(KTSG Online) - Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát của Việt Nam trong năm 2023 có thể vượt qua ngưỡng dự báo 4,5% do một vài tổ chức đưa ra. Lý do chính là vì độ trễ của gói phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và lạm phát ở các nền kinh tế đối tác quan trọng có thể vẫn ở mức cao trong năm tới. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm mới để thời kỳ 2021-2025, lạm phát kỳ vọng ở mức 4%.
- Yếu tố nào hỗ trợ kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng năm 2023?
- Lạm phát toàn cầu có thể đã đạt đỉnh
- Trung Quốc mở cửa trở lại có thể khiến lạm phát toàn cầu gia tăng
Theo TTXVN, dữ liệu lạm phát quí 3 và quí 4 năm 2-2022 cho thấy, giá tiêu dùng và sản xuất của Mỹ, EU, Anh... đã bắt đầu giảm từ mức cao nhất và có nhiều lý do để cho rằng, tỷ lệ lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt trong năm 2023 nhưng tốc độ giảm phát sẽ chậm. Đồng nghĩa, các ngân hàng trung ương lớn vẫn có thể tiếp tục tăng lãi suất ít hơn và giữ vững lập trường với mức lãi suất lâu hơn trong suốt năm 2023.
Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể làm lung lay những kỳ vọng lạm phát thấp hơn này. Trung Quốc sẽ rơi vào giảm phát hay lạm phát cao là điều chưa xác định.
Cổng thông tin VCCI cho rằng, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế. Trong đó, tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm 50,98%.
Do đó rủi ro nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều dự báo lạm phát vẫn ở mức đáng lo ngại.
Căn cứ các yếu tố tác động từ lạm phát chuỗi cung ứng; thiếu hụt nguồn cung; tổng cầu tăng đột biến; thiếu hụt lao động và dự kiến tăng lương tối thiểu vùng; giá xăng dầu, giá điện dự báo tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng trong thời gian tới… VCCI dự báo lạm phát Việt Nam năm 2023 nằm trong khoảng 4,5%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với độ trễ của gói phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và dự báo các nền kinh tế đối tác quan trọng lạm phát vẫn ở mức cao, lạm phát của Việt Nam có thể vượt qua ngưỡng dự báo 4,5% và đạt đỉnh vào năm 2023.
Để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ 2021-2025, lạm phát kỳ vọng ở mức 4%, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 khẳng định, Chính phủ sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý. Chính phủ sẽ cùng các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp tìm cách đa dạng, đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu, lương thực, thực phẩm.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới.
Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn, Chính phủ sẽ có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ. Những cơ quan này cần ử dụng chính sách tiền tệ đúng hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay sẽ dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.