Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lo từ gốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lo từ gốc

Hồ Hùng

Để nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu, trước hết cần cải tiến khâu sản xuất lúa giống đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong năm nay Indonesia, Myanmar, Campuchia sẽ tăng sản lượng lúa, gạo và sẽ là những đối thủ cạnh tranh của Việt Nam. Do đó, để tăng sức cạnh tranh, trước tiên phải giúp nông dân Việt Nam cải tiến khâu giống.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mục tiêu sản xuất lúa, gạo năm 2010 là giữ ổn định diện tích, tăng năng suất để tăng sản lượng cả năm. Đồng thời, phải tìm giải pháp để gia tăng chất lượng lúa, gạo xuất khẩu. Bởi thời gian vừa qua, việc tăng sản lượng luôn được quan tâm nhiều nhưng chất lượng và độ an toàn của sản phẩm gạo hàng hóa lại chưa được chú ý, chưa xây dựng được thương hiệu khiến doanh nghiệp và nông dân bị thua thiệt. Điểm yếu lâu nay là vấn đề kho chứa đã được quan tâm, khi gần đây các doanh nghiệp quốc doanh được hỗ trợ vay vốn để xây dựng hệ thống kho có tổng sức chứa 4 triệu tấn. Trong đó, riêng Tổng công ty Lương thực miền Nam đầu tư khoảng 2.780 tỉ đồng nhằm nâng tổng sức chứa lên 1,724 triệu tấn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là lúa giống thì vẫn đang bị thả nổi. 

Thạc sĩ Phạm Thị Phấn, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), cho biết yếu kém trong quy trình sản xuất lộ rõ nhất là ở khâu sử dụng giống, khi có khoảng 70% lúa không đạt tiêu chuẩn giống nhưng vẫn được dùng để xuống giống! Rồi nhiều giống lúa đã thoái hóa, nhiễm sâu bệnh… vẫn được sử dụng khiến chi phí sản xuất tăng cao, sản phẩm thiếu an toàn do phải dùng quá nhiều nông dược.

Theo Cục Trồng trọt, riêng tại vùng ĐBSCL, với diện tích gieo trồng trung bình hàng năm khoảng 3,8 triệu héc ta, tính ra nhu cầu giống lúa cấp xác nhận hoặc tương đương đã lên đến 0,42 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện nay khoảng 40 đơn vị cung cấp và hệ thống sản xuất giống nông hộ chỉ đáp ứng được 30%.

Điều đáng nói là trong số lúa giống có thể đáp ứng cho nông dân, lượng giống chính quy chỉ đáp ứng khoảng 8% nhu cầu, 22% còn lại do hệ thống sản xuất giống nông hộ cung cấp, nên chất lượng giống cũng là một câu hỏi lớn. Riêng việc sản xuất các loại giống nếp và lúa mùa đặc sản, hầu như không có được sự quan tâm, dù nhu cầu giống rất cao.

Chính vì vậy, thực tế những năm qua, hiện tượng “sốt” lúa giống, thậm chí giá tăng gấp rưỡi, gấp đôi… thường xảy ra, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn khi chuẩn bị vào vụ mùa mới. Và đó chính là cơ hội cho các loại giống kém chất lượng đưa vào đồng ruộng. Chẳng hạn, tại Cần Thơ, năm 2009 lượng lúa giống tạm gọi là có chất lượng chỉ đáp ứng 45-50% nhu cầu, số còn lại nông dân… tự xoay xở.

Bên cạnh đó, với 70-80 loại giống lúa khác nhau, nhưng hướng chọn dòng lại khác nhau ở từng nhà cung cấp nên hạt giống siêu nguyên chủng của cùng một giống cũng không đồng nhất. Cộng thêm việc chất lượng quá chênh lệch ở từng cơ sở sản xuất giống, khiến chất lượng hạt gạo Việt Nam luôn bị đánh giá thấp.

Hầu hết các quốc gia sản xuất lúa, gạo trên thế giới đều tồn tại hai hệ thống cung cấp giống cây trồng và có sự tách biệt giữa hệ thống chính quy và không chính quy, tương tự Việt Nam. Thực tế, chính hệ thống không chính quy luôn là nhà cung cấp tốt hơn khi hệ thống chính quy không thể cung cấp đủ giống. “Quan trọng là phải làm sao có đủ giống xác nhận (đạt tiêu chuẩn) để nông dân gieo trồng, mới tính chuyện nâng chất lượng gạo xuất khẩu”, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nói.

Như vậy, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần phải giúp hệ thống không chính quy – tại Việt Nam là các tổ sản xuất, nông hộ… – nâng cao kỹ thuật, tạo nhiều ưu đãi để họ tham gia sản xuất lúa giống đạt chất lượng.Theo Cục Trồng trọt, cần những khuyến khích cụ thể cho hệ thống không chính quy như hỗ trợ giống gốc (giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng), vay vốn ưu đãi, tập huấn phương pháp kiểm định, kiểm nghiệm… Tuy nhiên, đó mới chỉ là đề xuất và số lượng tổ sản xuất, nông hộ tham gia sản xuất lúa giống vẫn dao động thường xuyên do thu nhập không ổn định và thiếu hỗ trợ kịp thời. Tại Cần Thơ, năm 2009 số hộ sản xuất lúa giống đã giảm 795 hộ, diện tích giảm hơn 360 héc ta… khiến lúa giống thiếu hụt trầm trọng.

Theo Cục Trồng trọt, để nâng cao chất lượng giống của hệ thống không chính quy, thì chính hệ thống chính quy là các viện, trường… phải cung cấp giống gốc đạt chất lượng. Trong khi đó, tại các viện, trường, các máy móc, thiết bị phục vụ thu hoạch và chế biến hạt giống còn rất hạn chế và lạc hậu, nên khó đảm nhận vai trò điều tiết cơ cấu giống lúa theo mong muốn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới