Thứ Tư, 23/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lúa ơi !…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lúa ơi !...

Hạt lúa, hạt gạo là thứ được đánh đổi bằng những giọt mồ hôi của nông dân, đôi khi còn có cả những giọt nước mắt!

(TBKTSG Online) - Sáng nào cũng quán xá bún phở, đâm ngán, một bữa dậy sớm vo đúng một lon gạo nấu cơm. Sẵn còn ít mè bà ngoại sắp nhỏ gửi vô cho tháng trước bắc lên rang giã muối, bụng thầm nghĩ sáng sớm có món đạm bạc thơm lừng đến vậy, chắc thế nào cũng ăn được cơm.  

Ai ngờ, mỗi người chỉ xới một chén lưng lưng nhưng cứ ăn trầm trầy thậm thụi một lúc lâu mới xong, rồi buông đũa đứng lên.  

Trưa, con ăn ở lớp bán trú, hai vợ chồng ăn cơm tập thể cho tiện. Tối về, mở nắp vung thấy còn hơn nửa nồi cơm, thoảng vị ngọt nồng nàn hiền lành của thứ gạo quê để lâu ngày. Hạt cơm cứng quèo. Hấp lại thì ăn được, nhưng lại nghĩ ông xã mỏng bụng do hay rượu chè bù khú với bạn bè, không khéo ăn vào lại sinh ra "chiến tranh bụng", nên đổ hết ra cái ơ nhựa, dành cho bà chị nghèo ở mé ngoại ô mỗi ngày vẫn thường đi xin cơm thừa canh cặn ở phố về nuôi heo...  

Thấy ơ cơm còn đóng nguyên dấu đáy nồi, lại không có vẻ gì là đã quá ngày quá bữa, chị đưa tay ra, nhưng chưa kịp đỡ đã vội rụt lại. "Cơm còn ngon thế này sao cô lại bỏ?". Nghe xong câu giải thích "Nhà em xong bữa rồi" chị mới dám đưa tay ra đỡ ơ cơm nguội, nhưng tần ngần một lúc mới đổ vào thùng nước lềnh phềnh những cọng rau và mỡ heo.

Chị tặc lưỡi, bảo ngày xưa dễ gì có được bữa cơm trắng, nên chỉ cần lỡ tay rơi rớt dăm bảy hột đã là đã thấy ray rứt, thấy có tội với đất trời, huống gì hắt đi cả nửa ơ cơm thế này...  

Miệng cười khầy khà thể tất, rằng xưa khác nay khác, để ý so sánh làm chi cho mệt bụng, nhưng khi bước hẳn vào nhà, không dưng lòng lại nghe chống chếnh một nỗi gì. Mình cũng có một ngày xưa cơ cực, thường trực nỗi thèm thuồng được ăn cơm không có độn đó chớ.

Đôi lần lơ đễnh để chén cơm rơi xuống đất, không bị đòn nhưng lại khóc tấm tức, rấm rức, mấy đêm sau ngủ vẫn còn mơ thấy những hạt cơm trắng muốt nửa tức tối nửa dỗi hờn, xếp hàng rồng rắn rủ nhau bay tuốt về trời.  

Ngày mùa, ở trường về vừa đến nhà là lại lo cắp túng ra đồng mót lúa. Mót từng bông, từng gié, đôi khi còn hót cả mớ bùn lầy nhầy rác có nhúm lúa hột ai lỡ tay làm đổ đem ra ao đãi...  

Ngày nay, không ít học sinh trung học vẫn chưa có dịp tận mắt trông thấy ... cây lúa! Ảnh: TMB

Ngày xưa. Ngày xưa, hạt cơm trắng là cả một giấc mơ, thao thức, khát thèm. Bây giờ, cơm trắng đã là thứ quá thường, đã là một hiển nhiên. Quen đến mức nó có thể không được nhớ tên, không được gọi tên, không được đón nhận những cái nhìn trìu mến đáng được nhận và nỗi khát khao chờ đợi, thèm thuồng. Quen đến mức, nhiều người không hình dung được hạt cơm đã hóa thân từ đâu, đã trải qua vòng quay nhọc nhằn và hân hoan thế nào với đất trời nắng gió...  

Mình ít khi, đúng ra là không quen so sánh một cái gì. Có lẽ vì hồi trước, mẹ dặn dò hơi kỹ mỗi lần mình đi đâu với bạn bè, rằng ra đường thấy người ta sống giàu sống đẹp thế nào cũng kệ, đừng để tâm săm soi nhìn ngó, so đo làm chi cho phiền lòng, tủi thân. Lúc sắp có chồng, mẹ lại dặn chớ có so đo bất cứ điều gì giữa chồng mình với chồng người, coi chừng xảy chuyện không hay cho hạnh phúc. Nhưng sao lúc này mình lại thèm so đo đến vậy.

Nhấc điện thoại gọi cho ông anh ở quê hỏi dạo này giá mỗi cân lúa là bao nhiêu tiền. Hỏi để ước lượng xem cái áo mình mặc trên người, cái ví mình cầm trên tay nặng cỡ bao nhiêu. Để tính xem, nếu quy đổi hết những vật dụng hiện có của mình ra lúa sẽ được bao nhiêu tấn lúa, căn nhà phố hình ống của mình liệu có chứa hết hay không. Để tính xem, để hỏi thử mỗi cữ nhậu sương sương của ông xã mỏng bụng nhà mình bằng mấy lần tiền lãi của ba sào lúa cao sản. Để đoán xem hạt lúa có còn đủ sức đè nặng và ám ảnh giấc mơ của những con người lớn lên từ gốc rạ và sớm quên gốc rạ nữa hay không?...  

Nhưng lo quá. Lo quá. Làm sao mà đủ sức để thấu hết nỗi niềm lúa má, thóc gạo nếu ông xã cắc cớ, thản nhiên, vô tư hỏi lại, rằng thóc lúa là cái... giống gì?!

PHAN CHÍ ANH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới