(KTSG Online) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện còn hơn 206.400 người lao động bị treo quyền lợi bảo hiểm xã hội vì công ty phá sản, chủ bỏ trốn. Số lao động này được giải quyết chế độ theo hướng tính thời gian thực đóng, không tính lúc bị nợ.
- Mua bán giấy tờ khám chữa bệnh giả để trục lợi bảo hiểm xã hội
- Đề xuất mức trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho người lao động
- Mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội – góc nhìn pháp lý
Cổng thông tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội cộng dồn đến hết năm 2022, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 1 đến dưới 3 tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỉ đồng; riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là hơn 4.000 tỉ đồng.
Vào tháng 2-2023, BHXH Việt Nam đã đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phương án xử lý quyền lợi với 206.400 người bị nợ BHXH. Với việc bảo vệ quyền lợi của người đóng bảo hiểm, nhiều ý kiến cho rằng, do hàng tháng người lao động bị doanh nghiệp trừ lương để đóng BHXH; bị "treo" trợ cấp ốm đau, thai sản khi doanh nghiệp nợ tiền đóng và nay không được tính thời gian bị nợ là thiệt thòi. Để công bằng, cơ quan bảo hiểm phải giải quyết tất cả quyền lợi cho lao động từ lúc phát sinh. Nguồn kinh phí có thể trích từ các khoản đầu tư sinh lời của Quỹ BHXH.
Quochoi.vn đưa tin, trước phiên chất vấn hôm nay 6-6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết bộ này đã ban hành văn bản hướng dẫn BHXH Việt Nam giải quyết quyền lợi cho người lao động bị nợ đóng với nguyên tắc thu đến đâu ghi nhận đến đó.
Người đủ điều kiện được giải quyết các chế độ hưu trí, BHXH một lần. Trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng thì xác nhận thời gian đã đóng để lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới. Số lao động này từng làm việc tại 26.670 doanh nghiệp đã phá sản, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn.
Cập nhật tiến trình giải quyết chế độ, đại diện Ban quản lý thu - sổ, thẻ thuộc BHXH Việt Nam, cho biết tổng số nợ hiện tại là tồn tích từ năm 1995 đến nay, sau phân loại còn khoảng 125.000 lao động chưa được hưởng chế độ.
Những lao động này đã chuyển sang đơn vị mới, tiếp tục tham gia BHXH nhưng chưa được ghi nhận thời gian bị nợ đóng ở công ty cũ. Số còn lại đã được giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất, BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng trong hệ thống.
Với lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà có 20 năm thực đóng BHXH thì được hưởng lương hưu tại thời điểm đủ điều kiện. Nếu sau này khoản tiền BHXH bị nợ được doanh nghiệp đóng bù hoặc bổ sung bằng nguồn khác thì lao động được cộng thời gian để tính lại mức hưởng lương hưu.
Việc giải quyết các chế độ còn lại như BHXH một lần, ốm đau, thai sản, tử tuất thực hiện theo nguyên tắc đóng đến đâu ghi nhận đến đó, không cộng thời gian bị nợ BHXH. Nếu sau này có nguồn tài chính đóng bù cho thời gian nợ thì cơ quan BHXH sẽ điều chỉnh mức hưởng.
Liên quan đến vụ án trục lợi Quỹ BHXH tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang được cơ quan công an điều tra, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thông tin, việc chi trả chế độ BHXH hiện nay được thực hiện qua tài khoản và chỉ thanh toán khi đầy đủ thủ tục.
Để hạn chế tình trạng trục lợi Quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, từ cuối năm 2022, BHXH Việt Nam cũng đưa ra quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và bảng thống kê dùng vật tư y tế... để kiểm soát.
Bên cạnh việc giám định điện tử, cơ quan bảo hiểm còn giám định trực tiếp, nhất là tại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Nên việc trục lợi bảo hiểm chỉ thực hiện được khi có sự thông đồng giữa phòng khám và người lao động.
Theo TTXVN, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, cơ quan này sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sử dụng hệ thống dữ liệu lớn sẵn có nhằm cập nhất nhanh, chính xác, chuẩn hóa thông tin.
Đồng thời, cơ quản lý cũng sẽ tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị nợ đóng; kiểm tra chuyên đề, đột xuất các cơ sở khám chữa bệnh có tỉ lệ chi trả bảo hiểm y tế cao, gia tăng chi phí bất hợp lý và kiên quyết xử lý các hành vi phạm pháp; lập hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với trường hợp cố tình vi phạm.