Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lỗi không phải của chiếc xích lô!

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hai sự việc gần đây ghi nhận tại Hội An và Huế - hai thành phố du lịch nổi tiếng – đều liên quan đến hình ảnh chiếc xích lô gây phiền toái cho khách du lịch. Liệu có cần phải điều chỉnh dịch vụ “xe ba bánh” này tại các khu đô thị du lịch?

Mới đây, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế thông tin đến báo chí rằng Thanh tra Sở Du lịch vừa phối hợp với Công an thành phố Huế tiến hành thủ tục trao trả lại số tiền cho du khách (quốc tịch Úc) khi bị người đạp xích lô thu tiền không đúng so với giá thỏa thuận.

Sau đó, vị du khách người Úc này đăng trên trang Facebook của mình kể về vụ việc, cảm ơn ngành chức năng Thừa Thiên Huế và không quên kêu gọi mọi người đến Huế.

Sự việc được giới truyền thông và cộng đồng mạng ca ngợi vì phản ứng nhanh của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, đằng sau lời khen này cũng cần nhìn thẳng vào sự thật về dịch vụ xích lô ở Huế.

Lâu nay, trong 10 người thì hết 8 người phàn nàn về vấn đề người đạp xích lô liên tục chèo kéo khi khách đi bộ trên một đoạn đường dài cho dù bị từ chối nhiều lần. Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, vấn đề này tạm lắng xuống, nhưng lại nổi lên thời gian gần đây khi du lịch quay trở lại gần như bình thường.

Chưa kể, một vài người gắn mô tơ vào xích lô để đỡ mất công sức và đi nhanh hơn, vô hình trung gây âm thanh ồn ào, mất an toàn và giảm đi hình ảnh vốn có của chiếc xích lô.

Trước đó, tại một cuộc họp về vấn đề tham quan phố cổ Hội An, đã có ý kiến về dịch vụ xích lô tại thành phố này.

Trong thời gian qua, thành phố Hội An phát triển dịch vụ xích lô để đáp ứng nhu cầu tham quan phố cổ mà không cần phải đi bộ của khách du lịch, đặc biệt là các nhóm khách từ Hàn Quốc và Hà Nội.

Vì là phương tiện không động cơ nên các đoàn xích lô chở khách có quyền vào khu vực trung tâm phố cổ từ 15 giờ đến tối (khung giờ thực hiện chương trình “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”).

Và vấn đề đã xảy ra. Vào khung giờ trên, nhiều du khách, đặc biệt là khách Âu, Mỹ và Úc, thích đi lang thang từ vỉa hè, xuống lòng đường và dọc bờ sông Hoài để ngắm phố phường. Tuy nhiên, nhiều du khách phản ánh họ cảm thấy mất an toàn và khó chịu khi cứ vài phút phải tránh né để các đoàn xích lô đi qua và nghe tiếng "ting ting" hoặc “í ới” cảnh báo phía sau lưng. Bản thân người viết cũng vài lần nghe lời phàn nàn này khi dạo phố cổ.

Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo thành phố Hội An cho biết chính quyền thành phố cũng đã ghi nhận và đang dần chấn chỉnh. “Hội An hiện nay chia thành hai dòng khách quốc tế với hai sở thích khác nhau. Khách Âu Mỹ thích đi bộ dạo phố cổ và bờ sông trong khi khách Hàn Quốc thích thú dịch vụ xích lô. Chúng tôi phải hài hòa lợi ích cho cả hai dòng khách này”, vị lãnh đạo trên nói và chia sẻ thêm trong thời gian sắp tới các ngành chức năng sẽ tiếp tục hướng dẫn, đào tạo những người hành nghề xích lô về văn minh du lịch cũng như điều chỉnh thêm khung giờ và phạm vi hoạt động của dịch vụ xích lô.

Tiếp tục đào tạo và hướng dẫn các “bác tài” xích lô về văn minh du lịch cũng là lời cam kết của ngành du lịch Thừa Thiên Huế khi được hỏi về giải pháp chấn chỉnh vấn đề nêu ở đầu bài. Trong khi đó, người đứng đầu thành phố Huế chia sẻ tiếp tục kiên quyết chấn chỉnh nạn chặt chém giá cả cũng như trật tự an toàn giao thông của dịch vụ xích lô nhằm đảm bảo môi trường văn minh đô thị. Các bác tài xích lô được thuyết phục cố định tại những khu vực dành cho mình, kèm bảng thông tin hướng dẫn.

Hy vọng với những giải pháp đến từ ngành du lịch và chính quyền sở tại, những vấn đề của dịch vụ xích lô sẽ được giải quyết nhằm nâng cao chất lượng du lịch của điểm đến, để tránh những chiếc xích lô phải mang tiếng xấu trong lòng khách du lịch.

Không ai phủ nhận những chiếc xích lô không những đang đem lại thu nhập ổn định cho các “bác tài” phục vụ du lịch mà còn là hình ảnh du lịch thú vị tại một điểm đến. Vì vậy, những người hành nghề xích lô cũng như ngành du lịch hãy cùng nhau “bảo vệ” hình ảnh chiếc xích lô để tiếp tục lan tỏa một điểm đến du lịch an toàn.

3 BÌNH LUẬN

  1. Rất tiếc, dĩ vãng đôi khi chỉ nên là ký ức, không cần thiết phải cho tồn tại. Xích lô, có thể xem là di sản vật thể, đại diện cho những năm tháng kinh tế đất nước còn trong hoàn cảnh đói nghèo. Phương tiện này mang lại kế mưu sinh cho hàng loạt người lao động. Hôm nay, ở nhiều địa phương kinh tế phát triển, loại hình xích lô cũ gần như vắng bóng phần lớn, hoặc chuyển sang loại hình “xích lô du lịch” theo hướng chuyên nghiệp, mới mẻ hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ nhân văn, lao động xích lô vẫn rất vất vả, thu nhập không nhiều. Hình ảnh về người lao động gò lưng đạp xích lô, dưới bầu trời nắng nóng, càng không thể xem là đại diện cho sự văn minh và tiến bộ của đất nước. Rất mong cần có sự cảm thông để nhìn nhận và thay đổi sớm, tạo ra sinh kế mới, bộ mặt mới cho những người lao động nghèo.

  2. Trong một xã hội (cho dù ở các nước phát triển và đang phát triển) luôn có những tầng lớp giàu, nghèo. Ở phương Tây hiện nay vẫn có dịch vụ ngựa thồ chở hàng hóa và học sinh đến trường thì ở VN dịch vụ xích lô chở khách là điều bình thường. Những người lao động ở tầng lớp nghèo chấp nhận bỏ công sức lao động để mưu sinh. Vấn đề ở đây là, khi họ đã tham gia chở khách du lịch, họ phải hiểu được rằng họ chính là những đại sứ du lịch, là một bộ phận của ngành du lịch. Vì vậy ngoài việc bản thân họ phải cung cấp dịch vụ tử tế, làm hài lòng khách du lịch để kiếm tiền, họ cũng cần được đào tạo thường xuyên về văn minh du lịch để “chuyên nghiệp hóa” dịch vụ xích lô.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới