Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lệch pha cung cầu lao động tăng cao, ảnh hưởng việc thu hút vốn hậu Covid-19

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sự lệch pha cung - cầu trên thị trường lao động khiến người lao động khó có được việc làm bền vững, hệ luỵ kéo theo là nền kinh tế sẽ mất cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao sau đại dịch Covid-19.

Tại Hội nghị phát triển thị trường lao động sáng 20-8, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết Việt Nam đang trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng". Theo đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường.

Ngoài ra, việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo, nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên trị trường lao động.

Thiếu hụt lao động có kỹ năng và các thay đổi rất nhanh về yêu cầu kỹ năng với người lao động dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, theo ông Công, khiến việc khớp nối cung cầu trên thị trường lao động ngày càng khó hơn, nhất là ở những vị trí, yêu cầu kỹ năng cao.

Toàn cảnh Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” sáng 20-8. Ảnh: Nhật Bắc

Báo cáo PCI 2021 do VCCI thực hiện với nhóm doanh nghiệp FDI cho biết có 62% số doanh nghiệp tham gia khảo sát dễ dàng tuyển dụng công nhân, lao động phổ thông. Với nhóm kế toán, cán bộ kỹ thuật và quản lý, giảm sát, tỷ lệ này lần lượt là 42%, 25% và 20%. Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành với 15%.

Tương tự, đại diện ManpowerGroup Việt Nam cho biết mức độ phù hợp làm việc từ xa của lao động Việt Nam chỉ chiếm hơn 86%, dẫn tới khả năng đáp ứng của lao động trong điều kiện làm việc mới khá thấp.

Tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%, cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao.

Tỷ lệ sử dụng tiếng Anh chỉ chiếm 5%, dẫn tới sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế.

Theo đại diện ManpowerGroup Việt Nam, số liệu trên cho thấy lao động Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động còn thấp. Còn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng.

Với lĩnh vực du lịch, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, thừa nhận nguồn cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lao động có trình độ chuyên môn cao.

“Với định hướng phát triển thành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch cần đến 40.000 lao động có trình độ, nhưng các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000, như vậy thiếu hụt rất lớn”, ông Trường cho biết.

Cũng theo ông Trường, chi phí lao động tăng nhanh nhưng tay nghề còn hạn chế, khả năng đáp ứng chưa cao. Theo thống kê có đến 90% doanh nghiệp gặp phải tình trạng ứng viên không phù hợp, thử việc xong phải xin nghỉ.

Tổng kết lại, Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐTB&XH), cho biết cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Theo đó, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều.

Điều này, theo ông Dung, thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động

“Chúng ta thấy đã và đang tồn tại tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung-cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ” ông Dung nói và cho rằng rằng hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có được việc làm bền vững, chuyển dịch linh hoạt trong thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.

Với bối cảnh trên, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công lo ngại Việt Nam sẽ mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch Covid-19 và các biến động của chính trị quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới