(KTSG Online) - Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng hàng trăm trung tâm dữ liệu để đón đầu làn sóng AI. Thế nhưng, nhiều trung tâm dữ liệu mới khai trương hiện đang bỏ trống hoặc không sử dụng hết công suất vì mang tính đầu cơ, nhu cầu yếu và xu hướng AI thay đổi, theo ghi nhận của MIT Technology Review, tạp chí của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).
- Quỹ đầu tư toàn cầu đua rót tiền vào các trung tâm dữ liệu ở châu Á
- Thị trường trung tâm dữ liệu hấp dẫn các nhà đầu tư

Thị trường chip đào tạo AI ảm đạm
Một năm trước, thị trường chip AI của Trung Quốc vẫn sôi động với các giao dịch nhanh chóng được chốt trên nền tảng mạng xã hội và nhắn tin WeChat. Các đơn vị xử lý độ họa ( GPU) cao cấp của Nvidia, một sản phẩm chip quan trọng cho việc đào tạo AI, thường được buôn lậu từ nước ngoài để đưa vào thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc do lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Giá của một con chip Nvidia H100 trên thị trường chợ đen ở Thâm Quyến có lúc lên đến 200.000 nhân dân tệ (28.000 đô la Mỹ).
Tuy nhiên, Xiao Li, cựu nhà thầu bất động sản chuyển sang làm quản lý trung tâm dữ liệu cho biết, hiện tâm lý thị trường đã thay đổi. Các nhà giao dịch không còn khoe khoang các thương vụ mua bán chip AI trên WeChat nữa và giá chip của Nvidia đang lao dốc.
Các dự án trung tâm dữ liệu mà Xiao Li biết đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn vì nhà đầu tư không mặn mà với mức lợi nhuận kỳ vọng thấp.
“Mọi người ai cũng bán chip AI, nhưng ít người mua”, ông nói.
Trung Quốc chứng kiến cơn bùng nổ trung tâm dữ liệu trong những năm gần đây nhờ vào đầu tư của chính phủ và khu vực tư nhân. Tuy nhiên, nhiều trung tâm dữ liệu mới khai trương đang bỏ không vì không có khách hàng.
Các nguồn tin, bao gồm các nhà thầu chia sẻ với MIT Technology Review rằng, hầu hết các nhà điều hành trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc đều đang phải vật lộn để tồn tại.
Hai trang tin trong nước Jiazi Guangnian và 36Kr ước tính, 80% tài nguyên điện toán ở các trung tâm dữ liệu mới khai trương gần đây ở Trung Quốc vẫn chưa được sử dụng. Nhu cầu thuê GPU ở trung tâm dữ liệu để đào tạo AI, từng được coi là khoản lợi nhuận chắc chắn, đã chững lại do những thay đổi về nhu cầu sau thành công của DeepSeek với mô hình AI lý luận chi phí thấp.

Chạy đua xây dựng trung tâm dữ liệu
Sau khi OpenAI của Mỹ ra mắt ChatGPT vào năm 2022, chính phủ Trung Quốc đã ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng AI, kêu gọi các quan chức địa phương xây dựng “các trung tâm điện toán thông minh”.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Truyền thông Trung Quốc, từ năm 2023 đến năm 2024, hơn 500 dự án trung tâm dữ liệu được công bố trên khắp các khu vực như Nội Mông và Quảng Đông, trong đó 150 dự án đã hoàn thành vào cuối năm 2024.
Các công ty nhà nước, công ty đại chúng và quỹ đầu tư đã nhanh chóng tham gia làn sóng đầu tư này. Những doanh nghiệp không mấy tên tuổi như Lotus (nhà sản xuất bột ngọt) và Jinlun Technology (công ty dệt may) cũng nhập cuộc.
Giới lãnh đạo ở các chính quyền địa phương đã thúc đẩy các dự án trung tâm dữ liệu để vực dậy nền kinh tế trì trệ sau đại dịch Covid-19. Trong khi khi các lĩnh vực bất động sản và internet suy yếu, lĩnh vực AI nổi lên như là động lực tăng trưởng mới của Trung Quốc.
“Rất nhiều tiền từng đổ vào bất động sản chuyển dịch vào các trung tâm dữ liệu AI”, Xiao Li cho biết. Tuy nhiên, cuộc chạy đua đầu tư này lại ưu tiên lợi ích ngắn hạn hơn là tính khả thi. Theo Fang Cunbao, nhà quản lý một trung tâm dữ liệu ở Bắc Kinh, các công ty có ít chuyên môn về AI, như Lotus đầu tư trung tâm dữ liệu chỉ nhằm mục đích nâng giá cổ phiếu.
Đến cuối năm 2024, cơn sốt mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) ở Trung Quốc lắng xuống. Theo tờ Economic Observer, trong số 144 công ty Trung Quốc đăng ký phát triển LLM, chỉ có 10% vẫn đầu tư vào hoạt động đào tạo AI.
Các trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc có kế hoạch thu lợi nhuận bằng cách cho thuê cụm GPU để đào tạo AI, nhưng nhu cầu đã giảm kể từ sau khi công ty khởi nghiệp DeepSeek tung ra mô hình AI lý luận nguồn mở R1 với chi phí thấp hồi đầu năm nay.
Nhiều trung tâm dữ liệu được xây dựng ở nông thôn hoặc ở các vùng phía tây của Trung Quốc để tận dụng chi phí đất và điện rẻ hơn. Được tối ưu hóa cho mục đích đào tạo AI chứ không phải suy luận, giờ đây các trung tâm dữ liệu này không còn phù hợp với nhu cầu. Giá thuê GPU của Nvidia phản ánh điều này. Một máy chủ gồm 8 GPU H100 của Nvidia có giá thuê là 75.000 nhân dân tệ/tháng, giảm so với mức đỉnh khoảng 180.000 nhân dân tệ.
Một số trung tâm ngừng hoạt động vì doanh thu không đủ trang trải chi phí. Nhiều trung tâm đã mua các chip AI vào thời điểm giá cao nhất nhưng bây giờ cho thuê lại với giá thấp.
Tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam một trung tâm dữ liệu mới xây thậm chí còn đang phân phối voucher điện toán miễn phí cho các công ty công nghệ địa phương nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng.
Những kẻ cơ hội cũng tìm cách lợi dụng các ưu đãi của nhà nước khi đầu tư trung tâm dữ liệu. Chẳng hạn, một số nhà đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu để được mua điện sạch với giá trợ cấp và bán lại vào lưới điện với giá cao hơn. Những người khác xây dựng trung tâm dữ liệu để được vay vốn từ các ngân hàng nhà nước.
Doanh nghiệp công nghệ tiếp tục đầu tư hạ tầng AI
Bất chấp những trở ngại, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào AI. Tập đoàn công nghệ Alibaba đã cam kết đầu tư 50 tỉ đô la vào AI và hạ tầng điện toán đám mây trong 3 năm tới. Trong khi đó, ByteDance , công ty mẹ của TikTok, có kế hoạch đầu tư 20 tỉ đô la trong năm nay, chủ yếu cho hạ tầng AI.
Jimmy Goodrich, cố vấn chính sách công nghệ của Rand, một tổ chức tư vấn chính sách của Mỹ nhận định, chính phủ Trung Quốc sẽ không thoái lùi trong cuộc đua xây dựng hạ tầng AI với Mỹ.
Cơ sở hạ tầng quyết định sự thành công của AI. Vì vậy, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tiếp quản các dự án trung tâm dữ liệu thất bại và giao cho những nhà điều hành có năng lực, theo Goodrich.
Các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba và ByteDance đang tăng tốc mua chip như H20 của Nvidia, được thiết kế cho thị trường Trung Quốc và được tối ưu hóa cho suy luận.
Tuy nhiên, nhiều trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc vẫn trong tình trạng bấp bênh vì được xây dựng để đón đầu một tương lai chưa tới.
Đối với Fang Cunbao, thành công của DeepSeek làm dấy lên nghi ngờ về giả định rằng việc mở rộng không ngừng hạ tầng AI sẽ đảm bảo sự tiến triển mô hình AI. Đầu năm nay, Fang Cunbao đã rời công việc quản lý trung tâm để chuyển sang công việc giáo dục AI.
Theo MIT Technology Review