Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lúa gạo cuối năm: Giá tăng mạnh, nông dân không được lợi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lúa gạo cuối năm: Giá tăng mạnh, nông dân không được lợi

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Càng gần cuối năm, giá lúa gạo nội địa lẫn xuất khẩu càng tăng mạnh, đặc biệt sau khi Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) công bố thông tin vừa trúng thầu cung cấp cho Philippines 500.000 tấn gạo. Trong khi đó, nguồn cung trong nước hiện đã cạn nhưng nông dân được lợi từ việc giá lúa gạo tăng không nhiều.

Lúa gạo cuối năm: Giá tăng mạnh, nông dân không được lợi
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa hè thu 2013 – Ảnh: Trung Chánh

Giá xuất khẩu, nội địa “dắt nhau” đi lên

Trong những tháng đầu năm nay, giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn nằm ở nhóm cuối trong số 3 quốc gia bán gạo nhiều nhất thế giới hiện nay (gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan) và có lúc thấp hơn của Thái Lan đến 120 – 130 đô la Mỹ/tấn.

Thế nhưng, hiện tình thế đã đảo ngược hoàn toàn khi giá chào xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và vượt qua cả Thái Lan, Ấn Độ để lần đầu tiên trong năm nay trở thành quốc gia có giá chào xuất khẩu cao nhất thế giới (trong số 3 quốc gia bán nhiều gạo là Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan).

Cụ thể, trang thông tin chuyên nghiên cứu và phân tích thị trường lúa gạo thế giới www.oryza.com, cho biết hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam chào bán gạo 5% tấm với giá 420 – 430 đô la Mỹ/tấn, trong khi đó, Thái Lan và Ấn Độ chào bán đồng giá, chỉ 410 – 420 đô la Mỹ/tấn (đối với gạo 100%B của Thái Lan, tương đương gạo 5% tấm của Việt Nam và gạo 5% tấm của Ấn Độ), tức thấp hơn giá chào xuất khẩu của Việt Nam đến 10 đô la Mỹ/tấn.

Không chỉ giá xuất khẩu, thị trường lúa gạo nội địa ở những tháng cuối năm nay cũng liên tục tăng và hiện đã vượt lên mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Ông Dương Văn Mến, thương nhân kinh doanh lúa gạo ngụ tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, cho biết hiện lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp có giá 5.300 – 5.400 đồng/kí lô gam và 5.600 – 5.700 đồng/kí lô gam đối với các giống lúa hạt dài như OM 4218, OM 5451, OM 1490…, tăng 500 – 600 đồng/kí lô gam so với mức giá cách nay nửa tháng và đây cũng là mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Đối với gạo nguyên liệu, hiện gạo của giống IR 50404 được các doanh nghiệp xuất khẩu ở ĐBSCL đẩy mạnh mua vào với giá 7.400 – 7.500 đồng/kí lô gam và 7.700 – 7.800 đồng/kí lô gam đối với các giống hạt dài, tăng 300 – 400 đồng/kí lô gam so với mức giá cách nay nửa tháng.

Theo bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp gạo Yến Ngọc, quận Tân Phú, TP.HCM, giá lúa, gạo tăng mạnh do Việt Nam vừa giành được hợp đồng bán 500.000 tấn gạo sang Philippines; nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL đẩy mạnh gom hàng thực hiện các hợp đồng cuối năm.

Nhưng nông dân không được lợi

Dù diễn biến tình hình xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm đang tăng, có lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân sản xuất lúa, tuy nhiên, số hộ được lợi trực tiếp từ việc tăng giá không có bao nhiêu vì diện tích lúa chưa thu hoạch còn rất ít.

Chẳng hạn ở Tiền Giang, ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết năm 2013 địa phương xuống giống được trên 235. 620 héc ta, đạt hơn 100% kế hoạch năm nhưng chỉ bằng 97,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến nay, toàn bộ diện tích lúa của tỉnh cơ bản đã được thu hoạch xong với năng suất bình quân hơn 5,7 tấn/héc ta, sản lượng đạt hơn 1,3 triệu tấn.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 11-2013, toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch được 650.000/800.000 héc ta lúa thu đông (lúa vụ 3) với năng suất bình quân đạt 5 tấn/héc ta, trong khi đó, vụ lúa đông xuân sớm 2013-2014, phải 2 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch.

Với phần diện tích lúa còn lại chưa thu hoạch, khoảng 150.000 héc ta (trong năm 2013), có nghĩa toàn vùng ĐBSCL hiện chỉ còn khoảng 750.000 tấn lúa hàng hóa (năng suất bình quân 5 tấn/héc ta). Điều này đồng nghĩa hiện sản lượng lúa hàng hóa lưu thông đã không còn nhiều.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, số hộ nông dân còn trữ lúa lại chờ giá hầu như không có bởi khi thu hoạch xong họ đã bán lúa tươi tại ruộng trước đó hết.

Theo nguồn tin riêng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tính đến nay, tổng khối lượng hợp đồng xuất khẩu gạo được các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ký với đối tác đạt hơn 7,7 triệu tấn (bao gồm cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại). Trong khi đó, VFA cho biết tính đến cuối tháng 11-2013, lũy kế xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp hội viên đạt hơn 6,14 triệu tấn, trị giá FOB đạt hơn 2,64 tỉ đô la Mỹ.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới