Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mai này có còn rừng trúc Yên Tử?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mai này có còn rừng trúc Yên Tử?

Người phụ nữ này vừa hái được một túi măng và đang “bày hàng” bên lối đi để bán.

(TBKTSG Online) – Đường lên núi Yên Tử ngày nay, dẫu đã có hai hệ thống cáp treo giúp cho khách hành hương đỡ vất vả phần nào để đặt chân lên đỉnh cuối cùng ở độ cao trên 1.600 mét so với mực nước biển, nhưng vẫn là một cuộc thách đố sức dẻo dai của đôi chân và nhịp tim của người người.

Cũng trong mùa lễ hội kéo dài hết mùa xuân hàng năm, còn có hàng trăm đôi chân khác không hề bước lên cáp treo, mà vẫn hàng ngày lên Yên Tử, vượt qua những đoạn đường rất cheo leo, những tảng đá trơn trượt để kiếm sống bằng nghề hái măng, săn tìm các loại thảo dược để bán cho khách hành hương.

Đối với họ, rừng trúc Yên Tử bạt ngàn, ẩn chứa hiểm nguy kia là nơi tìm miếng cơm manh áo. Đó là những người hái măng và bán măng trên Yên Tử. Bên cạnh đó, trong cánh rừng bạt ngàn Yên Tử còn rất nhiều cây cỏ dược liệu… Và đối với du khách, những người lên Yên Tử hành hương thì việc mua những đọt măng trúc hay những thứ khác cũng có cái thú vị riêng.

Chỉ cần bước chân theo con đường vào suối Giải Oan là đã gặp những người bán măng. Họ đứng, ngồi đủ kiểu mời chào khách mua măng.

Loại măng trúc nhỏ thân, thon dài, để hái được chúng và đem bày bán giữa một lượng hàng trăm người chen chúc lên núi, len vào những triền dốc, những người bán măng đã phải gian khó biết bao.

Ngoài nhưng đọt măng, người ta còn bán nhiều thứ khác như khoai mài, các loại lá thuốc, rễ cây, nấm linh chi và nhiều cây cỏ hái từ rừng Yên Tử…

Từ mờ sáng, khi vượt qua chặng đường đầy gian nan để lên tới chùa Đồng, trong mây vờn và không khí lạnh buốt, tôi đã ngạc nhiên khi thấy đã có đến vài chục người ngồi bày hàng trên các tảng đá lớn, luôn miệng mời chào khách mua hàng. Người nào cũng tỏ ra khá am hiểu về các loại thảo dược trên vùng núi Yên Tử này.

Nhiều người coi măng trúc Yên Tử như là một loại đặc sản vì tin rằng những đọt măng ở độ cao 1.600 mét sẽ ngon hơn các loại măng dưới chân núi. Những người bán măng cũng sẵn sàng chuyển hàng đến tận cáp treo cho người mua số lượng lớn. Có khi mua bán tính bằng ký lô, nhưng phổ biến là măng được gói sẵn thành bó nhỏ, bán với giá 10 ngàn đến 20 ngàn đồng một gói.

Để có được vài trăm ký măng đem bán mỗi ngày, những người hái măng phải khá vất vả dù ai cũng thông thuộc đường đi nước bước trong những cánh rừng trúc bạt ngàn nơi đây. Nhiều người ở luôn trên núi hàng tuần lễ để hái măng và cho người nhà chào bán. Người ta còn chế biến thành măng ngâm chua trong lọ cho khách ở xa mua về làm quà.

Một người bán hàng ở đây nói rằng, nếu không bẻ măng thì rừng trúc Yên Tử khó phát triển. Nhưng có được bao nhiêu người trong số hàng trăm người làm nghề hái măng trong rừng trúc Yên Tử có ý thức gìn giữ, bảo vệ sự bền vững của nguồn lợi nuôi sống bản thân và gia đình họ trong từng hành vi khai thác? Hay lại như những cánh rừng nguyên sinh trên đất nước “giàu tài nguyên” này đã dần biến mất.

Được coi là đặc sản của Yên Tử, những đọt măng trúc thân nhỏ, dài trở nên đắt hàng và trở thành nguy cơ biến mất của rừng trúc trong tương lai.

Những người quản lý bao năm nay đã không thể ngăn chặn lực lượng cả vài trăm người vào rừng Yên Tử, đủ mọi cách đào xới tìm măng và cây dược liệu. Du khách lại thích thú với đặc sản Yên Tử và đã khiến những con đường lên núi cao Yên Tử đã trở thành con đường buôn bán lâm sản nhộn nhịp. Liệu mai này, con cháu chúng ta có phải nghe kể lại chuyện “ngày xưa, quê ta từng có trúc lâm Yên tử”?!

Bài và ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới