Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Miên man tháng Sáu Nghĩ ngợi miên man về nghề báo qua bao thăng trầm đời sống gần thế kỷ qua

Trần Thanh Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - 1. Ngày thứ Bảy, tôi lần giở lại tập bút ký, phóng sự của “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng, do nhà phê bình Lại Nguyên Ân tuyển chọn. Thấm thoát, quyển sách đã in đúng 20 năm, được cấp giấy phép ngày 18-6-2004. Tự dưng, nghĩ ngợi miên man về nghề báo qua bao thăng trầm đời sống gần thế kỷ qua.

Ông Lại Nguyên Ân lấy luôn tựa sách là một truyện ngắn đầu tiên của Vũ Trọng Phụng in trên tờ Ngọ Báo năm 1930, lúc cây bút phóng sự lừng danh này vừa tròn 18 tuổi, đó là truyện Chống nạng lên đường. Để rồi, ba năm sau nữa, Vũ Trọng Phụng gây sự chú ý với dư luận bằng phóng sự Cạm bẫy người đăng trên báo Nhật Tân, và rồi tiếp nối là Kỹ nghệ lấy Tây (1934) cũng trên cùng một tờ báo…

Nghề viết phóng sự quả thật đã khai vỡ cho một thể loại báo chí tồn tại bền bỉ, mà tôi đoan chắc rằng đứng vào hàng thứ nhất trong việc phản ảnh hiện thực xã hội, qua mọi thời kỳ. Vì thế, những cây bút phóng sự với đam mê dấn thân luôn được công chúng độc giả đón đọc và ghi ơn vì bằng sự lăn lộn và tài năng, công luận mới hiểu thấu sự tình của một vấn đề, của một chính kiến muốn gửi gắm từ tác giả. Ấy là niềm hạnh phúc của riêng họ, sau khi trải nghiệm đủ thứ cay đắng ngọt bùi.

Bởi thế, không phải ngẫu nhiên, khi Vũ Trọng Phụng mất vào năm 1939, lúc ông mới 27 tuổi, tờ báo Tao Đàn trong số đặc biệt của mình, đã trân trọng tưởng nhớ bằng những lời như sau: “Căm hờn ở Vũ Trọng Phụng thành một ham mê. Tố giác thành một bổn phận. Che chở, đạo đức, công lý, cao vọng, văn hóa… thành một sứ mệnh”. Lẽ dĩ nhiên, trong bối cảnh đương thời, vốn là người tiên phong trong làng báo nước nhà về lĩnh vực phóng sự, Vũ Trọng Phụng xứng đáng được ghi công như vậy!

2. Chưa bao giờ nền báo chí có một nền tảng thuận lợi để phát triển khi các yếu tố nhanh, nhạy được phương tiện công nghệ tiếp sức tối đa như bây giờ. Những tiến bộ vượt bậc của một kỷ nguyên số đã góp phần làm nên diện mạo đặc trưng của rất nhiều tờ báo, với nhiều loại hình báo chí để đáp ứng yêu cầu của công chúng: đọc, nghe và xem. Song, cùng với đó, là sự lạm dụng đó đây trong việc xử lý, phản ánh thông tin cũng không phải ít.

Bởi vậy, nó dần dần tạo ra một “thói quen” đối với nhiều người, là buộc mình phải cảnh giác, chọn lọc kiểm chứng thông tin trước khi câu chuyện ấy in hằn trong tâm khảm, để khỏi phải rơi vào tình huống song hành tồn tại giữa tin tưởng và hoài nghi, khẳng định và nghi vấn. Một trạng thái khiến con người rất mệt mỏi khi phải đối diện, nhất là các vấn đề xã hội, vì không thể không quan tâm.

3. Nhưng nói cho cùng, thời buổi nào cũng khó gạt bỏ được các dạng tin đồn thất thiệt, huống chi trong một hoàn cảnh hầu như mỗi người đều có thể tiếp cận và cung cấp thông tin, dù vô tình hay hữu ý cho cộng đồng. Tin hay không tin vào một sự kiện, là quyền của mỗi cá nhân. Chỉ có điều, khi chưa xác tín vào sự kiện ấy, hoặc chưa nhận thức đúng về sự nguy hại, mà dùng phương tiện công nghệ để tạo ra sự lan tỏa, lại là vấn đề khác, thuộc vào ý thức của mỗi người. Lằn ranh của câu chuyện đúng - sai, hay - dở, ủng hộ hay phản bác, là ở chỗ ấy.

Vì vậy, trong những ngày tháng Sáu này, tôi càng nghiệm ra nhiều điều về sứ mệnh của báo chí, cho dù hành nghề trong bao lâu đi nữa, thì vẫn luôn trong tư thế của người học nghề, khai vỡ trên cánh đồng chữ nghĩa, để lấy đó vun bồi thêm vốn hiểu biết vẫn luôn nông cạn giữa biển đời mênh mông.

Suy cho cùng, nếu cho rằng thông tin sẽ thúc đẩy thế giới tiến bộ, thì trong một thế giới phẳng không ít nơi này nơi nọ vẫn đang lạm dụng sinh tồn - ảo, muốn khẳng định và cung cấp nguồn thông tin ấy là sự thật, có lẽ công việc và sứ mệnh cao cả của báo chí chưa hề ngưng nghỉ! n

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới