Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liên kết làm du lịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liên kết làm du lịch

Đào Loan

(TBKTSG) – Câu chuyện luẩn quẩn “bắt tay, liên kết rồi… để đó” thường được nhắc đến như là một căn bệnh khó trị của ngành du lịch, nhưng nay đã thấy có một số cách làm mới.

Liên kết làm du lịch
Ảnh: Đào Loan

“Phải kiểm soát thường xuyên. Tham gia nhóm, doanh nghiệp có lợi thế để tạo giá bán cạnh tranh nhưng cũng phải có nghĩa vụ đóng góp vào số lượng bán để tiếp tục được là thành viên nhận ưu đãi”.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM

Hợp tác được vì cần nhau

Cứ mỗi tháng, tám công ty du lịch trong nhóm Vietnam Consortium Group (tạm dịch là Nhóm đối tác Việt Nam) lại có cuộc họp bàn về tình hình buôn bán trong tháng. Thông thường, người đứng đầu của những công ty này coi lại các sản phẩm bán ra trong tháng như thế nào, phát sinh khó khăn gì, có cần đẩy chương trình tiếp thị mới hay không…

Trong cuộc họp hôm thứ Ba tuần rồi, một đối tác ở Singapore đã đến chào, giới thiệu dịch vụ mới cùng các gói khuyến mãi. Đây là cơ hội để cả nhóm cùng thỏa thuận giá, trao đổi cách thức gửi khách nhằm có giá tốt nhất.
Nhóm chỉ mới thành lập chừng một năm nay, với mục đích liên kết một số công ty có quy mô nhỏ và vừa để tạo sản phẩm, hợp tác quảng bá, tạo tiếng nói với đối tác cung cấp dịch vụ nhằm lấy được giá tốt nhất để cạnh tranh. Cuộc họp hàng tháng luôn đầy đủ những người đứng đầu của các công ty thành viên. Thậm chí, khi một số người đi công tác nước ngoài hoặc có sự vụ đột xuất, nhóm có thể họp trực tuyến và đưa ra quyết định.

Khác với nhóm này một chút, nhóm Travelink lại có mô hình hoạt động tương tự mô hình công ty du lịch với những đại lý bán hàng. Đơn vị khởi xướng là Công ty Du lịch Liên Bang Travelink. Công ty này đứng ra tập hợp 17 công ty khác, bỏ tiền đầu tư trang web, một số hình thức quảng cáo… để thành viên bán những tour do cả nhóm lựa chọn. Các thành viên (có công ty chưa có trang web để giới thiệu sản phẩm) có thể bán tour qua trang web chung, dùng trang web này để quảng cáo, hoặc tự bán qua hệ thống riêng. Công ty Liên Bang Travelink sẽ đứng ra tổ chức tour để đảm bảo chất lượng dịch vụ đồng nhất rồi trích lợi nhuận cho các đơn vị còn lại.

Lý giải việc thành lập nhóm, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink – Trưởng nhóm, cho rằng những công ty nhỏ có mạng lưới bán hàng và điều hành tour không mạnh nên khó gom đủ khách lẻ để tổ chức đoàn thường xuyên như các công ty lớn. Vì thế, cùng ngồi lại trong một nhóm sẽ mở rộng mạng lưới bán hàng, kiếm đủ khách cho đoàn khởi hành. Thực tế sau vài tháng hoạt động, nhóm đã tăng số lượng tour bán trên web lên khoảng 30 tour trong và ngoài nước cũng như đang chuẩn bị kết nối thêm nhiều công ty khác, tăng số lượng tour.

Với Vietnam Consortium Group, sau chừng một năm hoạt động, mỗi thành viên đã tiết kiệm được hơn một nửa chi phí quảng cáo nhờ góp tiền quảng cáo chung; thỏa thuận được giá dịch vụ tốt hơn; chất lượng tour được đảm bảo vì mỗi công ty phụ trách tổ chức những loại tour mà mình có thế mạnh; lịch khởi hành đúng hẹn do cả nhóm cùng gom khách.

Có quy mô lớn hơn, nhóm doanh nghiệp kích cầu du lịch nội địa đã tập hợp được hàng chục công ty trong Hiệp hội Du lịch TPHCM cùng hai hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet Air. Sự hợp tác này làm giá tour trọn gói giảm từ 35% đến hơn 40%, thu hút hàng chục ngàn lượt khách mỗi năm, kéo theo nhiều đối tác dịch vụ khác cùng tham gia cho nhiều loại tour khác.

Trên đây chỉ là ba trong số những nhóm doanh nghiệp đã hợp tác với nhau, lập nhóm để cùng kinh doanh.

Ngoài ra, còn có những nhóm chuyên bán tour nước ngoài, tour Nhật Bản… Hay các hình thức hợp tác quy mô lớn cấp địa phương, như chương trình hợp tác giữa Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế đã thực hiện được một số việc như san sẻ kinh phí, luân phiên đứng ra tổ chức gian hàng chung tại một số kỳ hội chợ.

Gợi ý cho mô hình lớn

Trả lời TBKTSG, đại diện một số nhóm cho rằng, sở dĩ nhóm hoạt động có hiệu quả là nhờ các thành viên thực sự cần phải dựa vào nhau để phát triển, đồng thời, có kỷ luật điều hành nhóm.

Ở Vietnam Consortium Group, mỗi công ty sẽ luân phiên đảm nhận một công việc chung của nhóm như lo sản phẩm, phụ trách quảng cáo… Với những tour đã phân công cho một thành viên đảm nhận, những công ty còn lại phải gửi khách vào, nếu không đủ số lượng quy định thì phải nộp phạt. Ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Du lịch Viking – một thành viên của nhóm, cho biết: “Quy định nộp phạt để buộc các thành viên phải tập trung cho nhóm, tránh trường hợp các công ty chỉ lo bán những tour có thế mạnh. Trước đây đã có một vài nhóm hợp tác nhưng bị tan rã do không phân công trách nhiệm và không có chế tài xử phạt để dung hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ”.

Nhóm doanh nghiệp kích cầu du lịch nội địa có quy mô lớn hơn, vừa phải điều hành để các doanh nghiệp đưa ra những tour giảm giá thực sự, mua vé kích cầu của hàng không để làm tour khuyến mãi, vừa phải kết nối với hàng không và các đối tác khác để chạy chương trình. Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho biết hiệp hội phải liên tục kiểm tra số lượng vé máy bay khuyến mãi bán ra có tương ứng với số lượng tour khuyến mãi trọn gói mà các thành viên bán ra hay không, cũng như giám sát những trục trặc trong quá trình xuất vé máy bay… để giải quyết vấn đề ngay và loại bỏ những công ty làm ăn không đàng hoàng.

“Phải kiểm soát thường xuyên. Tham gia nhóm, doanh nghiệp có lợi thế để tạo giá bán cạnh tranh nhưng cũng phải có nghĩa vụ đóng góp vào số lượng bán để tiếp tục được là thành viên nhận ưu đãi”, bà nói.

Nhiều người cho rằng chính khả năng điều hành và dung hòa giữa quyền lợi – nghĩa vụ là nguyên nhân thành công của nhiều chương trình hợp tác, và cũng là nguyên nhân thất bại của nhiều chương trình hợp tác khác, nhất là các chương trình quy mô lớn, quy mô địa phương hay cả nước. Nhiều địa phương liên tục ký kết hợp tác, liên kết để phát triển du lịch, thậm chí có nơi còn ký kết với hàng chục tỉnh, thành nhưng kết quả không được bao nhiêu, bởi thường làm theo phong trào, không có người chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý cũng kêu gọi doanh nghiệp liên kết để tạo chương trình kích cầu lớn, tăng sức mua du lịch nhưng ít có chương trình thành công.

Theo bà Khánh, chương trình Ấn tượng Việt Nam thực hiện vào năm 2009 là chương trình kích cầu du lịch đầu tiên trên quy mô cả nước đã thành công bởi xuất phát từ điều kiện quan trọng đầu tiên là “cần nhau”. Lúc đó, du lịch suy giảm, doanh nghiệp nào cũng muốn kéo khách để tổn tại, địa phương cũng muốn xúc tiến để có khách. Khi ngồi lại, các công ty cùng giảm giá để tạo giá bán tốt hơn nhằm kéo khách và nhận được ưu đãi về thuế của cơ quan quản lý. Lúc đó, Tổng cục Du lịch điều hành, kiểm soát chương trình rất chặt chẽ, kêu gọi được nhiều cơ quan vào cuộc để các đơn vị tham gia có cả quyền lợi và nghĩa vụ. Đến nay, ngành du lịch vẫn chưa có thêm một chương trình thành công tương tự.

Trong cuộc họp hôm thứ Ba tuần trước, nhóm Vietnam Consortium Group nhận định thị trường du lịch cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều nhóm liên kết khác đã ra đời buộc nhóm này phải hoạt động mạnh mẽ hơn nữa. Nhóm đã định vị lượng khách quan trọng cần tập trung trong giai đoạn này là những người có thu nhập trung bình. Với đối tượng này, giá tour phải “mềm” nhưng không thể giảm chất lượng.

“Vì thế, vai trò đàm phán giá của nhóm rất quan trọng. Kể từ khi ngồi chung, chúng tôi đã tạo được tiếng nói, nhiều cơ quan xúc tiến du lịch nước ngoài đã làm việc với nhóm để có những ưu đãi. Một bó đũa to bao giờ cũng chắc chắn hơn từng chiếc nhỏ”, ông Hùng nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới