(KTSG Online) – Ngày 26-10, thảo luận tại các tổ trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các đại biểu tán thành việc thí điểm đấu giá biển số ô tô. Song, còn ý kiến lo ngại việc này sẽ phá vỡ nguyên tắc quản lý xe theo địa giới hành chính, gây khó khăn cho công tác quản lý.
- Còn nhiều điểm chưa thống nhất về dự thảo đấu giá biển số xe ô tô
- Không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số xe ô tô trúng đấu giá
Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bảo đảm công khai, minh bạch trong cấp biển số xe; đồng thời khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Song, đại biểu Trần Sỹ Thanh (đoàn Hà Nội) cho rằng thí điểm đấu giá biển số xe không được phá vỡ nguyên tắc quản lý xe theo địa giới hành chính. Vị đại biểu này e ngại, nếu đấu giá tập trung trên phạm vi cả nước, liệu có xảy ra trường hợp người dân ở địa phương khác sẽ đấu giá biển số xe Hà Nội và như vậy sẽ không quản lý được.
Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội), dự thảo Nghị quyết quy định đấu giá trực tuyến trên phạm vi toàn quốc, nhưng lại thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số xe theo địa bàn các tỉnh, thành phố và quản lý phương tiện theo địa bàn các địa phương. Bên cạnh đó có những trường hợp khi chủ xe và xe chuyển sang địa bàn khác thì phải đăng ký lại.
Bà Thủy lo ngại, bây giờ đấu giá biển số đồng loạt, một người ở Cà Mau đấu giá ở Hà Nội và gắn biển số Hà Nội nhưng chạy ở Cà Mau thì công tác quản lý sẽ tạo ra rất nhiều phức tạp. Do vậy, Bộ Công an cần lý giải thêm về cách thức quản lý như thế nào.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi thí điểm đấu giá cả biển số xe ô tô nền màu vàng chữ màu đen và biển số xe mô tô, xe gắn máy để góp phần tăng ngân sách nhà nước, khai thác có hiệu quả tài sản công. Vì hiện nay, số lượng xe taxi, xe công nghệ, xe kinh doanh vận tải, xe mô tô, xe gắn máy (đặc biệt là các xe phân khối lớn, xe sang) rất lớn, nhiều cá nhân và doanh nghiệp vận tải cũng mong muốn sở hữu những biển số đẹp và sẵn sàng tham gia đấu giá.
Về giá khởi điểm, dự thảo Nghị quyết xác định giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá đối với vùng 1 (Hà Nội, TPHCM) là 40 triệu đồng, đối với vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Trần Sỹ Thanh cho rằng quy định như vậy thì sẽ “loạn cào cào”. Chỉ nên quy định mức sàn của giá khởi điểm, còn lại giao cho Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức giá khởi điểm.
Đối với việc thu tiền từ đấu giá biển số xe, ông Thanh cho rằng, nguồn thu từ đấu giá cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô nên đưa về ngân sách địa phương.
Không nên lo bò trắng răng. Biển số chỉ là ghi nhận phương tiện lưu thông. Hoạt động quản lý bây giờ tận dụng ưu thế công nghệ nên không có gì phải lo. Cũng không cần thiết phải phân biệt giá khởi điểm 40/ 20 triệu chia theo địa phương. Nhiều tỉnh ở phía bắc, bắc trung bộ, tây nguyên… qua thống kê số lượng xe sang mua sắm gấp nhiều lần mức trung bình cả nước. Đừng lo, ở ta bây giờ đâu đâu cũng có người giàu lên, có nhiều tiền, thích biển số đẹp mà.