Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làng hoa Sa Đéc trong lũ dữ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làng hoa Sa Đéc trong lũ dữ

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – “Năm nay nước lũ về nhiều thật, nhưng bà con trồng hoa chủ động phòng tránh lũ lụt, cơi nới giàn trồng hoa, bít cống bộng hạn chế nước tràn vào nên hoa của chúng tôi vẫn an toàn trong những ngày lũ dâng cao”- ông Cao Văn Hai ở khóm Sa Nhiên vùng trồng hoa ở thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp, nói.

Làng hoa Sa Đéc trong lũ dữ
Số lượng hoa kiểng Sa Đéc bị ảnh hưởng bởi đợt lũ vừa qua là không đáng kể. Trong ảnh là ông Cao Văn Hai ở khóm Sa Nhiên, thị xã Sa Đéc bên ruộng hoa xanh tốt sau đợt nước lũ tràn vào hôm 30/9 – Ảnh: Trung Chánh

Thiệt hại do lũ không nhiều

Ông Đỗ Văn Thậm, Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Sa Đéc,cho biết: “Thị xã Sa Đéc có gần 350 héc ta đất trồng hoa, kiểng phục vụ tết Nguyên đán. Đợt lũ hôm 30/9 đã dâng cao và tràn vào ruộng hoa của bà con ở một số địa phương như khóm Sa Nhiên, Tân Qui Đông, Tân Hiệp, Tân Khánh Đông, An Hòa. Thế nhưng, nhờ có sự chuẩn bị ứng ứng phó với lũ cũng chủ động cơi nới giàn trồng hoa kiểng của bà con nông dân nên diện tích hoa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ là không đáng kể”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng ở khóm Tân Hiệp, phường Tân Qui Đông, thị xã Sa Đéc cười nói: “Chú đồng ý là đợt triều cường hôm 30/9 có gây ngập một số nơi. Tuy nhiên, nhờ chủ động đưa hoa lên giàn cao nên số lượng hoa bị ảnh hưởng là không nhiều”.

Ông Nguyễn Văn Thơm, Phó chủ tịch xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc – địa phương có diện tích hoa bị ảnh hưởng nhiều do lũ gây ra khẳng định: “Đợt lũ vừa qua, toàn xã Tân Khánh Đông chỉ có gần 4 héc ta trên trổng số 100 héc ta diện tích đất trồng hoa, kiểng bị ảnh hưởng bởi lũ. Tuy nhiên, tỉ lệ hoa kiểng bị thiệt hại do lũ cũng chỉ 40-50%”.

Chạy dọc theo làng hoa Sa Đéc, qua các địa phương Sa Nhiên, Tân Hiệp, An Hòa, Tân Mỹ, cảnh người dân chăm sóc hoa chuẩn bị đón tết vẫn diễn ra sôi động. Ông Nguyễn Văn Thành ở khóm Tân Mỹ, Phường Tân Qui Đông đang bó lại chậu bông trang đỏ khẳng định: “Diện tích hoa kiểng của bà con bị ảnh hưởng bởi đợt lũ vừa qua là không đáng kể”.

“Nếu có bị ảnh hưởng chỉ là ảnh hưởng đến năng suất bởi vì thời tiết thay đổi sẽ làm hoa không trổ bông đúng vào dịp tết, người dân gặp khó khăn trong tiêu thụ mà thôi” – ông Thậm nói.

Chí phí tăng 30-40%

Sa Đéc là vùng trồng hoa kiểng lớn nhất ĐBSCL. Khác với Chợ Lách, Bến Tre thường cung ứng ứng cây kiểng cho thị trường thì Sa Đéc có thế mạnh về hoa, nhất là hoa phục vụ ngày Tết cho TPHCM và các tỉnh ĐBSCL.

Nhờ chủ động cơi nới giàn trồng hoa để tránh bị thiệt hại do lũ lụt nhưng bà con nông dân đã tốn khá nhiều chi phí cho việc này. Ông Cao Văn Hai cho biết, theo ước tính sơ bộ của ông, để cơi nới ruộng trồng hoa 5.000 m2 ông đã bỏ ra hơn 5 triệu đồng tiền mua cây.

Không chỉ tốn tiền mua cây, ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết, vụ hoa năm nay tiền thuê nhân công lao động đã tăng 20.000 – 30.000 đồng/người/ngày. Theo đó, công lao động đối với nam là 100.000-110.000 đồng/ngày; nữ là 80.000 – 90.000 đồng/ngày.

Bà con nông dân trồng hoa tại làng hoa Sa Đéc cho biết, năm nay chi phí đầu tư vào 1 công đất trồng hoa (1.000m2) tăng khoảng 30-40% so với vụ hoa năm rồi. Phân rơm mục đã tăng từ 30.000 đồng/bao lên 55.000 – 60.000 đồng/bao, giỏ trồng hoa cũng tăng 400-500 đồng/giỏ lên mức giá 700 – 1.200 đồng/giỏ (tùy loại lớn hay nhỏ).

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, dù chưa có con số thống kê chính thức về chi phí đầu tư ở vụ hoa năm nay, nhưng chắc chắn chi phí sẽ tăng 30-40% so với vụ trước. “Nếu năm nay giá hoa kiểng không tăng, vẫn dao động như mức giá năm ngoái thì người trồng hoa sẽ không có lời”- ông Thành cho khẳng định.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Sa Đéc, ông Đỗ Văn Thậm nói: “Chi phí đầu tư năm nay tăng, ngoài việc người dân đầu tư cơi nới giàn hoa tránh ngập lụt, còn do giá cả đầu vào như phân bón, nhân công tăng cao”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới