Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lời giải cho năng lượng sinh khối tại Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năng lượng sinh học, bao gồm sinh khối và khí sinh học, là loại nhiên liệu được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Nhờ đóng vai trò kép trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, cũng như là năng lượng thay thế dồi dào cho nhiên liệu hóa thạch, năng lượng sinh học được đánh giá là nguồn năng lượng tương lai nếu được phát triển một cách bền vững và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả.

Quá trình chuyển đổi một số dạng năng lượng sinh khối như trấu, rơm rạ thành năng lượng sinh học giúp giảm phát thải khí nhà kính hai lần. Một, là tránh việc đốt, gây phát thải CO2 và ô nhiễm không khí. Hai, là xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp tại nhà máy năng lượng sinh học giúp kiểm soát rác thải, thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Tuy quá trình đốt vẫn thải ra CO2, nhưng lượng CO2 này nhỏ hơn nhiều so với lượng thải ra do đốt nhiên liệu hóa thạch và đây cũng chính là lượng CO2 mà cây đã hấp thụ trong quá trình sinh trưởng.

Nguồn: GIZ/BEM

Khi dùng năng lượng sinh khối, lượng phát thải khí nhà kính phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như loại sinh khối, phương pháp sử dụng, độ hiệu quả của công nghệ… Nhìn chung, phát thải khí nhà kính giảm được nhiều nhất khi sinh khối được chuyển hóa thành nhiệt hoặc đồng phát nhiệt trong các hệ thống công nghệ tiên tiến tại các nhà máy năng lượng hiện đại đặt gần nơi thu gom sinh khối.

Tại Việt Nam, năng lượng sinh học nói chung và sinh khối nói riêng vẫn khá mới mẻ trong thị trường năng lượng tái tạo. Từng có nhiều nghiên cứu và dự án phát triển loại năng lượng này nhưng hầu hết đều không thể triển khai trên diện rộng. Rào cản chủ yếu nằm ở việc thiếu thông tin đầy đủ về các công nghệ hiện đại, năng lực và kiến thức cho đội ngũ vận hành, khó tiếp cận được cơ chế tài chính phù hợp, đặc biệt là vấn đề nguồn nguyên liệu phân tán, thiếu bền vững, có tính mùa vụ, và giá cả chưa được kiểm soát.

Với ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng 14,68% GDP và 39,35% tổng dân số tham gia vào lực lượng lao động trong năm 2018, Việt Nam có tiềm năng lớn về sản xuất năng lượng sinh học. Trong các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, năng lượng sinh học được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và góp phần phát triển năng lượng tái tạo.

Nguồn: GIZ/BEM

Chính phủ Đức, thông qua Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) của Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn hạt nhân Liên bang Đức, đã tài trợ Dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng bền vững ở Việt Nam” (Dự án BEM). Dự án được Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp cùng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo thuộc Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2019 và sẽ kết thúc vào năm 2023. Cam kết của hai bên là cải thiện các điều kiện tiên quyết cho việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh khối để sản xuất điện và nhiệt tại Việt Nam.

Dự án BEM nằm trong khuôn khổ của Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP). Mục tiêu của Chương trình ESP là đóng góp vào chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, thông qua tăng cường khung pháp lý cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng nhằm thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý của các bên liên quan.

GIZ là tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các vấn đề năng lượng sinh học, bao gồm cả việc cung cấp các giải pháp xử lý những phụ phẩm nông nghiệp phổ biến ở Việt Nam như trấu, rơm rạ, bã mía, hay phụ phẩm gỗ. Với hàm lượng silica cao, tiềm năng lý thuyết khoảng 9 triệu tấn, trấu được dự án BEM của GIZ lựa chọn để hợp tác với Sanofi Việt Nam trong việc triển khai dự án “Trấu – Nhiên liệu xanh mới” (RING).

RING là dự án đa mục đích. Với môi trường, dự án giúp giảm phát thải khí nhà kính do chuyển đổi lò hơi hiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng trấu. Ở khía cạnh công nghệ và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, dự án giúp tăng chuỗi giá trị trấu thông qua việc sử dụng sản phẩm của quá trình đốt trấu là tro trấu, một sản phẩm đặc biệt với hàm lượng silica cao, để làm chất phụ gia quan trọng cho các ngành công nghiệp khác như sơn, xi-măng.

Ông Eric Auschitzky – Giám đốc Điều hành Khối sản xuất của Sanofi Việt Nam và ông Nathan Moore – Giám đốc Dự án BEM của GIZ tại Việt Nam đại diện hai bên ký kết hợp tác. Nguồn: Sanofi Việt Nam

Vào ngày 23-9-2021, biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai được Dự án BEM của GIZ và Sanofi Việt Nam ký kết. Dưới tư vấn kỹ thuật của GIZ, cộng thêm cơ sở hạ tầng, dữ liệu của Sanofi Việt Nam, Dự án RING sẽ tiên phong trong việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, và mang lại thêm thu nhập, việc làm cho người dân. Thông qua dự án, nhà máy Sanofi Việt Nam kỳ vọng sẽ giảm 2.000-3.000 tấn CO2 mỗi năm, giảm 40% chi phí hơi nước, và đặc biệt sẽ sử dụng 100% nguồn năng lượng sinh khối trấu trong sản xuất.

Nhận xét về tiềm năng của hợp tác này, ông Nathan Moore, Giám đốc Dự án BEM của GIZ cho biết: “Dự án “Trấu – Nhiên liệu xanh mới” mang đến một cơ hội mới để mở rộng việc ứng dụng nhiên liệu sinh khối thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi hi vọng dự án có thể đóng vai trò như một dự án điển hình cho ngành năng lượng sinh học tại Việt Nam”.

Mong muốn của ông Moore cũng là ý nghĩa và định hướng dài hạn khi phát triển năng lượng sinh học, một giải pháp giúp thực hiện các mục tiêu về khí hậu ở cấp quốc gia cũng như toàn cầu. Chúng ta chỉ thực hiện thành công cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính khi khai thác tất cả các nguồn năng lượng xanh một cách phù hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới