Thứ tư, 13/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Liệu vai trò của cha mẹ ngày nay có thay đổi?

An An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngày trước, người cha thường giữ vai trò đưa ra quyết định cuối cùng, giữ hình ảnh nghiêm nghị có phần lạnh lùng, ít can thiệp vào việc chăm sóc nhà cửa, nấu nướng hay trò chuyện tình cảm với con. Người mẹ đóng vai trò “nội tướng”, giữ không khí ôn hòa trong gia đình, trò chuyện nhẹ nhàng với con cái. Cha và mẹ thời nay có còn giữ vai trò khác biệt đó hay không?

Thế hệ đàn ông trẻ tuổi không ngại việc vào bếp hoặc phụ vợ chăm con.

Trong nhiều bộ phim thể hiện xã hội xưa, các bà mẹ thường dặn dò con cái cẩn thận trong cư xử kẻo cha biết sẽ trách mắng, xử phạt. Tuy nhiên, xã hội ngày nay đang dịch chuyển theo hướng cả cha lẫn mẹ đều có cơ hội phát triển sự nghiệp, chu cấp và chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Sự thay đổi trong xã hội hiện đại đang tạo ra một thế hệ phụ huynh trẻ tuổi có tri thức, tầm nhìn, hoài bão; và họ có trong tay nhiều công cụ để hiện thực hóa ước mơ, mục tiêu của mình.

Phụ nữ và trẻ em gái ngày nay dần được cởi bỏ sợi dây trói buộc người mẹ và việc làm nội trợ toàn thời gian. Thế hệ đàn ông trẻ tuổi với tư duy cởi mở, không còn ngại vào bếp giúp vợ hoặc phụ vợ dọn nhà, chăm con. Người cha tắm rửa cho con, dọn bữa ăn cho vợ con không còn bị đánh giá là làm việc của đàn bà, mà trái lại còn được khen ngợi.

Như vậy cha và mẹ có có còn đóng vai trò khác biệt trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái hay không?

Khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ

Trong các gia đình trẻ hiện đại hầu như không còn cảnh “chồng chúa vợ tôi”. Cha và mẹ chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu nhau trong công việc gia đình, chăm sóc con cái. Vai trò của cha và mẹ dần trở nên không quá khác biệt khi cả hai cùng đồng lòng chia sẻ, nuôi dưỡng, chu cấp cho con cái, đồng thời cởi mở hơn trong việc bày tỏ tình yêu thương với chúng.

Tuy nhiên, sự bình đẳng giữa nam và nữ, giữa cha và mẹ không đồng nghĩa với việc hai bên hoàn toàn giống nhau. Chúng ta bình đẳng trong sự khác biệt. Cá tính và sự khác biệt sinh học của chúng ta được tôn trọng. Giữa hai giới tính có sự khác biệt từ tận trong cách não vận hành và nội tiết tố, dẫn đến suy nghĩ và hành vi khác nhau.

Theo một nghiên cứu về Sinh học Thần kinh đăng trên tạp chí Y học thuộc Đại học Stanford, (Mỹ)(1), bộ não của đàn ông và phụ nữ có kích thước, cách kết nối và hoạt động rất khác nhau, dẫn đến những khác biệt đặc trưng trong suy nghĩ, cảm xúc, hành vi, cách ra quyết định giữa hai giới. Một số sự khác biệt thậm chí xuất hiện rất sớm trong cuộc đời mỗi người, từ thời điểm 2-3 tháng tuổi.

Xét trên số đông, nam giới có khả năng định hướng tốt hơn và nữ giới có khả năng sử dụng ngôn ngữ và ghi nhớ đồ vật tốt hơn(2). Một nghiên cứu từ Đại học Sydney (Úc) cũng chỉ ra rằng, nam giới thường có xu hướng ra quyết định mang tính mạnh mẽ, thậm chí “cực đoan” hơn(2). Phụ nữ, trong khi đó, thường mềm mỏng và có xu hướng cân nhắc đến cảm xúc của người đối diện.

Những khác biệt này không có nghĩa là giới nào thông minh hơn, nhưng là sự bổ sung cho nhau trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Việc người cha cởi mở và gần gũi với con cái giúp đứa trẻ đạt được nhiều điều tích cực hơn(3).

Theo một nghiên cứu năm 2017, trong số những đứa trẻ được cha đồng hành tăng 39% khả năng đạt điểm A (điểm tối đa), giảm 45% nguy cơ lưu ban, giảm 60% nguy cơ bị đình chỉ hoặc đuổi học, tăng gấp đôi khả năng đậu đại học và có công việc ổn định, giảm 75% nguy cơ có con ở tuổi vị thành niên (ở cả học sinh nam và học sinh nữ), và giảm đến 80% nguy cơ phạm tội, ở tù(4).

Khác biệt tạo nên sự cân bằng cho con trẻ

Tính đa dạng và sự khác biệt là yếu tố quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Trong gia đình, vốn là tế bào của xã hội, sự khác biệt của cha mẹ trong cách thể hiện tình yêu thương và sự chăm sóc là sự bổ sung cho nhau - yếu tố tạo nên môi trường gia đình lành mạnh, cân bằng cho con trẻ.

Ngày nay, người cha không nhất thiết phải đóng vai trò người chu cấp hoặc ra quyết định cuối cùng. Người mẹ hoàn toàn có thể chu cấp tốt hơn về mặt tài chính và người cha khéo léo hơn trong việc tổ chức nhà cửa.

Tuy nhiên, một điều quan trọng cần chú ý, cha và mẹ cần thảo luận với nhau về cách thưởng, phạt đối với con cái một cách công bằng, cũng như cách đối thoại, cư xử trước mặt các con.

Theo nhiều nghiên cứu đã đề cập, thông thường, cha và mẹ có nhiều khác biệt đặc trưng, như người cha cứng rắn, cương quyết và mạnh mẽ hơn, trong khi người mẹ mềm mỏng và tình cảm hơn.

Chính sự khác biệt đó giúp đứa trẻ học được kỷ luật, sự quyết đoán và sự linh hoạt, mềm dẻo, có tâm lý vững vàng, cân bằng, ổn định. Một bài viết trên tờ The New York Times(5) cho biết, trong gia đình, người cha và người mẹ có vai trò khác biệt nhưng quan trọng như nhau đối với con cái.

Do đó, trong những trường hợp đặc biệt, khi cả cha và mẹ không có sự bổ sung cần thiết cho nhau, ví dụ cả hai cùng quá nghiêm khắc và thiên về mệnh lệnh, hoặc cả hai cùng chiều chuộng con cái đến mức không áp dụng kỷ luật cần thiết, thì đứa trẻ có nguy cơ lớn lên nhút nhát hoặc ích kỷ, coi mình là trung tâm.

Điều lý tưởng nhất ở những gia đình này là nên có sự thảo luận rõ ràng giữa các bậc phụ huynh về cách hành xử, cương nhu phối hợp trong việc kỷ luật, dạy dỗ con cái. Mục đích sau cùng, chính là để đứa trẻ trở thành một người có tri thức, có lòng nhân ái, và vững vàng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

(1) How men’s and women’s brains are different | Stanford Medicine

(2) https://www.livescience.com/20011-brain-cognition-gender-differences.html

(3) Revealed: men and women do think and act differently - The University of Sydney

(4) Do Mom and Dad Still Have Differing Parental Roles? | HealthyPlace

(5) Mom and Dad Fill Different Roles - NYTimes.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới