Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lên phương án ứng phó vỡ đập hồ Dầu Tiếng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lên phương án ứng phó vỡ đập hồ Dầu Tiếng

Văn Nam

Lên phương án ứng phó vỡ đập hồ Dầu Tiếng
Hồ Dầu Tiếng – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa vừa đề nghị UBND các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An và TPHCM góp ý cho phương án ứng phó với lũ cực lớn trong trường hợp hồ Dầu Tiếng bị vỡ đập.

>>> Xe tải đe dọa đập Dầu Tiếng

>>> Lòng hồ Dầu Tiếng bị lấn chiếm nghiêm trọng

>>> Trang trại tấn công hồ Dầu Tiếng

Tại hội thảo khoa học về xả lũ hồ Dầu Tiếng diễn ra sáng nay 14-10 tại TPHCM, ông Vũ Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa cho biết, theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty đã lập xong phương án với nhiều kịch bản ứng phó với lũ lụt để đảm bảo an toàn tính mạng cho hàng chục triệu dân lưu vực sông Sài Gòn trong trường hợp hồ Dầu Tiếng có sự cố.

Hiện các kịch bản đã được xây dựng cho từng trường hợp, như mức độ như đập bị nứt nhỏ, vỡ đập nhỏ và vỡ đập lớn…, đã được tính toán và phân công cho từng huyện, xã, quân đội, công an của các tỉnh để ứng phó. Việc di dân ra khỏi vùng nào bị ngập lụt, mức độ ngập từng khu vực ra sao, … đều đã được tính toán trong phương án trên, dự kiến sẽ hoàn chỉnh và được Bộ phê duyệt trong tháng 11 năm nay.

Theo ông Hùng, với diễn biến phức tạp của khí hậu, mưa bão, thiên tai ngày càng khó lường thì rủi ro hồ Dầu Tiếng bị vỡ đập là có thể xảy ra. Với lượng nước gần 1,6 tỉ m3 , nếu hồ bị sự cố thì nhiều khu vực thuộc TPHCM, Tây Ninh, Long An và Bình Dương sẽ bị chìm trong biển nước và thiệt hại lớn do nước lũ càn quét.

Giải thích về khả năng xảy ra thảm họa lũ lớn nếu hồ Dầu Tiếng bị vỡ đập, ông Hùng cho rằng, lượng mưa năm nay là tương đối lớn, lượng nước trong hồ Dầu Tiếng hiện ở cao trình 23,25 mét (trên mức báo động 2). Còn gần một tháng mới kết thúc mùa mưa, nếu một cơn mưa lớn (như từng xảy ra ở Quảng Bình 1.100 mm trong 3 ngày hay như ở Nghệ An hơn 500 mm/ngày) bất chợt đổ vào hồ Dầu Tiếng thì dứt khoát phải xả lũ tràn để tránh vỡ đập, và tính huống xấu nhất có thể xảy ra.

“Từ trước đến nay chưa từng xảy ra mưa lớn như vậy ở thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, nhưng với tình hình biến đối khí hậu thì không thể chủ quan được. Đặc biết là sắp tới, khi hồ Dầu Tiếng tiếp nhận thêm lượng nước từ hồ Phước Hòa với lưu lượng 50 m3/giây để trung chuyển cho tưới tiêu hạ du thì hồ Dầu Tiếng tiếp tục mất thêm khả năng an toàn về tích nước”, ông Hùng nói.   

Theo ông Hùng, cũng cần lưu ý rằng là lâu nay hồ Dầu Tiến rất ít khi xả nước với lưu lượng lớn nên qua nhiều năm người dân đã lấn chiếm sông Sài Gòn và làm dòng chảy bị thu hẹp rất nhiều. Nếu bây giờ, hồ Dầu Tiếng xả nước với lưu lượng lớn thì nước sẽ chậm thoát, tình trạng ngập lụt sẽ nặng và độ tàn phá sẽ khốc liệt hơn trước rất nhiều, ông Hùng nói.  

Với vai trò là người chủ nhiệm thiết kế công trình thủy lợi Dầu Tiếng từ những năm 1976, thạc sĩ Nguyễn Xuân Hùng, thành viên Hội Khoa học Thủy lợi TPHCM, khẳng định tại hội thảo rằng: “Khả năng xảy ra lũ lớn trên lưu vực sông Sài Gòn là rất lớn, có thể xảy ra trong thời gian rất gần chứ không còn xa nữa”.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hùng cho biết năm 1952 đã từng xảy ra trận lũ lịch sử lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ, khi đó, lượng nước đo được tại vị trí Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn là 1.400 m3/giây. Những nghiên cứu sau này cho thấy tần suất xảy ra trận lũ như vậy là 100 năm một lần; khả năng tái lũ như năm 1952 là rất lớn.

“Theo qui trình chúng tôi nghiên cứu ngày đó, trước ngày 1-11 hàng năm thì hồ không được tích nước quá cao trình 23,1 mét, sau ngày 10-11 mới được phép nâng lên 24,4 mét, nếu có lũ về thì nâng lên 25,1 mét và lưu lượng xả lũ đạt mức cao nhất 2.800 m3/giây.

Do vậy, vấn đề giải quyết chống lũ cho hồ Dầu Tiếng hiện nay rất cấp bách, chưa kể lòng dẫn lũ bị thu hẹp, chưa có trạm cảnh báo lũ nên nếu có lũ xảy ra "thực sự là thảm họa, vô phương cứu chữa”, thạc sĩ Nguyễn Xuân Hùng cảnh báo.

Theo nghiên cứu của Hội Khoa học Thủy lợi TPHCM, qua 26 năm khai thác hồ Dầu Tiếng, lưu lượng xả lũ bất thường do sự cố cửa van năm 1986 là 580 m3/giây đã gây ngập lụt khá nặng cho vùng hạ du, đặc biệt là TPHCM, năm 2008 cũng xả 600 m3/giây đã gây ngập cho nội thành TPHCM.     

Hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, cách trung tâm TPHCM khoảng 70 km theo đường thẳng, có dung tích gần 1,6 tỉ m3, đập chính dài 1,1 km, đập phụ dài 27 km.


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới