Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lo ngại kiểm soát lạm phát gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2023

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4% so với cùng kỳ năm trước, Ngân hàng Nhà nước lo ngại việc kiểm soát lạm phát sẽ gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu năm 2023, bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đồ hoạ: Thu Trang

Báo cáo Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng áp lực lạm phát có xu hướng tăng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4% so với cùng kỳ năm trước, gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức với 4 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.

Thứ hai, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020.

Thứ ba, lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng.

Thứ tư, tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền đồng Việt Nam.

Cũng theo NHNN, áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi nhưng các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi.

Điển hình là việc thị trường vốn, gồm thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cùng kỳ năm 2021 và kiều hối có xu hướng giảm.

Ngoài ra, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Theo đó, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam.

Cụ thể, WB cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Moody’s cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lên 124% và 17% - là mức cao nhất các quốc gia xếp hạng Ba và Baa, cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô.

Cũng theo NHNN, những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân ngân quỹ nhà nước, là các khoản ngân sách nhà nước thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu, hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cung về vốn bị đọng tại ngân sách nhà nước, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất - kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.

Về hoạt động điều hành 8 tháng đầu năm, NHNN cho biết đã điều tiết tiền tệ nhằm góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị.

Theo đó, trong những tháng đầu năm để hỗ trợ phục hồi kinh tế, cơ quan này thực hiện chào mua giấy tờ có giá với khối lượng, kỳ hạn phù hợp. Trái lại, từ giữa tháng 6-2022, trước những diễn biến bất lợi của thị trường quốc tế, NHNN đã phải kiểm soát chặt chẽ tiền tệ để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại hối thông qua việc phát hành tín phiếu và kiểm soát khối lượng chào mua qua nghiệp vụ thị trường mở.

Về điều hành lãi suất, trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp. Chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Do chịu nhiều tác động tổng hợp từ diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước, mặt bằng lãi tiền gửi và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 8-2022 có xu hướng tăng so với cuối năm 2021.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng lạm phát quốc tế tiếp tục ở mức cao, trong nước tác động vòng 2 tăng áp lực lên lạm phát, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh, mạnh và dự báo đạt mức 4,5-4,75% vào cuối năm 2023, để tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ.

Theo đó, ngày 23-9-2022, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 1% lãi suất điều hành, tăng 0,3-1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng.

Về tỷ giá và ngoại tệ, từ đầu năm 2022 đến nay (đặc biệt là từ giai đoạn tháng 3 - PV), tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn từ những diễn biến phức tạp, khó lường trên thị trường quốc tế do Fed đẩy mạnh lộ trình thắt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất ở mức độ lớn với tần suất cao, đồng đô la Mỹ quốc tế có thời điểm tăng đến hơn 19%, xung đột Nga- Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn làm giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao. Điều này khiến cân đối cung - cầu trên thị trường ngoại tệ trong nước khó khăn, hệ thống tổ chức tín dụng bán ròng ngoại tệ cho khách hàng.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán lượng lớn ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường.

Vì vậy, đồng Việt Nam chỉ mất giá khoảng 4,8% so với đô la Mỹ sau 9 tháng đầu năm 2022, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, diễn biến thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

1 BÌNH LUẬN

  1. Ở Việt Nam tỷ giá và lãi suất bình thông nhau nên buộc phải đánh đổi. Nếu neo vào tỷ giá thì lãi suất phải lên cao và ngược lại, để thả nổi cho tỷ giá thì lãi suất thấp. Nhưng để lãi suất cao trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, nghệ thuật trong điều hành là tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. NHNN điều hành lãi suất lên 1 chút, tỷ giá mất 1 chút. Đó là những điểm rất quan trọng. Nhưng NHNN còn có 1 công cụ nữa chưa dùng đến là công cụ lãi suất ngoại tệ. Không phải 0% nữa. Thời điểm sử dụng cần cân nhắc vì những biến động địa chính trị trên thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới