(KTSG Online) – Tại hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung diễn ra sáng 8-8 tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho hay liên kết hợp tác phát triển là vấn đề sống còn đối với hoạt động du lịch.
- Nguồn khách từ Ấn Độ và Đông Nam Á là 'cứu tinh' cho du lịch vào cuối năm?
- Huế đào tạo nghiệp vụ du lịch cho xích lô, tài xế, nhân viên buồng phòng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gợi ý các địa phương cùng nhau cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị di sản văn hóa của mỗi địa phương; hợp tác ứng dụng công nghệ số, du lịch thông minh vào liên kết phát triển du lịch, nhất là số hóa, chia sẻ dữ liệu về du lịch nhằm đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước về du lịch và tiện ích đối với khách du lịch.
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho rằng vẫn còn nhiều dư địa để phát huy liên kết này. Theo ông, sản phẩm cần có sự khai thác sản phẩm liên kết đặc thù cấp vùng và cân bằng giữa các địa phương, đảm bảo mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng làm điểm nhấn trong tổng thể thương hiệu du lịch vùng.
Ông cũng đề nghị các địa phương tập trung phát triển thị trường và quảng bá, xúc tiến du lịch truyền tải thông điệp theo chủ trương của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong bối cảnh mới là “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” đối với thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn –Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường nội địa; chú trọng thu hút đầu tư, hợp tác công-tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.
Tại sự kiện, các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý du lịch các địa phương cũng có ý kiến rằng các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) cần xây dựng danh mục các sản phẩm có giá trị chung, tránh trùng lắp để tạo thành chuỗi dịch vụ trong bộ sản phẩm liên kết các địa phương trong khu vực này.
Phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường khách MICE, du lịch cuối tuần, du lịch văn hóa, phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch biển đảo, du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch giáo dục là những gợi ý được đưa ra. Trong việc phát triển các sản phẩm này đến với du khách, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành của Hà Nội và TPHCM đóng vai trò quan trọng trong việc chào bán sản phẩm du lịch của các địa phương trong liên kết cho du khách trong nước và quốc tế.
Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện công tác liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển…, qua đó thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch các tỉnh, thành phố trong nhóm liên kết sau đại dịch Covid-19.
Bên lề hội nghị còn có các hoạt động như trưng bày chuyên đề di sản từ những con tàu cổ và gian hàng quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh Quảng Ngãi; chương trình tham quan các điểm đến tại Quảng Ngãi; hội đua thuyền truyền thống Tứ linh; liên hoan nghệ thuật bài chòi tỉnh Quảng Ngãi năm 2022; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch của TP Hà Nội, TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Năm 2021, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 7 địa phương này đạt gần 17,7 triệu lượt; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 63.073 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kết quả hoạt động kinh doanh du lịch đã có những diễn biến tích cực. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt gần 33 triệu lượt khách, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 87.892 tỉ đồng.