Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lấy tiếng ồn áp đảo tiếng ồn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lấy tiếng ồn áp đảo tiếng ồn

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(TBKTSG) – Anh bạn tôi được đào tạo chuyên môn piano từ nhỏ, nhưng khi ra nước ngoài học, anh có một quyết định đột ngột đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp: chuyển sang làm một nghệ sĩ thể nghiệm âm thanh. Lý giải điều này, anh nói: điều cuốn hút nhất với tôi hiện nay không còn là giai điệu du dương hay chất kịch tính trong những bản concerto nữa mà là âm thanh trong một đời sống đầy âm thanh.

Quả thật nhiều người Việt Nam cũng đang nghiện âm thanh. Anh bạn tôi cho rằng trong cái thế giới náo động hỗn loạn này, người ta đôi khi muốn khẳng định mình qua… sự áp đảo của tiếng ồn!

Ngày nay, chúng ta quen sống trong tiếng ồn. Tiếng ồn của động cơ, của tiếng còi, tiếng mắng quát trên đường phố. Tiếng ồn ở công trường xây dựng, ở cửa hàng, chợ, siêu thị. Tiếng ồn từ những đám cổ động viên quá khích, nơi mà lòng yêu nước và tự hào dân tộc tỷ lệ thuận với tỷ số chiến thắng của đội bóng nước nhà… Anh bạn nhạc sĩ chỉ ra một “triệu chứng” của bệnh ghiền tiếng ồn là nhiều người khi bước chân về đến nhà thì việc đầu tiên là bật ti vi. Có người chẳng xem gì nhưng cứ phải có tiếng người ong ong bên tai thì mới chịu. Có khi người ta để ti vi ngay cả lúc ngủ.

Hãy quan sát các triệu chứng ghiền tiếng ồn, chẳng khác nào một căn bệnh trầm kha. Những trung tâm mua sắm vào mùa khuyến mãi cuối năm thu hút khách hàng bằng cách kéo cả ra đường những chiếc loa thùng có “âm lượng khủng bố” đối với màng nhĩ của tất thảy người đi qua, những chiếc loa phát âm thanh của thứ nhạc đinh tai nhức óc. Có nơi, hàng chục gian hàng san sát nhau cùng “thi đua” đẩy hết công suất của những cái loa thùng khổng lồ, tạo ra một không gian âm nhạc hỗn loạn, điên đảo, chát chúa… Trong cuộc chơi “trăm nhà đua tiếng” đó, bạn cũng sẽ không thể nêu ý kiến được với ai, đơn giản là bởi chẳng ai có thể nghe nổi một lời của bạn.

Và cũng không lạ khi trong một đời sống mà chân lý thường được xác định thuộc về kẻ “to mồm” hơn, âm thanh máy móc trở thành phương tiện được khai thác triệt để vào những chiêu thức cạnh tranh hữu hiệu của con người.

Thời gian gần đây, trên đường phố Sài Gòn xuất hiện những “con xe” đua phân khối lớn. Loại xe này thường được sử dụng trong các cuộc đua mô tô hạng nặng ở nước ngoài hoặc chạy trên các xa lộ với tốc độ cao. Song, khi được cho nhập về Việt Nam và được mua bán tự do trong tình cảnh chưa tổ chức được những cuộc đua chuyên nghiệp để giải thoát năng lượng và sự hả hê cho giới chơi “xe khủng” thì chúng đương nhiên phải được phép dùng như một phương tiện lưu thông trên đường phố.

Thi thoảng, trong biển tiếng ồn của các loại động cơ xe trên đường, chúng ta nghe một tiếng “cưa bô” nổi bật của một chiếc xe khủng đang lạng lách, phóng qua, tạo sự náo động đáng kể. Điều đáng nói nữa là loại xe này khi giật ga sẽ như “khạc” ra những vệt khói đen mù mịt cùng hơi nóng đốt nhiên liệu, đủ làm những người đi sau choáng váng. Những con xe khủng bố này đang say sưa tham gia vào sự nghiệp khẳng định uy thế tiếng ồn trong các pha biểu diễn cá tính và sự mạnh mẽ của chủ nhân nó, bất chấp sự phiền hà mang lại cho những người xung quanh.

Và dù phải lắc đầu ngao ngán khi những “ông khủng” rè bô lướt qua sự trầm tư ra vẻ triết học của mấy anh cảnh sát giao thông, thì xin bạn cũng hiểu cho rằng những nỗ lực tạo ra một thứ tiếng ồn để áp đảo mọi thứ tiếng ồn khác đang phản ánh một tâm thế phô trương sành điệu trong một xã hội mà kẻ “cả vú” luôn có điều kiện để “lấp miệng em”.

Và dĩ nhiên, tôi không mong bạn tạo ra thêm một thứ tiếng ồn khuếch đại hơn để lấn lướt kẻ khác. Tôi chỉ cầu mong bạn tìm được liệu pháp của sự âm vang im lặng và bình tâm khi đi đường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới