Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lao động phi chính thức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lao động phi chính thức

Nguyễn Khắc Giang

Lao động phi chính thức
Chạy GrabBike, công việc của lao động phi chính thức, một hiện tượng xã hội tuy ít được quan tâm, nhưng đang trở thành trạng thái “bình thường mới” ở nước ta. Ảnh: Thành Hoa

(TBKTSG) – Hàng ngày khi đi ngang qua khu chợ Bến Thành, bạn sẽ dễ nhìn thấy một nhóm xe ôm già ngáp dài chờ khách. Trong đó có bác Giáp, 61 tuổi, đã hành nghề được trên 20 năm. Nhưng ở cái nghề rong ruổi đường nhựa này, thâm niên là một bất lợi trong thời kỳ công nghệ lên ngôi. Bác kể, từ khi GrabBike xuất hiện ở Sài Gòn, thu nhập của bác giảm hơn một nửa. Mỗi tháng, trung bình bác chỉ kiếm được hơn ba triệu đồng.

Minh, năm nay 23 tuổi, nhưng đã trải qua thời gian làm việc cho bốn trang tin điện tử thuộc loại lớn nhất miền Bắc hơn hai năm qua. Mỗi nơi chỉ ký hợp đồng thực tập hoặc thử việc cho cậu, với mức thu nhập đủ sống nhưng không kèm theo các điều kiện được luật lao động quy định như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hay bảo hiểm thất nghiệp. Nơi mới nhất hứa hẹn sẽ ký hợp đồng chính thức với Minh sau ba tháng. Nhưng ba tháng trôi qua, họ nghĩ lại, và chỉ nhận Minh làm cộng tác viên dài hạn. Cậu đành bỏ việc.

Đó là hai ví dụ của lao động phi chính thức, một hiện tượng xã hội tuy ít được quan tâm, nhưng đang trở thành trạng thái “bình thường mới” ở nước ta. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) sử dụng định nghĩa lao động phi chính thức là “người có việc làm mà theo luật pháp hoặc trên thực tế, không được bảo vệ bởi luật lao động, không chịu thuế thu nhập hoặc không có quyền hưởng trợ cấp xã hội và hỗ trợ việc làm”. Khi “phiên dịch” lại trong bối cảnh Việt Nam, thì họ là những lao động “ba không”: làm việc trong khu vực phi chính thức, không hợp đồng, và không bảo hiểm xã hội.

Theo thống kê về lao động phi chính thức lần đầu tiên ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê công bố trong tháng 9-2017, cả nước có 18 triệu lao động phi chính thức, tương đương 57,2% số lao động có việc làm trên cả nước. Thống kê này loại trừ lao động trong ngành nông nghiệp. Trong số đó, có hai phần ba lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, như bác Giáp, và một phần ba làm việc trong khu vực chính thức, như Minh.

Nếu như 12 triệu lao động không được pháp luật bảo vệ làm việc trong khu vực phi chính thức – như hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, các chủ thầu xây dựng không đăng ký kinh doanh – có thể là một con số dễ hiểu (dù không dễ chấp nhận), thì việc có hơn 6 triệu lao động phi chính thức làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội,… có lẽ sẽ khiến nhiều người bất ngờ.

Đây thực sự là một hồi chuông báo động. Lâu nay, chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn thu hút nguồn lực nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư với giả định của một lực lượng lao động giá rẻ và dồi dào. Nhưng lợi thế này được trả bằng một cái giá không hề rẻ: nguồn cung lao động dư thừa và dường như việc chấp hành pháp luật về lao động của các doanh nghiệp đang bị coi nhẹ. Cứ trong hai lao động Việt Nam, sẽ có một người không được đảm bảo các điều kiện làm việc tối thiểu theo luật định. Theo Viện Khoa học lao động và xã hội (ILSSA), có đến 75% lao động ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có bảo hiểm xã hội hay hợp đồng lao động. Ở khu vực nhà nước, nơi vẫn được mặc nhiên là đảm bảo tuân thủ pháp luật tốt nhất, thì số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy có hơn 500.000 lao động phi chính thức. Ngay ở trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đại diện Chi cục Thống kê ở một số địa phương cho rằng tình trạng lách luật, tránh đóng BHXH bắt buộc là rất phổ biến nhưng không kiểm soát được.

“Động cơ” tăng trưởng kinh tế ở nước ta đang bị vắt kiệt sức, và phải đối diện với tương lai hết sức bấp bênh trong cuộc cách mạng 4.0. Tiến bộ công nghệ, như dịch vụ đặt xe Grab và Uber, đã dần loại bỏ những lao động phổ thông đầu tiên là những người già chạy xe ôm ở chợ Bến Thành. Hàng chục triệu lao động giá rẻ của nước ta rất có thể sẽ là những nạn nhân tiếp theo, khi máy móc dần thay thế con người trong những công việc giản đơn. Điều đáng sợ là viễn cảnh này diễn ra khi những lực lượng lao động này đã lớn tuổi, khiến khả năng chuyển đổi sang công việc khác của họ trở nên khó khăn hơn.

Quá trình này đã bắt đầu. Số liệu xử lý từ Báo cáo Lao động việc làm (LFS) của Tổng cục Thống kê cho thấy số việc làm phi chính thức cao hơn đáng kể ở các nhóm tuổi trên 35. Trong khi nhóm tuổi 24-35 có tỷ lệ việc làm phi chính thức ở mức 47%, tỷ lệ này ở nhóm tuổi 35-40 là 53%, 59% đối với nhóm tuổi 40-44 và 63% đối với nhóm tuổi 44-55.

Trong một chuyến khảo sát thực địa phục vụ cho nghiên cứu, người viết bài này có dịp làm việc với một nhà máy dệt may ở Quảng Nam, liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Toàn bộ lao động của nhà máy là hơn 500 người, gần như tất cả có độ tuổi từ 17-35. Người “già” nhất kiêm vị trí chủ tịch Công đoàn (có lẽ là lý do vì sao chị vẫn ở lại nhà máy) mới 42 tuổi. Đại diện phòng nhân sự giải thích nhà máy chỉ có lao động trẻ vì công việc ở đây là chân tay, cần nhanh nhẹn, tinh mắt, những yêu cầu mà lao động tuổi trung niên không đáp ứng được. Người này còn cho biết thêm lao động ở nhà máy thường là phụ nữ đến từ những vùng lân cận, sau khi kết hôn và sinh con, họ đã không quay lại làm việc. Nhà máy đã phủ nhận việc tìm cách cho các công nhân lớn tuổi nghỉ việc, hay có chính sách phân biệt độ tuổi khi tuyển dụng. Tuy vậy, đại diện của phòng lao động địa phương cho biết thực trạng cho công nhân lớn tuổi nghỉ việc là có diễn ra, nhưng do cách doanh nghiệp làm rất tinh vi, chẳng hạn như bố trí việc làm không phù hợp, yêu cầu tăng ca, hoặc đơn giản là không gia hạn hợp đồng cho người lao động nên rất khó xử lý.

Những công nhân mất việc ở tuổi 35 chỉ có hai lựa chọn. Họ gia nhập vào đội quân xe ôm, buôn bán hàng rong, làm mướn công nhật… trở thành lao động phi chính thức với thu nhập tạm bợ và chịu sức ép từ nhiều phía. Hoặc họ có thể quay về quê nhà, bán mặt cho đất bán lưng cho trời với khoảnh ruộng chỉ đủ ăn, tất nhiên nếu quê hương chưa bị cuốn vào cơn lốc đô thị hóa với những tòa chung cư cao tầng hay khu công nghiệp mới.

Cần phải khẳng định rằng “phi chính thức” tự thân nó không mang nghĩa tiêu cực. Hai khái niệm “chính thức” và “phi chính thức” tồn tại song song, trở thành bộ phận cấu thành của nền kinh tế của tất cả các nước trên thế giới. Hiểu đơn giản, đó là những hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng nằm ngoài hệ thống ghi chép của nhà nước. Tuy vậy, tính phi chính thức phổ biến hơn các nước đang phát triển như Việt Nam, với đặc trưng là tỷ trọng của lao động phi chính thức trong lực lượng lao động và khu vực phi chính thức trong nền kinh tế cao. Điều này tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, phúc lợi cho người lao động, cũng như nguồn thu ngân sách nhà nước (do hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức không được ghi chép và do đó, không đóng thuế).

Chính vì vậy, về dài hạn, chính thức hóa cả khu vực phi chính thức và lao động phi chính thức cần phải được ưu tiên về mặt chính sách. Thế nhưng ở nước ta, thậm chí việc xác định một định nghĩa được các bên chấp nhận về “phi chính thức” vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi. Tổng cục Thống kê là cơ quan tích cực nhất trong việc thúc đẩy sử dụng thuật ngữ “lao động phi chính thức”, và đã bắt đầu thống kê số liệu này từ năm 2007 với hỗ trợ kỹ thuật từ ILO. Nhưng chỉ đến tháng 9 vừa qua, cơ quan này mới bắt đầu công bố chính thức định nghĩa và các thống kê liên quan đến lao động phi chính thức. Dù thế, ngay đến thời điểm này, một số cơ quan nhà nước khác tỏ ý chưa đồng tình với các khái niệm đó.

“Chính phủ kiến tạo” vẫn đang hết sức nỗ lực thực hiện những cải cách hướng tới mục tiêu có thêm một triệu doanh nghiệp được thành lập cho tới năm 2020. Phần lớn trong số một triệu doanh nghiệp tiềm năng này sẽ được chuyển đổi từ gần năm triệu hộ kinh doanh cá thể – thành viên của khu vực phi chính thức – trên cả nước. Tôi không phản đối những mục tiêu chính sách “cứng” như vậy, nhưng lo ngại rằng việc chuyển đổi doanh nghiệp một cách cơ học không thể giải quyết được vấn đề quan trọng nhất: đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Bác Giáp đã thử đăng ký chạy GrabBike, nhưng bị từ chối do tuổi cao và phương tiện không đảm bảo. Còn Minh, cậu vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp viết lách, lần này bằng cách viết quảng cáo trên Facebook. Cho đến khi các nhà làm chính sách thống nhất được khái niệm, sau đó là chiến lược hành động, sau đó lên khung chính sách, thì những lao động phi chính thức như bác Giáp hay Minh vẫn sẽ phải tự bươn chải cho đường đời bất trắc trước mặt. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới