Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mickey Mouse – không chỉ là nhân vật hoạt hình

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Gần đây, người ta lại nói nhiều về chuột Mickey, là vì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, nhân vật hoạt hình này sẽ bị coi là... thuộc về công chúng.

Mickey Mouse là nhân vật hoạt hình nổi tiếng nhất thế giới do Walt Disney tạo ra. Chú chuột với đôi tai to tròn, chiếc quần rộng và đôi găng tay trắng này lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng là vào năm 1928, trong một bộ phim ngắn mang tên Steamboat Willy. Được Walt Disney đầu tư phát triển, chuột Mickey không còn chỉ là một nhân vật hoạt hình đơn thuần, mà trở thành biểu tượng thành công của đế chế phim Walt Disney. Công ty này hiện đang sở hữu quyền tác giả, cũng như quyền về nhãn hiệu với nhân vật chuột Mickey nổi tiếng này.

Gần đây, người ta lại nói nhiều về chuột Mickey, là vì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, nhân vật hoạt hình này sẽ bị coi là... thuộc về công chúng. Điều đó có nghĩa là thời hạn bảo vệ của luật về quyền tác giả đối với chuột Mickey đã sắp hết, và công chúng sẽ có quyền tự do sáng tạo tác phẩm mới về Mickey, mà không sợ bị kiện ra tòa.

Khi nhìn lại lịch sử bảo vệ quyền tác giả nhân vật Mickey Mouse của Walt Disney, chúng ta sẽ càng thấy rõ tầm ảnh hưởng của chú chuột bé nhỏ Mickey tới việc xây dựng luật ở Mỹ trong lĩnh vực này, cũng như thấy khả năng... lobby (vận động hành lang) của Walt Disney.

Ít ai biết rằng quyền tác giả được quy định ngay trong Hiến pháp của Mỹ. Điều 1 khoản 8 của văn bản có giá trị cao nhất này giao quyền cho Quốc hội Mỹ thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như các ngành nghệ thuật, bằng việc bảo vệ trong một khoảng thời gian có giới hạn quyền độc quyền khai thác đối với tác phẩm. Điều này có thể thấy tầm quan trọng của luật về sở hữu trí tuệ ở Mỹ.

Khi nhân vật Mickey Mouse ra đời năm 1928, thì luật về quyền tác giả của Mỹ áp dụng ở thời điểm đó (Luật Bản quyền 1909) ấn định thời hạn bảo vệ quyền tác giả 28 năm và gia hạn thêm một lần, tổng cộng là 56 năm. Điều đó có nghĩa là, theo quy định của luật 1909, chuột Mickey sẽ hết thời hạn bảo vệ vào năm 1984. Không có gì khó hiểu, công ty Walt Disney nhanh chóng tích cực vận động hành lang các nhà làm luật của Quốc hội Mỹ để thay đổi luật về quyền tác giả.

Cũng ở thời điểm này, thế giới đang dần thay đổi đáng kể nhờ vào phát triển công nghệ số, cùng sự bùng nổ của điện ảnh, truyền hình và chương trình giải trí, vì thế Quốc hội Mỹ cũng nhận thấy sự cần thiết phải sửa đổi luật bản quyền để đảm bảo lợi ích cho các nhà sản xuất. Kết quả là Luật Bản quyền 1976 ra đời, quy định rằng tác phẩm được bảo vệ trong suốt cuộc đời của tác giả, cũng như trong vòng 50 năm sau khi tác giả qua đời. Riêng đối với tác phẩm vô danh hay tác phẩm làm theo đơn đặt hàng (quyền tác giả sẽ tự động thuộc về bên đặt hàng chứ không thuộc về tác giả), thì thời hạn bảo vệ sẽ là 75 năm. Theo quy định của luật mới này, chuột Mickey sẽ vẫn thuộc độc quyền khai thác của Walt Disney cho tới năm 2003.

Tuy nhiên, 2003 cũng còn là quá sớm với Walt Disney, vì nhân vật hoạt hình này vẫn là nguồn thu lợi nhuận khổng lồ cho công ty. Một lần nữa, khi thời hạn 2003 đến gần, Walt Disney tiếp tục vận động hành lang sửa luật. Kết quả là Luật Kéo dài thời hạn bảo vệ quyền tác giả được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1998, theo đó kéo dài thời hạn bảo vệ tác phẩm lên tới 70 năm sau khi tác giả qua đời. Trong trường hợp của Mickey Mouse, thì thời hạn này được ấn định là tới 95 năm kể từ khi tác phẩm được công bố. Vậy là theo luật mới, chuột Mickey sẽ vẫn thuộc về Walt Disney cho tới năm 2024.

Chính vì sự vận động hành lang của Walt Disney mà Luật Kéo dài thời hạn bảo vệ quyền tác giả 1998 thường chẳng mấy khi được công chúng gọi bằng tên chính thức The Sonny Bono Act, mà được gọi đùa là... Mickey Mouse Protection Act (Luật Bảo vệ Mickey Mouse).

Tất nhiên, giới kinh doanh khai thác các tác phẩm đã hết hạn bảo hộ độc quyền chẳng mấy hài lòng khi luật mới được thông qua, và đâm đơn kiện cho rằng Luật Kéo dài thời hạn bảo vệ quyền tác giả 1998 là... vi hiến. Tuy nhiên, năm 2003, tòa án tối cao của Mỹ đã kết luận rằng việc kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả là hoàn toàn hợp hiến.

Ở thời điểm hiện nay, năm 2024 chẳng còn xa nữa. Mickey Mouse, sau 95 năm từ khi ra đời đến nay, vẫn là nhân vật “đáng giá nhiều tỉ đô la” mà Walt Disney không muốn mất đi. Trước đó, các nhân vật như Frankenstein, Sherlock Holmes, Robin Hood và Dracula đã rơi vào “public domain” (thuộc về công chúng) và ai cũng có thể tự do khai khác thương mại các nhân vật này.

Tất nhiên, nên nhớ rằng Walt Disney vẫn giữ độc quyền đối với nhãn hiệu Mickey Mouse, vốn có thể tồn tại không giới hạn về thời gian, vì thế công ty này vẫn giữ một lợi thế đáng kể trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ. Đối với các biểu tượng văn hóa, các công ty chủ sở hữu thường áp dụng chiến lược bảo vệ “đôi”: quyền tác giả kết hợp với quyền nhãn hiệu. Khi quyền tác giả hết thời hạn bảo hộ, thì quyền nhãn hiệu vẫn tồn tại! Walt Disney cũng nổi tiếng về chiến lược bảo vệ quyền tác giả vô cùng lợi hại, nên chắc hẳn nhiều người vẫn còn ngần ngại sử dụng nhân vật Mickey Mouse, vì không muốn phải đối mặt với Walt Disney trước tòa.

Trong thời gian tới, sẽ không chỉ là Mickey Mouse, mà còn vô số các nhân vật hoạt hình khác của Walt Disney sẽ hết thời hạn bảo hộ, như chú chó Pluto, hay vịt Donald, thậm chí là nàng... Bạch Tuyết và cả bảy chú lùn. Ít người biết rằng khi chú gấu Winnie bị hết thời hạn bảo hộ, thì có tác giả đã xuất bản bộ sách Gấu Winnie đi vào con đường... tội phạm.

Bảo hộ quyền tác giả là để khuyến khích tác giả tạo ra tác phẩm mới, nhưng đến một thời điểm nhất định, bảo hộ quá dài sẽ lại là hạn chế sáng tạo. Cân bằng giữa bảo hộ và tự do sử dụng, đó chính là nguyên tắc căn bản của luật về bản quyền.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới