đoán được”.
Ngoài ra, vì khách thuê sẽ có xu hướng thay đổi địa điểm thường xuyên hơn, các tòa nhà như vậy có thể trở nên có giá trị hơn nếu chúng trở nên dễ thích nghi hơn cho nhiều mục đích sử dụng.
Theo Bloomberg