(KTSG Online) - Việt Nam vừa ghi nhận một “kỷ lục” mới về nhiệt độ nắng nóng. Theo Tổng cục Thủy văn, nhiệt độ cao nhất ngày 6-5 tại trạm Hồi Xuân, tỉnh Thanh Hóa, lên đến 44,1 độ C – mức cao nhất đo được trên toàn quốc từ trước đến nay(1).
Mốc nhiệt độ mới này đã vượt qua con số 43,4 độ C ghi nhận ngày 20-4-2019 tại trạm Hương Khê, Hà Tĩnh, giá trị cao nhất quan trắc tại Việt Nam cho đến lúc bấy giờ.
Dưới cái nắng nóng kỷ lục, ai phải ra đường vào giữa trưa mới thấy được giá trị của một bóng mát. Và cũng tình cờ, báo chí vừa đưa tin người đứng đầu chính quyền TPHCM đã có thông báo kết luận về các phương án chỉnh trang khu vực trung tâm thành phố, bao gồm cả việc thiết kế mái che trên đường Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng. Theo đó, các mái che này “phải đảm bảo mỹ quan, hài hòa, thuận tiện, an toàn trong sử dụng”(2).
Sau tám năm tạm thời nhường chỗ cho công trường xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên, toàn đường Lê Lợi dài gần một cây số đã thông thoáng hoàn toàn. Có thể nói, cùng với đường Nguyễn Huệ – nay đã trở thành phố đi bộ – con đường này cũng là “trái tim về mặt địa lý” của TPHCM. Do vậy, diện mạo của nó rất được nhiều người quan tâm.
Đường Lê Lợi “đã trở lại”, dù chưa “lợi hại hơn xưa” (chỉ còn là vấn đề thời gian) – nói theo từ thời thượng của giới trẻ hiện nay – là một nơi “check-in” cho người dân và khách du lịch. Có điều, như nhiều người nhận xét, con đường vẫn thiếu bóng mát cho khách bộ hành.
Để có thể bổ sung ngay chỗ trống này, phương án làm mái che đã được chọn. Ai cũng thấy, ngay trước mắt, đây là giải pháp khả thi không quá tốn kém có thể mang lại bóng mát cần thiết trong thời gian ngắn.
Tuy vậy, về lâu về dài chắc cũng không thể bỏ qua việc phải trồng cây xanh. Mái che cho dù có “mỹ quan, hài hòa, thuận tiện, an toàn” đến đâu cũng khó có thể loại trừ cây xanh bởi lẽ từ lâu cây xanh là một phần của đời sống cộng đồng. Thử hỏi có đường phố đẹp nào mà lại thiếu bóng cây xanh?
Lê Lợi và Nguyễn Huệ đã từng được gọi là “đại lộ”. Một tự điển tiếng Việt định nghĩa “đại lộ” như sau: “đường phố lớn, bộ phận quan trọng của mạng giao thông đô thị và giữ vị trí chủ yếu trong mạng lưới ấy. Các bộ phận cấu tạo nên đại lộ có đường xe chạy, hè đi bộ, dải trồng cây, thiết bị chiếu sáng… thường có quy mô lớn và được cấu tạo đáp ứng yêu cầu thẩm mĩ và cảnh quan đô thị”(3).
Hiện nay, chúng ta không gọi Lê Lợi là “đại lộ”. Nhưng điều đó không có nghĩa là bỏ được hoàn toàn cây xanh trên con đường này. Lê Lợi, cũng như Nguyễn Huệ, tự thân đã mang tầm vóc của các “đại lộ” với đầy đủ các thành tố nêu bên trên của từ này, trong đó cây xanh là một bộ phận không thể thiếu.
Do vậy, mong rằng tiếp theo sau phương án mái che trước mắt, phương án cây xanh lâu dài sẽ được thực hiện để không những phục hồi nguyên trạng của một con đường được xem là “sấm uất bậc nhất ở Sài Gòn” mà còn tôn tạo hơn nữa xứng đáng với tầm vóc vốn có của nó.
Nhân chuyện mái che và cây xanh trên đường phố, người viết cũng muốn kể ở đây một chuyện tai nghe mắt thấy liên quan ít nhiều đến dân sinh.
Đi lại trên đường ở thành phố này, nếu chịu khó quan sát một chút có thể thấy rằng một số nơi trở thành chỗ nghỉ trưa “tự phát” của nhiều người – từ giới buôn gánh bán bưng, chị bán vé số cho đến anh xe ôm công nghệ, bác tài xế tắc xi v.v… Đặc điểm chung của các nơi này là có bóng mát.
Chắng hạn như gần chợ Tân Mỹ ở quận 7, có một đoạn đường ngắn với hai bên tường và nhiều cây xanh. Giữa trưa nắng nóng, đoạn đường ngắn này trở thành nơi nghỉ chân của người lao động phải chạy rong ngoài đường.
Dù chỉ là tạm thời, tự phát, không ai “thiết kế, xây dựng”, địa điểm này đã trở thành một nơi quý giá biết bao đối với những người lao động thu nhập không cao. Họ cần một nơi tạm lánh lúc cái nóng và tia cực tím hoành hành dữ dội nhất.
Thiết nghĩ, nếu mái che tránh nắng không chỉ xuất hiện trên đường Lê Lợi hay công viên Bạch Đằng mà sẽ còn mọc lên ở nhiều nơi thực sự cần thiết khác, đây sẽ là một câu chuyện đẹp. Theo người viết, những mái che tránh nắng buổi trưa như vậy thực ra cũng là một dạng phúc lợi cho người dân rất đáng để dựng lên.
..................
(1) https://plo.vn/nang-nong-o-viet-nam-lap-ky-luc-moi-co-noi-441-do-c-post732078.html
(2) https://plo.vn/nghien-cuu-lam-mai-che-nghe-thuat-pho-di-bo-nguyen-hue-cong-vien-ben-bach-dang-post732339.html
(3) https://vtudien.com/viet-viet/dictionary/nghia-cua-tu-%C4%91%E1%BA%A1i%20l%E1%BB%99
Mái che là tạm thời. Cây xanh là vĩnh cửu. Trước mắt, không có giải pháp nào tạo bóng mát, thì mái che cũng là một cách đơn giản và hợp lý. Nhưng sẽ hợp lý và tiết kiệm hơn nếu không làm mái che theo kiểu công nghiệp, lắp ghép tốn kém, mất thẩm mỹ đường phố. Nên đặt các dù che, theo khoảng cách hợp lý, vừa tiện dụng, cơ động, và có thể tái sử dụng mọi nơi, mọi lúc. Có thể vận động các đơn vị và người dân, tự sắm, theo khuôn khổ nhà chức trách quy định, bố trí trước mặt tiền nhà, văn phòng, cao âyc… Nhưng đừng quên, đồng thời và nhanh chóng triển khai chiến lược phủ cây xanh càng nhanh càng tốt.