Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguồn khách từ Ấn Độ và Đông Nam Á là ‘cứu tinh’ cho du lịch vào cuối năm?

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Vào thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu trú, tại Đà Nẵng bắt đầu xoay xở để thu hút và phục vụ khách từ tháng 9 – cũng là lúc mùa cao điểm du lịch hè nội địa qua đi trong khi đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng chưa thể khôi phục mạnh mẽ.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An, cho hay công ty vừa xây dựng xong chiến lược thu hút khách quốc tế sắp tới cho hệ thống của mình bao gồm resort và villa Furama cũng như cung hội nghị quốc tế Ariyana.

Một nhóm khách Ấn Độ tại khách sạn Mường Thanh Luxury Sông Hàn Đà Nẵng. Khách từ Ấn Độ và Đông Nam Á đang được kỳ vọng là nguồn khách quan trọng của doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới. Ảnh: Ngọc Anh

Theo ông Quỳnh, điểm nhấn của chiến lược này là thu hút khách mạnh mẽ khách theo đường hàng không trực tiếp đến Đà Nẵng, đặc biệt là thị trường Ấn Độ. Ông cho biết thêm từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay, hãng hàng không Vietjet sẽ khai thác khách từ 5 thị trường tại Ấn Độ bay thẳng đến Đà Nẵng. Bên cạnh đó công ty cũng làm việc với các công ty du lịch tại Hà Nội và TPHCM để đưa ra các gói dịch vụ riêng để đem khách quốc tế từ hai đầu đất nước đến Furama và Đà Nẵng

“Nguồn khách này sẽ phần nào đó bù đắp lại các thị trường quốc tế truyền thống [Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Âu, Mỹ] của chúng tôi chưa thể hồi phục lại sau tháng 9 tới – thời điểm khách nội địa bắt đầu sụt giảm sau thời gian du lịch hè”, ông Quỳnh nói và chia biết thêm công ty ông cũng tập trung thu hút khách Ấn Độ là khách nghỉ dưỡng, gia đình và MICE bên cạnh chuyển công năng một nhà hàng thành nhà hàng chuyên món Ấn Độ và dịch vụ cưới phù hợp với nguồn khách này.

Chia sẻ dưới vai trò là Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, ông Quỳnh cho hay Hội Khách sạn Đà Nẵng cũng đã làm việc với các đối tác Ấn Độ với cam kết trong thời gian tới có thể đem 2.500-3.000 khách từ Ấn Độ đến Đà Nẵng hàng tuần, một phần nào đó giúp duy trì sự sôi động của du lịch Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, khách từ các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, theo ông Quỳnh, cũng đầy tiềm năng tuy không chi trả cao như các thị trường khác.

“Tôi mong chờ các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng được mở lại nhiều hơn”, bà Lê Xuân Thảo, Tổng Quản lý của khách sạn Mường Thanh Luxury Sông Hàn Đà Nẵng nói khi được hỏi về kế hoạch phục vụ khách từ tháng 9.

Theo bà Thảo, về khách quốc tế khách sạn nằm tại trung tâm thành phố Đà Nẵng này thu hút chủ yếu khách theo nhóm, cá nhân từ nhiều thị trường khác nhau, phần lớn cũng từ Ấn Độ và Đông Nam Á. Họ đến Việt Nam qua hai cửa ngõ Hà Nội và TPHCM và một phần từ các chuyến bay quốc tế trực tiếp và book dịch vụ lưu trú qua các hệ thống trực tuyến.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, khách sạn sẽ tiếp tục xúc tiến để thu hút khách công vụ và doanh nghiệp trong nước – là thế mạnh của mình lâu nay – để bù đắp lượng khách quốc tế được dự báo sẽ chưa thể phát triển mạnh sắp tới.

Theo ghi nhận tại một số cơ sở khách sạn, resort có số phòng lưu trú lớn và chuyên phục vụ khách quốc tế lâu nay, họ cũng hy vọng các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng sẽ có mật độ dày hơn sau các chương trình xúc tiến của ngành du lịch Đà Nẵng trong thời gian qua. “Thành phố đang xúc tiến rất mạnh mẽ khách từ Ấn Độ và Đông Nam Á. Hy vọng sẽ có nhiều nguồn khách đến từ các thị trường này trong vài tháng sắp tới. Ngược lại, nếu tình hình không khả quan chúng tôi buộc phải giảm quy mô hoạt động để giảm chi phí vì lúc đó khách trong nước đã giảm nhiều”, một doanh nhân (xin phép giấu tên) chia sẻ.

Theo thông tin cập nhật từ Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng (AHT), cho đến ngày 28-7, lịch bay mùa hè của công ty ghi nhận có 21 hãng bay đăng ký các chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng. Tất cả đều đến từ các thị trường Châu Á, trong đó hầu hết là Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, có khá nhiều hãng thay đổi lịch trình bay và thay đổi hay thậm chí hủy kế hoạch khai thác vì những lý do khách quan và chủ quan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới