Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãnh đạo thực thi kinh doanh trong thời đại số

Lê Hoài Ân (*) - Trần Thị Phúc hậu (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Quản lý thực thi kinh doanh là một phần tất yếu trong hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp. Với áp lực tăng trưởng cao và các chỉ tiêu kinh doanh ngày càng đa dạng, các lãnh đạo thực thi luôn phải nâng cao năng lực của mình, từ việc xác định và lựa chọn các khách hàng tiềm năng, giữ chân khách hàng hiện hữu, cho đến việc thay đổi mô hình kinh doanh và mô hình bán hàng phù hợp với định hướng kinh doanh công ty qua từng thời kỳ.

Có nhiều quan điểm và phương pháp khác nhau trong quá trình quản lý thực thi kinh doanh, từ những phương pháp thiên về kinh nghiệm và sự linh hoạt trong quá trình triển khai cho đến những phương pháp dựa trên nền tảng khai thác số liệu kinh doanh từ khách hàng và năng suất bán của nhân viên và các thông tin thị trường để ra các quyết định. Không có cơ sở để bảo đảm phương pháp này là ưu việt hơn phương pháp kia. Tuy nhiên, quá trình số hóa diễn ra ở tất cả các ngành nghề khiến cho khuynh hướng quản lý kinh doanh theo phương án thứ hai đang ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là đối với các lãnh đạo trẻ hơn.

Kho dữ liệu khổng lồ từ quá trình số hóa chưa được khai thác tốt

Các doanh nghiệp đều đang đẩy mạnh xu hướng số hóa, không chỉ ở hoạt động cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà còn ở các hoạt động quản lý kinh doanh với sự ứng dụng ngày càng rộng của hệ thống ERP hay CRM. Quá trình chuyển đổi số diễn ra từng bước qua các giai đoạn từ số hóa dữ liệu cho đến số hóa quy trình, và cuối cùng là việc chuyển đổi số trong quá trình ra quyết định kinh doanh.

Số hóa dữ liệu được xem là cấp thấp nhất trong quá trình số hóa của doanh nghiệp. Số hóa dữ liệu là hình thức chuyển đổi các thông tin kinh doanh của doanh nghiệp từ dạng vật lý hay analog sang định dạng kỹ thuật số. Trong khi đó, số hóa quy trình là việc sử dụng các dữ liệu đã được chuyển sang định dạng kỹ thuật số để cải thiện quy trình vận hành và kinh doanh. Việc các doanh nghiệp bắt đầu sử dụng các phần mềm như CRM để hoạch định kinh doanh, quản lý kế hoạch hành động với khách hàng để cải thiện hiệu quả kinh doanh là một dạng số hóa quy trình. Trong giai đoạn này, hệ thống có thể trích xuất các báo cáo theo dõi các hoạt động, nhưng vẫn chỉ ở mức cơ bản theo hướng tổng hợp thông tin.

Tuy nhiên, khi được cấu trúc tốt thì người quản lý có thể khai thác các hệ thống theo dõi hoạt động kinh doanh một cách đa dạng với các dữ liệu liên thông giữa các bộ phận, các công đoạn theo quy trình chuẩn. Hệ thống đó sẽ giúp gia tăng hiệu quả, hiệu suất công việc, tối ưu trải nghiệm khách hàng và giúp ban lãnh đạo đưa ra những quyết định linh hoạt và kịp thời, bổ trợ cho những yếu tố kinh nghiệm và phán đoán trong quá trình quản lý kinh doanh.

Quá trình số hóa giúp doanh nghiệp tích lũy được một lượng lớn các dữ liệu liên quan đến khách hàng và nhân viên trong quá trình cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, năng lực khai thác dữ liệu ở mỗi đơn vị là mỗi câu chuyện khác nhau.

Điểm khó khăn chung của phần lớn doanh nghiệp là chưa thể khai thác tốt các thông tin kinh doanh để phục vụ cho mục tiêu quản trị. Số liệu từ các hệ thống số hóa đã chuyên sâu và đa dạng hơn rất nhiều so với nhiều năm trước, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì các cách thức trình bày kết quả quản lý thực thi như trước khi quá trình số hóa diễn ra. Thông tin hỗ trợ không phải chỉ giới hạn trong việc báo cáo các con số thống kê, mà còn phải giúp các lãnh đạo đưa ra các quyết định quản trị.

Nhưng giá trị của việc số hóa ở nhiều doanh nghiệp chỉ đang dừng lại ở việc cập nhật dữ liệu nhanh chóng, tiện lợi, việc trích lục thông tin dễ dàng và tiết kiệm thời gian. Quá trình số hóa chưa giúp các doanh nghiệp am hiểu khách hàng hơn, từ đó có thể đưa ra các quyết định kinh doanh tốt hơn.

Các dữ liệu khai thác từ hệ thống số hóa phải giúp doanh nghiệp có thể phân tích đa chiều sự thay đổi trong hành vi của từng nhóm khách hàng và khả năng cung ứng sản phẩm dịch vụ của đơn vị kinh doanh.

Việc am hiểu hành vi của khách hàng sẽ giúp cho doanh nghiệp có các chương trình hành động khác nhau trong việc chăm sóc và khai thác các nhu cầu. Các kế hoạch hành động phù hợp cho từng nhóm khách hàng sẽ giúp gia tăng khả năng bán hàng và giảm thiểu các nỗ lực lãng phí.

Hiệu suất khai thác khách hàng của các nhân viên khác nhau cũng sẽ được các hệ thống số hóa ghi nhận lại, qua đó giúp cho cấp quản lý có thể đo lường được điểm mạnh cũng như điểm yếu của từng nhân viên.

Đích đến cuối cùng của quá trình số hóa là khả năng định hướng và kiểm soát kinh doanh từ dữ liệu. Doanh nghiệp sẽ có nhiều trọng tâm và chỉ tiêu kinh doanh cần hướng đến. Một hệ thống số hóa hỗ trợ kinh doanh tốt sẽ giúp doanh nghiệp có những định hướng quan trọng dựa trên diễn biến thông tin thị trường, sự thay đổi của các nhóm khách hàng hiện hữu và hiệu suất kinh doanh của lực lượng bán.

Vai trò của lãnh đạo thực thi trong thời đại số

Mỗi giai đoạn sẽ có những bối cảnh khác nhau quyết định cách thức của hoạt động quản trị của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, năng lực số của người lao động nói riêng và lãnh đạo thực thi nói chung đóng vai trò rất quan trọng. Năng lực số sẽ trở thành một cấu thành quan trọng giúp cân bằng với kinh nghiệm quản lý – yếu tố chính quyết định thành công của nhà quản lý trong giai đoạn trước.

Bối cảnh đó đặt ra một thách thức và cũng là một cơ hội lớn cho các lãnh đạo quản lý thực thi. Vai trò lãnh đạo, về bản chất, là tạo ra sự thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi lúc nào cũng sẽ gặp sự phản ứng từ những yếu tố truyền thống, cách làm cũ. Lãnh đạo thực thi, trong bối cảnh này, không chỉ là người định hướng hành động mà phải trực tiếp triển khai xây dựng và phát triển hệ thống là nền tảng của đơn vị. Đó chính là việc phải cân bằng giữa chức năng kinh doanh để tạo ra doanh số trong ngắn hạn và việc xây dựng nền tảng cho quá trình phát triển kinh doanh trong dài hạn.

Những hoạt động đổi mới sáng tạo trong kinh doanh dựa trên nền tảng khai thác dữ liệu đóng vai trò quan trọng để giúp hoạt động đổi mới được thuận lợi hơn. Những kết quả của sự thay đổi, thông qua số liệu, cũng giúp các lãnh đạo với các ý tưởng mới dễ dàng tạo ra hiệu ứng lan tỏa bên trong tổ chức, từ đó thúc đẩy văn hóa ra quyết định và kế hoạch hành động dựa trên nền số bên trong tổ chức. Việc khai thác hệ thống dữ liệu tốt sẽ giúp các lãnh đạo để lại những dấu ấn đậm nét trong quá trình kinh doanh, từ đó những thay đổi dựa trên nền tảng dữ liệu sẽ dễ và rất nhanh tạo ra những tác động lớn trong vận hành.

Việc chuẩn hóa quá trình ra quyết định theo hướng dữ liệu cũng giúp cho các doanh nghiệp có thể kế thừa được tính hệ thống của mô hình kinh doanh và không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào trong quá trình quản lý. Đó là một mô hình quản lý có tính chuyển giao và hoàn toàn có thể được hoàn thiện theo thời gian.

(*) CFA
(**) MBA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới