Thứ Sáu, 23/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lo ngại tín dụng tăng nhanh tác động tới lạm phát

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Agribank, lo ngại tín dụng tăng trưởng nhanh sẽ gia tăng rủi ro với lãi suất và lạm phát.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỉ đồng tính tới 30-6-2022, tăng 9,35% so với cuối năm 2021, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 6,47%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Còn tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỉ đồng, tăng 4,51%, trong khi cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%.

Tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 9,35% tính tới 30-6-2022. Ảnh minh hoạ: VietinBank

Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh từng khiến đại diện Vietcombank, BIDV, VietinBank và MB lo ngại cạn “room” tín dụng, không thể đáp ứng nhu cầu cho vay của khách hàng có đủ điều kiện thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% vào tháng 5-2022.

Vì vậy, đại diện 4 ngân hàng đều kiến nghị NHNN nới “room” tín dụng để có dư địa triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất một cách hiệu quả trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là rất lớn khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Với Agribank, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV, cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng là gần 6% tính tới 30-6-2022, trong khi hạn mức tín dụng cả năm là 7%. Như vậy, ngân hàng chỉ còn dư địa tăng trưởng tín dụng hơn 1% trong 6 tháng cuối năm.

Nhưng thay vì kiến nghị nới “room“ tín dụng như 4 ngân hàng trên, ông Ấn cho rằng cơ quan quản lý không nên nới mạnh “room” trong nửa cuối năm 2022.

Lý giải điều này, Chủ tịch Agribank cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cao hơn 2 lần so với tốc độ huy động vốn là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro cho lãi suất.

“Nguồn vốn trong dân chỉ có mức nhất định, tăng trưởng huy động vốn năm nay không tăng mấy so với năm trước trong khi tín dụng tăng quá mạnh thì các ngân hàng sẽ giành giật vốn lẫn nhau, châm ngòi cho cuộc đua lãi suất”, ông Ấn nói và mong muốn Chính phủ, NHNN có kế hoạch đảm bảo tăng trưởng phù hợp.

Theo ông Ấn, nếu hy sinh để tăng trưởng thì áp lực lạm phát rất lớn. Cụ thể, tăng trưởng đột biến về tín dụng sẽ dẫn tới cuộc cạnh tranh lãi suất huy động, từ đó tăng lãi suất cho vay.

“Lãi suất đầu vào lên cao sẽ tạo áp lực lên lãi suất đầu ra, từ đó tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, gián tiếp tạo áp lực lạm phát. Nếu lạm phát tăng, mọi thành tựu thời gian qua sẽ trở về số 0”, ông Ấn lo ngại.

Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết cơ quan này sẽ tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vào tuần tới. Tại hội nghị này, NHNN sẽ quán triệt về vấn đề tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Về phía Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết mức tăng trưởng tín dụng những năm qua nhìn chung không thay đổi. Nhưng với từng ngân hàng thương mại thì NHNN phải đánh giá cụ thể.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bám sát tình hình thực tế để điều hành tín dụng phù hợp trên tinh thần “mạch máu của nền kinh tế không được tắc nghẽn”, đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống.

1 BÌNH LUẬN

  1. Lạm phát hiện nay, không do yếu tố tiền tệ, mà trực tiếp là do yếu tố địa chính trị biến động mạnh mẽ, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy chi phí, giá cả tăng cao chưa từng thấy. Kể cả một số nền kinh tế lớn sau rất nhiều năm bị giảm phát kéo dài hoặc lạm phát luôn ở mức rất thấp. VN ở vào hoàn cảnh khác. Lạm phát bên trong có thể ổn định được. Nhưng ảnh hưởng từ lạm phát bên ngoài là không thể tránh khỏi. Công thức thông thường là khi lạm phát cao thì kéo theo tăng trưởng tín dụng bị thắt chặt, mặt bằng lãi suất dâng cao. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, năng lực điều hành, giám sát hiệu quả dòng tiền trong nền kinh tế mới là quan trọng nhất. Năng lực đó phải được nhận thức đồng thời từ “bộ ba”: Ngân hàng/ Doanh nghiệp/ Nhà quản lý. Phương châm là không thắt chặt toàn diện, mở có trọng tâm, trọng điểm, đóng đúng lúc, đúng nơi, đúng liều lượng. Lạm phát và lãi suất phải chấp nhận nương theo thị trường, nhưng cần nằm trong tầm kiểm soát.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới