Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mật ong xuất khẩu sang EU bắt buộc phải ghi nhãn xuất xứ

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã đạt được một thỏa thuận nhằm xem xét và củng cố các tiêu chuẩn tiếp thị hiện có áp dụng cho mật ong, nước ép trái cây, mứt và sữa. Trong đó tập trung vào việc thay đổi các quy định về ghi nhãn xuất xứ, hàm lượng đường tự nhiên và sữa khử nước.

Khai thác mật ong tại Cao Bằng. Ảnh minh họa: TTXVN

TTXVN dẫn thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, cuối tháng 1-2024, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã đạt được một thỏa thuận nhằm xem xét và củng cố các tiêu chuẩn tiếp thị hiện có áp dụng cho mật ong, nước ép trái cây, mứt và sữa.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU, chỉ thị sửa đổi sẽ đưa ra những thay đổi như ghi nhãn xuất xứ bắt buộc đối với mật ong, các quốc gia xuất xứ trong mật ong hỗn hợp sẽ phải xuất hiện trên nhãn theo thứ tự giảm dần với tỷ lệ phần trăm của mỗi nguồn gốc.

EU sẽ áp dụng phương pháp thống nhất để truy tìm nguồn gốc của mật ong và các tiêu chí để đảm bảo rằng mật ong không bị làm giả, bị pha trộn với đường khi bán cho người tiêu dùng. EU cũng thành lập một nhóm làm việc để chống làm giả mật ong và gian lận thương mại.

Liên quan đến nước trái cây, để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng đối với nước trái cây ít bổ sung đường sẽ có ba loại sản phẩm mới.

Cụ thể, nước ép trái cây ít đường, nước ép trái cây ít đường làm từ nước cô đặc và nước ép trái cây ít đường được cô đặc. Bằng cách này, người tiêu dùng có thể chọn nước trái cây có lượng đường ít hơn ít nhất 30%.

Nước ép trái cây có thể ghi trên nhãn rằng "nước ép trái cây chỉ chứa đường tự nhiên" để làm rõ sự khác biệt với với mật hoa trái cây, nước ép trái cây theo định nghĩa không thể chứa đường bổ sung - một đặc điểm mà hầu hết người tiêu dùng không nhận biết được.

Hàm lượng trái cây bắt buộc cao hơn trong mứt cụ thể là việc tăng hàm lượng trái cây tối thiểu trong mứt (từ 350 lên 450 gam/kg) và trong mứt bổ sung (từ 450 lên 500 gam/kg) sẽ cải thiện chất lượng tối thiểu và giảm hàm lượng đường trong mứt cho người tiêu dùng EU.

Các quốc gia thành viên sẽ được phép dùng thuật ngữ marmalade là từ đồng nghĩa với mứt, có tính đến tên thường được sử dụng tại địa phương cho các sản phẩm này. Thuật ngữ "marmalade" trước đây chỉ được sử dụng cho mứt cam quýt.

Cùng với đó, việc ghi nhãn đơn giản cho sữa gồm sự phân biệt giữa sữa "khử nước- evaporated" và "cô đặc - condensed" sẽ được loại bỏ, phù hợp với tiêu chuẩn Codex Alimentarius. Sữa khử nước không chứa lactose cũng sẽ được cấp phép.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới