Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lì xì ‘trượt giá’ hay sự trượt mất những giá trị tốt đẹp?

Vũ Thị Huyền Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Câu chuyện “lì xì” lại được dấy lên một lần nữa vào những ngày cận Tết này. Trên cõi mạng (mạng xã hội), người ta bàn tán xung quanh quan điểm thẳng thắn của đạo diễn Lê Hoàng về tục lì xì.

“Mỗi năm mùa xuân đến, chim lại hót véo von, hoa lại nở trên cành, trời lại mưa nhè nhẹ và lòng người lại trăm thứ ngổn ngang, bao nhiêu lo lắng ập về. Chủ yếu do tiền bạc! Tiền đâu để sửa sang nhà cửa, tiền đâu mua quần áo mới cho con... tiền đâu để mừng tuổi, hay nói cách khác, để lì xì. Vì tiền lì xì mà trong ngày xuân rất nhiều người không dám đi thăm bạn bè. Vì nghĩ đến tiền lì xì không có mà nhiều công nhân nặng trĩu tấm lòng khi bước lên xe về quê. Lì xì đúng là cái nợ! Phải làm sao để thoát ra? Không biết bao nhiêu giận hờn, bao nhiêu cãi vã, bao nhiêu tức tối, bao nhiêu tự ái và quê kệch gây ra do tiền lì xì, không sao thống kê hết. Chả thiếu gì những trường hợp vợ đay nghiến chồng, con nhăn nhó cha, bà bĩu môi cháu do tiền lì xì đem lại”.

Ngẫm ra, không biết từ bao giờ chuyện lì xì đã trở thành gánh nặng của hầu hết các gia đình trong ngày Tết. Lạm phát tăng đâu chỉ ảnh hưởng đến giá xăng, giá gạo hay chiếc phong bì mừng đám cưới. Mà ngay cả chiếc phong bao lì xì mừng tuổi trẻ con, chúc thọ người già cũng đang trượt giá. Còn đâu cái thuở chỉ lì xì vài ngàn đồng lẻ lấy lộc đầu năm. Giờ mừng tuổi tiền trăm ngàn, nhà nào anh em, con cháu đông thì có thể chi hết cả tháng lương.

Lì xì là một phong tục lâu đời và ý nghĩa của Việt Nam. Đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu đỏ hoặc vàng son rực rỡ để mừng tuổi. Vào ngày Tết Nguyên đán, tất cả con cháu trong gia đình tụ hợp lại để chúc thọ ông bà, cha mẹ và mừng tuổi trẻ em.

Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà là tấm lòng của người trao tặng và người được tặng. Con cháu chúc ông bà bách niên giai lão, ông bà mong con cháu mạnh khỏe, học hành chăm ngoan, làm ăn tấn tới…

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những năm tháng ấu thơ cả làng kéo nhau đi chúc tết. Ngày ấy làm gì có xe máy như bây giờ, nhà thưa thớt cách nhau cả quả đồi. Cả nhà đi bộ, anh em tôi thường chạy trước bố mẹ cả đoạn đường dài, rồi dừng lại hái hoa bắt bướm. La cà cho đến khi ngẩng lên, bóng bố mẹ đã tít hút phía xa thế là lại ba chân bốn cẳng chạy đuổi theo.

Lũ trẻ chúng tôi luôn muốn bước chân vào nhà người ta sớm nhất để được nhận những cái xoa đầu, vài câu khen: ai mà năm nay lớn quá; ai mà có áo mới đẹp ghê… Và tất nhiên vui hơn cả là được xòe hai tay đón những đồng mừng tuổi mà quê tôi hay gọi là “phát vốn”.Chỉ là 200 đồng, hoặc 500 đồng đỏ tươi, thơm mới. Nhà giàu hay nhà nghèo, đứa lớn hay đứa nhỏ, họ hàng xa hay anh em gần thì số tiền mừng tuổi cũng như nhau.

Thỉnh thoảng tôi còn nhận được lì xì bằng mấy viên kẹo gói giấy bóng lấp lánh sắc màu. Tôi cất kẹo và những phong bao đỏ tươi vào túi áo trên ngực trái, cảm tưởng như chúng cũng rung lên theo từng nhịp tim mình, khấp khởi và hạnh phúc.

Ngày ấy lì xì không định giá to nhỏ hay nhiều ít. Nên niềm vui của những đứa trẻ luôn đầy ắp như nhau. Số tiền lì xì cóp được chúng tôi sẽ mang đi mua đồ dùng học tập. Bây giờ thì lũ trẻ cóp lì xì mua xe đạp thể thao, robot, iPad. Thậm chí có nhà tiền lì xì nhiều còn mua vàng cất làm vốn cho con.

Ngày xưa đa phần tiền lì xì được đúc trong những phong bao. Nó tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến xích mích, không vui trong ngày Tết. Nhưng bây giờ nhiều người xòe tiền ra lì xì trước mặt con trẻ, như một sự phô trương. Khiến ngay cả anh em trong nhà, người kinh tế khó khăn hơn cũng không khỏi chạnh lòng.

Bố tôi là một nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Trải qua hơn một nửa đời người, tôi nhận thấy bố là người dễ hòa nhập với những thay đổi trong cuộc sống. Nhưng riêng chuyện lì xì thì bố rất gay gắt khi thấy nó không còn giữ được nếp xưa. Nhất là khi bố nhận ra nhà đông con cháu, hàng xóm thường ít ghé thăm chúc Tết vào những ngày đầu năm. Bởi họ sợ phải tốn tiền mừng tuổi.

Nhiều người họ đợi cho hết Tết, cháu con nhà hàng xóm đi hết mới dám đến chúc xuân. Nên bố cấm tiệt các cháu thấy khách đến không được chạy ra chờ lì xì. Nếu khách có lì xì thì không được bóc phong bao trước mặt khách. Ít, nhiều gì cũng vui không được chê bai. Bố luôn dặn chúng tôi “chuyện lì xì phải vui, đừng để chúng làm hư lũ nhỏ”. Ấy là khi bố chứng kiến cảnh phong bao lì xì mệnh giá 10.000 đồng của mình bị cháu nhà hàng xóm bóc ra chê “ít thế”.

Trẻ con như tờ giấy trắng, chúng bị những người lớn thích phô trương vô tình hay cố ý dạy hư. Sự thiếu định hướng của người lớn đã khiến nhiều em nhỏ đánh giá mức độ tình cảm qua giá trị của tiền mừng tuổi. Để rồi lại chính người lớn bị trẻ con làm cho sượng sùng, bẽ mặt.

Nhiều năm gần đây sau những tính toán “đau đầu” về chuyện lì xì, để làm sao “vừa túi tiền” người trao mà người nhận cũng vui mừng. Thì một số người đã lựa chọn giải pháp lì xì bằng sách. Lì xì bằng sách sẽ mang đến những giá trị tinh thần và tạo dựng văn hóa đọc cho các em nhỏ.

Năm nay khi cầm trên tay tập sách “Nhâm nhi Tết Quý Mão” - Ấn phẩm đặc biệt của NXB Kim Đồng tôi chợt nghĩ: “Sách đẹp thế này mà để mừng tuổi trẻ con là nhất”. Có lẽ nhận biết được xu hướng mới đang dần hình thành trong xã hội nên nhiều nhà xuất bản và các công ty sách đã chăm chút kỹ lưỡng cho ấn phẩm tết của mình. Chắc hẳn rất nhiều đứa trẻ sẽ thích mê khi cầm trên tay cuốn sách vừa hay vừa đẹp.

Lựa chọn mừng tuổi sách là vô cùng hợp lý, bởi trong thời gian nghỉ Tết, không đến trường các em nhỏ có thể tiếp cận thêm các đầu sách hay để đọc. May thay có nhiều người cho rằng việc khuyến khích và duy trì thói quen đọc sách cho em nhỏ là điều cần thiết. Với lứa tuổi các em thì đam mê tri thức luôn tốt hơn là đam mê tiền bạc. Tạo thêm cho các em cơ hội tiếp cận với sách tốt hơn nhiều là tiếp cận với tiền.

Tôi chợt nhớ những chiếc kẹo lấp lánh được người lớn lì xì mang đút trong túi áo tuổi ấu thơ. Những chiếc kẹo không có mệnh giá nhưng ngọt ngào xuyên suốt thời gian. Cũng có lần quà lì xì mà tôi nhận được là một cái cây nhỏ, ông ngoại đi rừng thấy đẹp đào về. Nó không phải là giống cây quý hiếm gì, chỉ đơn giản là một cây ké nhỏ. Nhưng cánh hoa hồng nhạt, mong manh kiến tôi nhảy cẫng lên vì vui sướng.

Thật tình cờ là khi được hỏi “Tết năm nay con thích mẹ lì xì gì?” thì con gái tôi trả lời: “Con chọn một cái cây”. Con nói những đồng tiền không biết nở hoa, cũng không thể lớn lên tỏa bóng theo thời gian, không thể ra trái ngọt. Tôi ước gì có khu vườn đủ rộng để mỗi năm đều có thể trồng xuống một cây lì xì, xanh ngát…

Lì xì “trượt giá” đâu chỉ bởi giá trị của những đồng tiền bỏ trong phong bao. Mà là sự trượt mất những giá trị tốt đẹp của một phong tục lâu đời. Có lẽ đã đến lúc những người lớn chúng ta nên “chỉnh đốn” lại mình từ chuyện lì xì. Đừng để một phong tục đẹp tiếp tục bị biến tướng theo thời gian. Đừng để chuyện lì xì càng ngày càng bị thương mại hóa, khiến lòng người xa nhau, khiến ngày Tết sum vầy kém đi trọn vẹn.

1 BÌNH LUẬN

  1. Lì xì là môt phong tục truyền thống, cầu chúc mọi sự may mắn. Hoàn toàn đúng với tâm lý của con người. Nếu có chuyện “trượt” là do con người vẽ ra mà thôi. Trượt, theo nghĩa tiếng Việt, có nghĩa là hỏng, là sai mong muốn, mục đích. Chứ không hiểu theo kiểu “tăng thêm giá cả/ giá trị”. Chỉ có ta hiểu sai mà thôi. Tóm lại, lì xì, vẫn cứ nên duy trì vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới