Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Liên hiệp quốc kêu gọi các ngân hàng trung ương dừng tăng lãi suất

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) đã kêu gọi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác dừng tăng lãi suất.

Theo đại diện của tổ chức này, việc tiếp tiếp tục tăng lãi suất có thể sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái và tiếp theo là tình trạng lạm phát đình trệ (kinh tế trì trệ và lạm phát cao).

Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho rằng, các động thái chính sách tiền tệ và tài khóa ở các nền kinh tế phát triển có nguy cơ đẩy thế giới vào cơn suy thoái và tình trạng lạm phát đình trệ kéo dài. Ảnh: Twitter

Trong báo cáo thường niên về triển vọng kinh tế toàn cầu công bố hôm thứ Hai (3-10), UNCTAD cảnh báo Fed có nguy cơ gây tổn hại đáng kể cho các nước đang phát triển nếu tiếp tục tăng lãi suất nhanh chóng. Cơ quan này ước tính, lãi suất chủ chốt của Fed tăng 1 điểm phần trăm sẽ làm sản lượng kinh tế ở các nước giàu khác giảm 0,5% và sản lượng kinh tế ở các nước nghèo giảm 0,8% trong 3 năm tiếp theo.

Theo UNCTAD, các đợt tăng lãi suất của Fed trong năm nay sẽ làm giảm sản lượng kinh tế của các nước nghèo khoảng 360 tỉ đô la Mỹ trong vòng 3 năm và con số thiệt hại sẽ lớn hơn nữa nếu Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ.

Cảnh báo nói trên đưa ra trong bối cảnh mối bất an ngày càng gia tăng về tốc độ tăng chi phí vay của Fed và các ngân hàng trung ương khác để kiềm chế lạm phát. Hôm thứ Sáu rồi, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho biết nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với cú sốc lớn thứ ba, sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine, dưới hình thức tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương ở các nước giàu.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho rằng, các động thái chính sách tiền tệ và tài khóa ở các nền kinh tế phát triển có nguy cơ đẩy thế giới vào cơn suy thoái và tình trạng lạm phát đình tệ kéo dài, gây thiệt hại nặng nề hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cú sốc Covid-19 năm 2020.

“Vẫn còn thời gian để chúng ta lùi lại khỏi bờ vực suy thoái. Chúng ta có các công cụ để làm dịu lạm phát và hỗ trợ tất cả các nhóm dễ bị tổn thương. Nhưng hành động hiện tại (của Fed và các ngân hàng trung ương khác) đang gây thiệt hại cho những nước dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các nước đang phát triển”, Rebeca Grynspan nói.

Báo cáo của UNCTAD cho biết, dòng vốn ròng chảy vào các nước đang phát triển đã chuyển sang trạng thái âm do điều kiện tài chính xấu đi kể từ quí cuối cùng của năm 2021. Bà Grynspan dự báo, các nước có thu nhập trung bình ở Mỹ Latinh cũng như các nước có thu nhập thấp ở châu Phi sẽ ghi nhận một số mức tăng trưởng suy giảm mạnh nhất trong năm nay.

Mức suy giảm tỷ giá hối đoái danh nghĩa của tiền tệ ở một số nước đang phát triển so với đô la Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Unctad.org

Báo cáo lưu ý, những nước có dấu hiệu túng quẫn tài chính trước đại dịch Covid-19 như Zambia, Suriname và Sri Lanka đang phải hứng chịu tổn thương lớn nhất trong làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu.

Khoảng 90 nước đang phát triển đã chứng kiến đồng tiền suy yếu so với đồng đô la Mỹ trong năm nay, với hơn một phần ba trong số đó giảm hơn 10%.

Hồi tháng 9, Fed đã đã nâng lãi suất quỹ liên bang chuẩn thêm 0,75 điểm phần trăm, đợt tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp trong năm nay, để chống lại lạm phát ở gần mức cao nhất trong bốn thập niên. Động thái này đưa lãi suất của Mỹ lên biên độ từ 3 - 3,25%, tăng từ mức sát zero vào đầu năm. Gần như tất cả các quan chức Fed đều dự kiến sẽ tăng lãi suất lên mức 4%-4,5% vào cuối năm.

Trong một cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, Fed có xem xét tác động của các chính sách đối với phần còn lại của thế giới nhưng sẽ tiếp tục nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng đang tăng lãi suất cơ bản nhanh hơn so với những thập niên gần đây. Theo Ngân hàng Thế giới, trong tháng 7, số ngân hàng trung ương đã tăng chi phí đi vay nhiều hơn bất kỳ tháng nào kể từ khi dữ liệu được theo dõi vào thập niên 1970.

Theo báo cáo của UNCTAD, bất kỳ niềm tin nào cho rằng có thể hạ nhiệt giá cả bằng cách dựa vào lãi suất cao hơn mà không gây suy thoái đều là canh bạc mạo hiểm.

“Vào thời điểm mà tiền lương thực tế giảm, tài khóa thắt chặt, bất ổn tài chính và sự hỗ trợ, phối hợp đa phương không đủ, việc thắt chặt tiền tệ quá mức có thể dẫn đến một thời kỳ trì trệ và bất ổn kinh tế đối với nhiều nước đang phát triển và một số nước phát triển”, bà Grynspan nói.

UNCTAD cho biết thay vì tăng lãi suất, vốn có rất ít hiệu quả đối với viêc giảm bớt tình trạng thiếu năng lượng và lương thực, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào các biện pháp nhắm trực tiếp vào mức tăng đột biến giá. Các biện pháp này bao gồm giới hạn giá cả với chi phí được tài trợ bởi biện pháp đánh thuế một lần đối với lợi nhuận lớn bất thường của các công ty năng lượng.

Trong báo cáo, UNCTAD lưu ý, thỏa thuận hồi tháng 7 giữa Nga và Ukraine cho phép hơn một triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các hầm chứa của Ukraine được xuất khẩu qua Biển Đen, giúp giá ngũ cốc thế giới giảm 1,4%.

UNCTAD hạ báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống 2,5% và cho biết tăng trưởng của thế giới sẽ chậm lại, xuống 2,2% vào năm 2023.

Theo WSJ, Anadolu Agency

2 BÌNH LUẬN

  1. Tại hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), đại diện của tổ chức này đã kêu gọi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác dừng tăng lãi suất.

    Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) là tên gọi chính thức của một tổ chức, chứ nó không phải là một cuộc hội nghị, báo nhầm chỗ này rồi ạ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới