Thứ Tư, 24/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Meta loại bỏ danh mục nhạc Ý: Chính sách thắt lưng buộc bụng hay chiêu trò ép giá?

Nguyễn Ngọc Trâm(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Khi các nền tảng mạng xã hội trở nên phổ biến và thâu tóm số lượng người dùng khổng lồ, việc công ty chủ sở hữu các nền tảng này không sử dụng âm nhạc hay xóa bỏ nhạc các nghệ sĩ khỏi nền tảng của họ sẽ tạo ra các cơn địa chấn lớn ảnh hưởng tới cả nghệ sĩ và người dùng nhạc. Liệu đây chỉ là bước lùi tạm thời để chống chọi với suy thoái kinh tế hay có những vấn đề gì liên quan tới bản quyền âm nhạc một cách phức tạp khác?

Giới phát hành âm nhạc toàn cầu cho rằng việc Meta loại bỏ toàn bộ danh mục nhạc Ý khỏi các dịch vụ của hãng là “chiêu trò” nhằm ép giá các nhà phát hành và thậm chí còn là trái với luật pháp châu Âu.
Ảnh: New York Times

Hiệp hội Tác giả và Nhà phát hành Ý (SIAE) – tổ chức đại diện cho hàng chục ngàn người sáng tác nhạc tại Ý – mới đây đã ra thông cáo báo chí cho biết gã khổng lồ công nghệ Mỹ Meta đã quyết định “loại bỏ” toàn bộ danh mục nhạc Ý khỏi các dịch vụ của hãng như Facebook.

Meta đưa ra đề xuất kiểu “không thỏa thuận”

Theo SIAE, quyết định gỡ bỏ những ca khúc của thành viên tổ chức này đã khiến các tác giả và nhà phát hành Ý “ngơ ngác”. Phía Meta đã đề nghị SIAE chấp nhận một thỏa thuận cấp phép “bất kể kết quả định giá minh bạch hay định giá chung về giá trị thực sự của danh mục”. Cũng theo SIAE, đề xuất Meta đưa ra là theo dạng “không thỏa thuận”, SIAE chỉ được đồng ý hoặc không, đồng thời hãng này cũng đe dọa gỡ bỏ nội dung nếu SIAE không chấp nhận đàm phán.

SIAE không đồng ý với thỏa thuận và Meta – có vẻ như đã không xin giấy phép có hiệu lực nào cho danh mục nhạc của SIAE kể từ ngày 1-1-2023 – đã “đơn phương và đột ngột” bắt đầu gỡ bỏ nội dung của tổ chức này.

Quyết định của Meta về việc gỡ nội dung nói trên áp dụng cho mọi tác phẩm do SIAE quản lý trực tiếp, ngoại trừ những tác phẩm được cấp giấy phép con và vì đây là giấy phép cho nhiều vùng lãnh thổ, nên quyết định có hiệu lực tại tất cả các quốc gia châu Âu và cả ngoài khối EU (ngoại trừ một số quốc gia, trong đó có Mỹ).

Theo trao đổi chính thức của SIAE gửi tới Meta, tổ chức này “không thể chấp nhận đề xuất” vì công ty mẹ của Facebook “chưa bao giờ chia sẻ thông tin nền tảng cần thiết để đàm phán công bằng”. SIAE cũng nói thêm rằng phản đối của họ “liên quan đến thực tế rằng Meta đề xuất một mức giá trị trọn gói mà không cung cấp thông tin cần thiết cho SIAE để đánh giá xem liệu mức giá trị đó có thực sự là khoản thù lao công bằng cho các chủ thể quyền hay không”. Và Meta giải thích cho đề xuất không đàm phán của họ vì lý do “hạn chế ngân sách”.

Quyết định này của Meta khiến giới chuyên môn không khỏi so sánh với tình hình vào năm ngoái, khi mà mối quan hệ giữa hãng này và ngành âm nhạc đang ở thời kỳ “nồng ấm”. Vào mùa hè năm 2022, Meta tuyên bố sẽ thay đổi cách thức Facebook trả tiền cho các nghệ sĩ và chủ thể tác quyền âm nhạc – họ sẽ chuyển sang mô hình “chia sẻ lợi nhuận” cho nội dung video do người dùng tạo ra. Đây là chính sách mà hiện nhiều người trong ngành âm nhạc đang kêu gọi TikTok triển khai.

Cũng trong năm đó, Meta đã ký các thỏa thuận cấp phép mới tại nhiều vùng lãnh thổ với những “gã khổng lồ âm nhạc” như Universal Music Group, Warner Music Group và Kobalt Music Publishing. Goldman Sachs ước tính trong năm 2021, Facebook đã đóng góp 29% trong tổng doanh thu quảng cáo mà các “nền tảng mới nổi” trả cho ngành thu âm trong năm 2021, tương đương với 400 triệu đô la. Tuy nhiên, tất cả những điều này có vẻ đã thay đổi trong năm 2023.

“Năm tiết kiệm”

Trong năm 2023, Meta thực hành chính sách mà Mark Zuckerberg mới đây đã gọi là “Năm tiết kiệm”. Trong tháng 4 này, Meta công bố một đợt sa thải mới với 10.000 nhân viên sẽ bị cho thôi việc nhằm tiết kiệm chi phí, nối tiếp đợt sa thải diện rộng vào tháng 11 năm ngoái với tổng cộng 11.000 nhân viên. Như vậy, chỉ trong vòng sáu tháng, Meta đã buộc hơn 20.000 nhân viên phải thôi việc.

Trong thư gửi toàn thể nhân viên Meta vào ngày 14-3 vừa qua, Zuckerberg viết: “Trong phần lớn lịch sử của mình, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng qua từng năm và có nguồn lực để đầu tư vào nhiều sản phẩm mới. Nhưng năm ngoái là hồi chuông cảnh tỉnh về sự khiêm nhường. Nền kinh tế thế giới đã thay đổi, áp lực cạnh tranh gia tăng, tăng trưởng của công ty chậm lại đáng kể. Chúng ta đã cắt giảm ngân sách, thu hẹp quy mô bất động sản và đưa ra quyết định khó khăn là cho nghỉ 13% lực lượng lao động […].

Trước viễn cảnh đó, chúng ta sẽ cần hoạt động tiết kiệm hơn so với đợt cắt giảm nhân sự trước đây để đảm bảo thành công. Đối mặt với tình hình mới này, đa số công ty sẽ phải thu hẹp tầm nhìn và các khoản đầu tư dài hạn của họ”.

Meta không phải là gã khổng lồ công nghệ duy nhất gần đây tuyên bố sa thải và thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí khác; Microsoft và Google cũng là những ông lớn cắt giảm đáng kể lực lượng lao động của họ. Như vậy, phải chăng “hạn chế ngân sách” của Meta là lý do chính yếu dẫn đến quyết định gỡ bỏ danh mục tác phẩm của SIAE khỏi các nền tảng của công ty?

Nếu đúng như vậy, liệu họ có muốn cắt giảm cả khoản đầu tư xin cấp phép sử dụng âm nhạc trong tương lai? Và liệu cuộc “chia tay” với SIAE vì lý do tiết kiệm chi tiêu có dẫn đến tác động gián tiếp tới các cuộc đàm phán cấp phép âm nhạc giữa những tập đoàn công nghệ toàn cầu khác và các chủ thể tác quyền?

“Chiêu trò ép giá” bị phản đối

Bất luận động cơ thực sự của Meta hay TikTok đằng sau các quyết định gỡ bỏ nội dung có là gì đi nữa, giới phát hành âm nhạc toàn cầu cũng đang rất quan tâm đến vụ việc này và nhiều bên đã đưa ra bình luận của mình. Nhưng hầu hết đều cho rằng đây là “chiêu trò” của Meta nhằm ép giá các nhà phát hành và thậm chí còn là trái với luật pháp châu Âu.

Sau khi danh mục tác phẩm của SIAE bị gỡ khỏi nền tảng Meta, người dùng tại Ý và châu Âu sẽ không thể sử dụng âm nhạc thuộc danh mục này trên Facebook hoặc Instagram nữa. Tuy nhiên, SIAE “nghi ngờ khả năng của Meta trong việc gỡ bỏ hoàn toàn danh mục tác phẩm của SIAE khỏi tất cả các nền tảng của công ty này”.

Trên thực tế, điều này nghĩa là từ nay về sau, mọi nội dung âm nhạc do SIAE đại diện được sử dụng trên Facebook và Instagram đều là không phép, vì giữa hai bên không có thỏa thuận cấp phép có hiệu lực – cũng đồng nghĩa với việc SIAE sẽ liên tục đưa ra yêu cầu gỡ bỏ khi điều này xảy ra.

Vào ngày 17-3, ICMP – tổ chức nghề nghiệp đại diện cho ngành phát hành âm nhạc trên toàn cầu bao gồm các nhà phát hành lớn như Universal Music Publishing, Sony Music Publishing và Warner Music Publishing – đã đưa ra ý kiến về sự việc này.

Theo Tổng giám đốc John Phelan của ICMP, ngành âm nhạc tại Ý và châu Âu có mục tiêu rất đơn giản – đảm bảo các công ty như Meta tuân thủ nghĩa vụ trả tiền cho các nhạc sĩ để sử dụng tác phẩm của họ trên những dịch vụ như Facebook. Chỉ thị quyền tác giả châu Âu mới đã hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu này khi quy định rằng nếu các công ty như Meta và dịch vụ như Facebook muốn sử dụng âm nhạc của người khác thì phải xin cấp phép và trả tiền cho người sáng tạo nội dung.

Hiện nay số lượng bản nhạc trên thế giới đã lên tới hàng trăm triệu, thuộc vô vàn thể loại khác nhau. Nếu các công ty như Meta từ chối trả mức phí cấp phép hợp lý để sử dụng những tác phẩm này thì kế sinh nhai của hàng triệu người sáng tạo nội dung và chuyên gia âm nhạc sẽ bị ảnh hưởng.

“Điều Meta đang làm là sử dụng chiến thuật mạnh tay như thường lệ để yêu cầu một khoản phí “không nhận thì thôi” và khi không hài lòng, họ gỡ bỏ âm nhạc và cố gắng giảm giá trị của thỏa thuận”, ông John Phelan của ICMP nói.

Diễn đàn các nhà phát hành âm nhạc độc lập quốc tế (IMPF) thì cho rằng việc Meta từ chối chia sẻ thông tin liên quan để xác lập một thỏa thuận công bằng là trực tiếp đi ngược lại các nguyên tắc đề ra trong Chỉ thị quyền tác giả châu Âu. “Động thái của Meta không gì khác hơn là chiến thuật bắt nạt dùng để ép SIAE chấp nhận một đề xuất một chiều bất chấp bất kỳ kết quả định giá chung hợp lý nào về giá trị âm nhạc”, theo IMPF.

Đây không phải lần đầu tiên một người khổng lồ công nghệ “cơm không lành, canh không ngọt” với ngành âm nhạc.

TikTok hiện cũng đang cố gắng chứng minh rằng nền tảng này không cần âm nhạc do các hãng lớn phát hành tại Úc. Vào tháng 2, TikTok bắt đầu “tắt” một số bản nhạc của các công ty thu âm lớn trong video và gọi đây là một cuộc “thử nghiệm” để đo lường phản ứng của người xem. Có vẻ như TikTok đang nhắm đến việc sử dụng kết quả cuộc thử nghiệm tại Úc để đàm phán cấp phép với các công ty thu âm.

Phải chăng việc Meta được cho là từ chối đàm phán phí cấp phép cao hơn với SIAE – cùng với quyết định gỡ nội dung của SIAE khỏi nền tảng của họ – cũng là một cuộc thử nghiệm mà công ty này định áp dụng ở những nơi khác?

Có một chi tiết thú vị, theo ông John Phelan, “chiến thuật mạnh tay” này của Meta đã được thử nghiệm trước đó ở Pháp, Úc, Đan Mạch và Canada, song đều đã thất bại. Việc cắt bỏ nhạc của SIAE khỏi nền tảng Meta có thể dẫn tới khó khăn trong lần tái đàm phán trong tương lai và những thỏa thuận về thu phí bản quyền các bài nhạc phức tạp, giá cao và nhiều hạn chế hơn.

Vấn đề thu phí bản quyền có thể là lý do chính Meta thực hiện bước đi cắt bỏ nhạc của SIAE. Dù vậy, ở thời đại kỹ thuật số mới này, giá trị của bản nhạc chỉ có thể tăng chứ không giảm, và đương nhiên, trị giá của bài nhạc không thể bị định giá đơn thuần theo yêu cầu của Meta.

(*) Văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, Manhattan, New York, Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới