(KTSG) - Trái ngược với hầu hết các cổ phiếu trên thị trường, việc lãi suất tăng dường như lại đang tạo ra động lực tích cực cho một nhóm nhỏ cổ phiếu của các doanh nghiệp đang nắm giữ nhiều tiền mặt.
- Người vay vốn phải làm gì khi lãi suất có xu hướng tăng?
- Các đồng tiền châu Á lao dốc sau khi Fed báo hiệu tiếp tục tăng lãi suất
Lợi thế tiền mặt dồi dào
Ngày 23-9-2022, lần đầu tiên sau hai năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn.
Cụ thể, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 5%/năm. Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng, trần lãi suất được nâng từ mức 0,2%/năm lên mức 0,5%/năm. Hai loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 5%/năm và 3,5%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các tổ chức tín dụng cũng tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.
Việc mặt bằng lãi suất tăng đang gây ra cơn “đau đầu” không hề nhỏ cho thị trường chứng khoán khi hàng loạt cổ phiếu ở trạng thái “đỏ lửa” suốt gần một tuần qua.
Mặc dù vậy, điểm đáng chú ý là trái ngược với hầu hết các cổ phiếu trên thị trường, việc lãi suất tăng dường như lại đang tạo ra động lực tích cực cho một nhóm nhỏ cổ phiếu của các doanh nghiệp đang nắm giữ nhiều tiền mặt.
Lý do là việc dự trữ được nguồn tiền mặt dồi dào có thể giúp nhiều doanh nghiệp phòng thủ tốt và thậm chí hưởng lợi khi lãi suất tiết kiệm tăng. Điều này được thể hiện khá rõ nét trong phiên ngày 23-9, khi hàng loạt cổ phiếu bảo hiểm hay những cái tên nắm giữ lượng tiền mặt lớn đã tăng điểm tích cực, thậm chí nhiều mã còn tăng kịch trần.
Những cái tên nổi bật
Một trong những cái tên nổi bật là “đại gia” ngành ô tô - Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã chứng khoán VEA). Tại thời điểm cuối quí 2-2022, VEAM đang nắm giữ gần 14.700 tỉ đồng (tiền, tương đương tiền và tiền gửi), tăng gần 2.500 tỉ đồng so với hồi đầu năm và chiếm 49% tổng tài sản của công ty.
Lượng tiền gửi khổng lồ kể trên đã giúp VEAM kiếm thêm hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận tài chính hàng năm. Riêng trong năm 2021, VEAM đã thu về hơn 700 tỉ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.
Trong năm 2020, lãi tiền gửi ngân hàng của VEAM thậm chí lên tới gần 1.000 tỉ đồng. Việc lãi suất tiền gửi nhích lên sẽ giúp VEAM thu về thêm khoản lợi nhuận không nhỏ từ tiền gửi ngân hàng trong hai quí cuối năm nay. Cơ cấu tài chính của VEAM cũng tương đối lành mạnh khi nợ vay chỉ hơn 200 tỉ đồng.
Tỷ lệ tiền ròng (sau khi trừ các khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn) là một công cụ để xác định chính xác tác động của việc lãi suất tăng là tích cực hay tiêu cực. Tỷ lệ này cao có nghĩa là doanh nghiệp có thể sẽ hưởng lợi hơn nếu lãi suất tăng cao.
Một nhóm cổ phiếu khác được đánh giá có thể hưởng lợi lớn từ xu hướng tăng của lãi suất ngân hàng là cổ phiếu ngành bảo hiểm.
Lợi nhuận đến từ hai kênh đầu tư chủ yếu của nhiều công ty trong ngành này là mua trái phiếu hay gửi tiết kiệm ngân hàng sẽ tăng.
Theo thống kê tại thời điểm cuối quí 2-2022 thì số dư tiền, tương đương tiền, tiền gửi và trái phiếu của các công ty bảo hiểm thường chiếm phần lớn quy mô tổng tài sản, thậm chí trên 70% như trường hợp của BIC, ABI. Nổi bật nhất phải kể đến BVH khi tỷ lệ này lên đến 89% với tổng lượng tiền và trái phiếu lên đến hơn 172.000 tỉ đồng.
Ngoài xu hướng tăng lãi suất, cổ phiếu bảo hiểm còn được kỳ vọng với nhiều câu chuyện hấp dẫn đang chờ đợi như thoái vốn Nhà nước hay nới room ngoại. Bên cạnh đó, việc mở cửa nền kinh tế diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay cũng sẽ giúp các hoạt động bán hàng hồi phục, qua đó thúc đẩy doanh thu phí bảo hiểm.
Đáng chú ý, tỷ lệ tiền ròng (sau khi trừ các khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn) cũng là một công cụ để xác định chính xác tác động của việc lãi suất tăng là tích cực hay tiêu cực. Tỷ lệ này cao có nghĩa là doanh nghiệp có thể sẽ hưởng lợi hơn nếu lãi suất tăng cao.
Theo dữ liệu cập nhật từ Fiinpro tại ngày 13-5-2022, Công ty cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam (PVG) có tỷ lệ tiền ròng vượt mức 690 tỉ đồng, tương ứng tới 218,16% mức vốn hóa của công ty này (318 tỉ đồng).
Tiếp theo là Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) với mức tiền ròng đạt 7.856 tỉ đồng, tương đương 97,57% vốn hóa của công ty này. Xây dựng Coteccons (CTD) xếp thứ 3 với tỷ lệ tiền ròng/vốn hóa đạt 94,31%, cụ thể là 2.992 tỉ đồng.
Một nhóm ngành khác cũng có lượng tiền mặt dư dả là bất động sản khu công nghiệp. Khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng giúp các doanh nghiệp khu công nghiệp có dòng tiền về đều đặn, qua đó duy trì lượng tiền và tiền gửi ổn định trong khi không cần phải vay nợ nhiều.
Điển hình như SIP có khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn lên đến 10.600 tỉ đồng vào cuối quí 2-2022. Nhờ đó, không khó để công ty duy trì lượng tiền và tiền gửi trên 4.200 tỉ đồng.
Tương tự, NTC cũng có gần 3.100 tỉ đồng doanh thu chưa thực hiện và số dư tiền và tiền gửi đạt 1.510 tỉ đồng tại thời điểm 30-6-2022. Các khoản lãi tiền gửi có đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của NTC cũng như hầu hết các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.
Bên cạnh việc một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng lãi suất tăng, tiềm năng ngành bất động sản khu công nghiệp nói chung của Việt Nam được đánh giá còn rất lớn với hai phân khúc chính sẽ được khai thác bao gồm cho thuê đất và cho thuê nhà xưởng xây sẵn nhờ tốc độ phát triển của thương mại điện tử và làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.