(KTSG) - Phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 9-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói “doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền khi điều hành tín dụng “lúc thả nhanh, khi phanh gấp”. Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán tài sản với giá chỉ bằng 50% giá trị thực và người mua là doanh nghiệp nước ngoài. Điều này đã được chúng tôi cảnh báo nhiều lần”.
- Cần có chính sách tín dụng học đường
- Thời điểm phù hợp để điều chỉnh chính sách tín dụng với bất động sản
Hiện trạng nhiều doanh nghiệp bị đứt dòng tiền, nhất là với doanh nghiệp ngành bất động sản, là có thật và một trong những nguyên nhân là do chính sách tín dụng bị siết lại. Tuy nhiên, nếu đổ hết lỗi cho chính sách tín dụng thì e là cũng chưa ổn. Hãy thử đặt một câu hỏi ngược lại: nếu không siết tín dụng vào bất động sản và chứng khoán thì liệu có ổn không; và Việt Nam có thể tiếp tục duy trì chính sách lãi suất ở mức thấp trong bối cảnh các nước trên thế giới đang phải tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát hay không?
Trước hết, việc tăng mạnh lãi suất cơ bản để chống lạm phát đã và đang tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường xuất nhập khẩu chính của Việt Nam. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, cộng với nguy cơ nhập khẩu lạm phát cũng không nhỏ, nên Việt Nam rất khó để đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới. Thực tế trong gần một năm qua cho thấy Việt Nam đã khá thành công trong việc chống lạm phát và giữ cho thị trường tài chính ổn định. Kết quả này có một phần quan trọng nhờ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước. Tất nhiên, khi rủi ro giảm bớt thì chính sách cũng dần được nới lỏng và đây cũng là những gì đã diễn ra trong những tháng vừa qua, khi Ngân hàng Nhà nước đã ngược dòng với xu hướng chung của thế giới, liên tục đưa ra các quyết định hạ lãi suất điều hành.
Thứ hai, chính sách tín dụng trong thời gian qua hầu như chỉ bị siết lại đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản và đầu tư chứng khoán. Đó là hành động cần thiết để hạ nhiệt một thị trường mà nguy cơ đổ vỡ do bong bóng đã quá lớn; và cũng là khuyến cáo được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra từ cách nay 2-3 năm. Sự đổ vỡ của thị trường bất động sản khiến hệ thống ngân hàng một phen phải liêu xiêu vì nợ xấu tăng vọt diễn ra cách nay hơn 10 năm, và vẫn còn để lại di chứng tới tận ngày nay, là bài học không được quên.
Điều đáng nói ở đây là diễn biến của chính sách tiền tệ trong gần một năm qua là điều đã được các chuyên gia kinh tế dự báo từ trước. Ngay trong giai đoạn chính phủ hàng loạt nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, phải tung ra những gói giải cứu khổng lồ để duy trì và phục hồi nền kinh tế đang bị tổn thương trầm trọng do đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo nguy cơ lạm phát và việc các ngân hàng trung ương phải nâng mạnh lãi suất cơ bản để chống lạm phát là điều sẽ sớm xảy ra.
Với ngành bất động sản ở Việt Nam cũng vậy. Từ 2-3 năm trước nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng bong bóng khi giá bất động sản leo thang quá nhanh, có thể dẫn đến nguy cơ đổ vỡ và tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng - nguồn cung tín dụng lớn nhất cho ngành này. Khi nguồn vốn tín dụng bị siết lại và ngay cả khi nhiều doanh nghiệp đã tìm được nguồn vốn khác ở kênh trái phiếu doanh nghiệp, thì rủi ro mất khả năng chi trả nợ trái phiếu do thị trường bất động sản bị đóng băng, do giá đã bị đẩy lên quá mức, cũng là rủi ro lớn mà những doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành phải biết và phải tính đến.
Trước những dự báo về viễn cảnh có nhiều rủi ro đó, lẽ ra các doanh nghiệp phải đủ tỉnh táo để cập nhật những dự báo này vào chính sách quản trị rủi ro của mình, nhằm có giải pháp ứng phó chủ động. Thực tế cũng cho thấy, trong ngành bất động sản - ngành đang gặp khó khăn lớn nhất về vấn đề dòng tiền, không phải doanh nghiệp nào cũng đứng trước nguy cơ sụp đổ lớn đến mức phải bán rẻ tài sản để có thể tiếp tục tồn tại.
Quản trị rủi ro trong doanh nghiệp, nhất là rủi ro về tài chính, có vai trò rất quan trọng, vì không có quản trị rủi ro thì không thể có phát triển bền vững. Hy vọng những gì đang diễn ra với các doanh nghiệp lớn mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập hiện nay sẽ trở thành bài học quý giá cho nhiều doanh nghiệp khác.
Lo sợ lạm phát nên thắt chặt cung tiền và hạn mức tín dụng quá mức dẫn đến lãi suất tăng cao và tăng nhanh nên bây giờ mới khó giảm nhanh xuống theo kỳ vọng được
Đổ lỗi thì quá dễ. Vấn đề là xác định nguyên nhân, tìm ra giải pháp. Một khi cơ quan điều hành không hiệu quả thì thị trường sẽ lên tiếng. Vậy nên, việc cạn kiệt dòng tiền, bán rẻ tài sản… chỉ là hậu quả bình thường của quy luật hoạt động kinh tế. Tổn thất, nếu có, cũng chính là cái giá phải trả mà ta phải gánh vác cho những khuyết điểm, tồn tại, yếu kém. Đó cũng là nhân – quả thôi,